Thắng WIFI

22 tuổi, Nguyễn Đại Thắng tự mình mở quán DZI cà phê, bởi với anh wifi không chỉ là sự “sành điệu” đơn thuần hay “khoe của” mà hơn nữa, Thắng muốn “chia sẻ những gì mình hiểu biết cho bạn bè cùng biết”.

Và “cà phê WIFI chính là nơi thuận tiện để giao lưu học hỏi kinh nghiệm với những ai đam mê và muốn khám phá những lợi ích mà thiết bị công nghệ cao đem lại như điện thoại multimedia, PDA, máy tính xách tay...”.

 

Trót mê

 

Đang là sinh viên năm thứ 4 của ĐHQG TPHCM chuyên ngành mạng máy tính, Thắng đã “lặn lội” khắp nơi trong suốt một năm để tìm mặt bằng và mất nhiều thời gian cho việc sửa sang để cho ra đời DZI cà phê (212/A44 Nguyễn Trãi, Q.1). Trước đó, Thắng có cơ may được làm quen với các thiết bị công nghệ cao nhờ có kinh nghiệm sửa chữa và lắp ráp máy vi tính nhiều năm.

 

Mỗi buổi sáng, tại DZI cà phê lại xuất hiện những vị khách quen thuộc đến nhâm nhi ly cà phê và say mê thưởng thức công nghệ WIFI. Tất cả đều được “ông chủ” Thắng chăm sóc tận tình, mọi thắc mắc hoặc cần tìm hiểu gì về công nghệ đều được khách và chủ cùng chia sẻ.

 

Thắng luôn chọn cho mình một chỗ ngồi thuận tiện nhất trong quán để những vị khách khi cần thì có thể... kêu cứu ngay. Thắng nói: “Trong những lần đi cà phê, mình thấy ở hầu hết các quán cà phê WIFI nhân viên chỉ làm công việc phục vụ, còn khi khách thắc mắc những câu hỏi về “công nghệ” thì đành bó tay. Nhưng tại DZI, mọi thắc mắc của khách về công nghệ đều được đáp ứng”.

 

Thắng còn quyết định bỏ tiền đầu tư thêm 2 chiếc máy tính xách tay đặt sẵn trong quán, để phục vụ khách hàng thích sử dụng WIFI khi khách không có hoặc quên mang máy sử dụng. “Hôm trước, có người khách vào quán và sử dụng máy tính xách tay tại quán. Thế mà đâm ra thích và hỏi giá đòi mua nhưng mình không bán vì cái máy tính đó chỉ để dành phục vụ khách hàng miễn phí thôi” - Thắng kể.

 

Chia sẻ

 

Thắng cho biết: “Ý tưởng thành lập quán cà phê WIFI phục vụ cho dân yêu thích công nghệ lúc đầu không được gia đình đồng ý, nhưng mình vẫn quyết định mở quán và đã minh chứng cho gia đình là quán mở ra vì những người yêu thích công nghệ”.

 

Thật vậy, “ông chủ” đầu tư cho các thiết bị khá tốn kém như: máy tính xách tay, PDA, điện thoại multimedia... mỗi thứ luôn có vài món để có dịp là biểu diễn, thực chất là để chia sẻ kiến thức với mọi người vì am hiểu tất cả những đồ chơi công nghệ không bao giờ uổng phí nếu biết cách tận dụng.

 

Anh Phương, giám đốc kinh doanh của công ty C.M đã tìm đến quán DZI cà phê chỉ để đặt một câu hỏi: “Tại sao sếp của mình làm việc cũng bình thường thôi, nhưng mọi chi tiết công việc ông đều nhớ rất rõ và đôn đốc anh em liên tục?”. Và vấn đề dần dần hé lộ khi anh Phương biết sếp của mình sử dụng một chiếc PDA để lên lịch và sắp xếp kế hoạch làm việc”.

 

“Ông chủ” quán đã tư vấn, “truy lùng” tìm mua cho Phương một chiếc PDA tương tự với ông sếp. Không những thế, những đồ chơi công nghệ trong tay Thắng luôn được “cho mượn” với những khách hàng đam mê thiết bị công nghệ. Hoặc thỉnh thoảng, có những vị khách tìm đến anh nhờ sửa chữa hoặc hướng dẫn cách sử dụng các chương trình trên các loại máy.

 

Việc cập nhật hệ điều hành của con chip bên trong máy (còn gọi là UP ROM) cho các loại điện thoại, PDA... rất dễ làm chết toi luôn con chip bên trong. Thế nên họ tìm đến mình và nhờ tư vấn hướng dẫn cách cập nhật chip hoặc tiện thể thì cập nhật... giùm luôn! Dĩ nhiên tất cả đều không tính tiền. Với những lỗi kỹ thuật này, nếu đem đến các tiệm điện thoại di động, máy vi tính thì bị “cứa cổ” từ 150 - 500 ngàn”.

 

Thắng còn dự định biến quán DZI cà phê thành một “câu lạc bộ dành cho những người yêu thích PDA” vì đó mới đúng là một sân chơi lớn hơn cho những bạn yêu thích công nghệ.

 

Theo Phạm Vũ
Sài Gòn Tiếp Thị