DMagazine

Reviewer - nghề hái ra tiền nhưng ngập tràn những góc tối

(Dân trí) - "Chiến thần" Hà Linh mua được nhà, ô tô, mở công ty và thành công từ con đường review mỹ phẩm. Tuy nhiên, chính nghề này cũng đang khiến cô sở hữu lượng antifan đông đảo.

Reviewer - nghề hái ra tiền nhưng ngập tràn những góc tối

"Chiến thần" Hà Linh mua được nhà, ô tô, mở công ty và thành công từ con đường review mỹ phẩm. Tuy nhiên, chính nghề này cũng đang khiến cô sở hữu lượng antifan đông đảo.

Những năm gần đây, nghề review (đánh giá trải nghiệm) "nở rộ" tại Việt Nam, đặc biệt được nhiều người trẻ hưởng ứng.

Không cần bỏ vốn thuê mặt bằng, đánh hàng, thoải mái về mặt thời gian, đó là những lý do nghề này trở nên hấp dẫn. "Ai cũng có thể khởi nghiệp làm reviewer" là tâm lý chung của nhiều người.

Đến Hà Linh - nữ beauty blogger dính vào nhiều lùm xùm thời gian gần đây - cũng dễ dàng lấn sân sang mảng review ẩm thực, dù cô vốn nổi lên từ những video đánh giá mỹ phẩm. Để rồi, cô lại tự nhận về tranh cãi khi bị cộng đồng mạng chỉ trích "đạp đổ bát cơm người khác", "không có chuyên môn". Cuối cùng, cô phải xin lỗi và công bố ngưng làm video đánh giá nhà hàng, quán ăn vào ngày 12/4 vừa qua.

Dễ khởi nghiệp, kiếm được tiền nhưng thực tế, nghề này cũng có nhiều góc khuất. Hà Linh chỉ là một trong số những reviewer bị cho vào danh sách "tự chôn chính mình".

"Review bẩn là do đặt đồng tiền đi trước hậu quả"

Đó là quan điểm của TikToker, reviewer, diễn viên Tín Nguyễn (26 tuổi, sống tại TPHCM). Kênh của cô hiện thu hút 1,5 triệu lượt theo dõi với gần 60 triệu lượt thích.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô cho biết: "Đã gọi là nghề thì không có nghề nào khó và nghề nào dễ cả. Nghề review chẳng phải ngoại lệ. Tính cạnh tranh rất cao".

Reviewer - nghề hái ra tiền nhưng ngập tràn những góc tối - 1
Tín Nguyễn nổi tiếng nhờ những video hài hước, gần gũi với đời sống thường ngày. (Ảnh: NVCC).

Thông thường, mọi người có thể chọn hai hướng review. Một là làm người có sức ảnh hưởng rồi nhận booking (quảng cáo). Hai là tạo một kênh chuyên về review.

Tín Nguyễn đã chọn cách là người có sức ảnh hưởng, sau đó các nhãn hàng sẽ tìm tới. Cô định hướng phát triển bản thân trở thành nhà sáng tạo nội dung có hình ảnh cá nhân sạch.

Do đó, cô đã phải dành nhiều thời gian, tâm huyết để xây dựng hình ảnh cá nhân lúc bắt đầu. Để có được lượng theo dõi lớn như hiện tại, cô đã rất kiên trì. Cô nói không với việc nhận bừa, thu tiền về rồi dẫn đến hậu quả không lường trước được.

Tín Nguyễn không mấy ủng hộ hướng review "bẩn" (đánh giá không đúng sự thật, làm nội dung lố nhằm thu hút lượng view). Bởi cô cho rằng, khi review bất chấp như vậy, khán giả dần dần sẽ rời bỏ mình, không còn ủng hộ như lúc đầu nữa.

"Công sức bấy lâu nay mình tạo dựng sẽ sụp đổ nếu review không chọn lọc. Các bạn làm trong ngành cần thực sự biết tôn trọng những người đã ủng hộ mình", nữ diễn viên 26 tuổi nhấn mạnh.

Thực tế, đã có người không thể vực dậy nổi, điển hình là TikToker Nờ Ô Nô. Anh nổi tiếng với những video review món ăn bằng lời lẽ thô tục, phản cảm. Chàng trai từng đến một tiệm chè và chê đồ ở đó dở, nêm nếm quá ngọt. Thương hiệu chè này đã bị ảnh hưởng nhiều kể từ khi video được đăng tải.

Đỉnh điểm của sự "review bẩn" khiến dân mạng tẩy chay là việc Nờ Ô Nô làm clip có ý miệt thị người nghèo. Những câu nói "Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn", "Nghèo mà còn chê đồ ăn", "Bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu" nhanh chóng được lan truyền và trở thành "con dao" khiến anh phải chứng kiến cảnh kênh của mình bị sập hoàn toàn.

Ông Hoàng Tùng - chuyên gia trong ngành F&B - cho biết, một bộ phận TikToker đang đi lên từ nội dung bẩn. Họ cố tình chê bai, bóc phốt, tạo "drama" vì đây là những điều tạo nên sức hút, gây tranh cãi. Hướng làm việc này ảnh hưởng rất xấu tới việc kinh doanh của doanh nghiệp, nhân viên và chính những người xem.

Reviewer - nghề hái ra tiền nhưng ngập tràn những góc tối - 2
Hội antifan Hà Linh hiện có hơn 113.000 người tham gia. (Ảnh: FBNV).

Trở lại câu chuyện của Hà Linh, cô không làm nội dung bẩn, đánh giá bằng cảm nhận cá nhân qua lời lẽ cứng rắn (phong cách đặc trưng của nữ beauty blogger). Dù vậy, cô hiện vẫn bị "tẩy chay". Lý do đến từ việc nhiều người cho rằng, cô review quá chủ quan, thiếu chuyên môn, làm ảnh hưởng đến chủ doanh nghiệp.

Những ngày qua, các video review món ăn của Hà Linh bị cắt ghép, cho thấy hình ảnh cô nhăn nhó, dùng lời chê bai nặng nề được chia sẻ rầm rộ trở lại. Nhiều người nói cộng đồng mạng đang "dạy" cho cô một bài học. Từ người được yêu thích, cô bỗng có hội antifan hơn 113.000 người tham gia.

Nghề không có giới hạn thu nhập

Nhiều người cho rằng, suy đi nghĩ lại, reviewer ngày nay thực sự nắm giữ quyền lực trong bất kể các loại hình kinh doanh. Bởi cũng nhờ có họ, các sản phẩm mới đến gần hơn khách hàng tiềm năng.

Quyền lực này lớn đến mức một số chủ nhà hàng cũng không dám "nói xấu" họ. Phóng viên Dân trí liên hệ với một giám đốc truyền thông của chuỗi buffet lớn tại Việt Nam để nói về vấn đề reviewer không có tâm. Tuy nhiên, người này từ chối vì sợ reviewer sẽ trả thù, đánh giá thấp món ăn.

Phạm Thế Anh - CEO công ty truyền thông P-Media - cho biết: "Nghề review nổi lên từ chính nhu cầu mua sản phẩm trực tuyến hay trải nghiệm sử dụng dịch vụ trực tiếp của mọi người. Trong trường hợp đắn đo khi muốn mua sản phẩm hoặc trải nghiệm dịch vụ mà không biết chất lượng như thế nào, mọi người hay tìm đến những video, blog của KOL hay KOC có đánh giá về sản phẩm đó để tham khảo".

KOL (Key Opinion Leader) là người có sức ảnh hưởng, dẫn dắt dư luận từ kiến thức chuyên môn của mình. Họ có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội. Những ý kiến của họ nhận được sự đồng tình cao từ người theo dõi. Từ những KOL chuyên nghiệp, họ chuyển thành KOC (Key Opinion Consumer) - những người trực tiếp sử dụng sản phẩm và review theo chính cảm nhận của cá nhân.

Hiện nay, KOC thường đánh giá sản phẩm và gắn link sản phẩm để người tiêu dùng có thể tham khảo mua. Họ nhận được hoa hồng khi có khách hàng truy cập vào link mua sản phẩm.

Nhiều nhà bán hàng hay các thương hiệu lớn sẽ đăng ký KOL, KOC trải nghiệm sản phẩm và đánh giá (có thu phí). Đây cũng là cách các reviewer khẳng định sự uy tín cũng như độ hot, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Reviewer - nghề hái ra tiền nhưng ngập tràn những góc tối - 3
Những người mới bắt đầu vào nghề review thường khá chật vật. (Ảnh: TiraChard, iStock).

"Thực ra, nghề review không có giới hạn thu nhập. Khi bạn mới bắt đầu vào nghề, có thể lương khá thấp. Nếu đáp ứng được thị hiếu và bắt được xu thế, tâm lý của người xem, dần dần mức lương sẽ được cải thiện đáng kể.

Khi trở nên nổi tiếng được nhiều người biết đến, rất có thể bạn sẽ nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các thương hiệu lớn. Mức thu nhập lúc này có thể coi là rất hấp dẫn", chuyên gia truyền thông nói thêm.

Một reviewer phải đảm bảo những gì?

Theo ông Thế Anh, nhằm mục đích thu hút lượng lớn người xem và nhanh chóng nổi tiếng trong khoảng thời gian ngắn, nhiều reviewer thường đẩy mạnh thực hiện nội dung "bẩn" hay xây dựng thông tin "chê", chủ yếu chuyên đi "bóc phốt".

Không chỉ vậy, họ nắm bắt tâm lý của các nhãn hàng hay thương hiệu không biết cách xử lý khủng hoảng truyền thông và đồng ý chi trả số tiền lớn cho người đánh giá với mong muốn "câu chuyện được giải quyết gọn gàng". Lợi ích của việc đánh giá tiêu cực cho sản phẩm, dịch vụ từ phía KOL, KOC là họ sẽ được tăng trưởng follower (người theo dõi), doanh thu từ các nhãn hàng trả cho.

Nhưng về lâu dài, sự định hướng đó sẽ gây ra không ít tiêu cực đến cảm nhận của mọi người xung quanh về họ. Họ tự tạo nên một hình ảnh "xấu xí".

Ban đầu, việc "bóc phốt" có thể khiến người xem tò mò và quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề đó không tạo ra nhiều giá trị, gắn kết với người theo dõi. Và chỉ một thời gian sau, người xem sẽ dần rời khỏi nội dung tiêu cực, trống rỗng và tìm đến những thông tin thú vị, tích cực hơn trong cuộc sống.

"Song song, việc đánh giá tiêu cực quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến cả các mối quan hệ xung quanh. Bạn bè sẽ ngại tiếp xúc và xa lánh đối với cá nhân nghĩ về cuộc sống theo hướng tiêu cực. Ngoài ra, việc các thương hiệu quay lưng là chuyện sớm muộn. Đặc biệt đối với các chiến dịch lớn, nhãn hàng vô cùng tập trung việc chọn người mẫu quảng cáo, người đại diện nên việc xây dựng hình ảnh tiêu cực sẽ gây nên bất lợi lớn cho KOL, KOC đó", ông Thế Anh bày tỏ quan điểm.

Không chỉ đối với công việc, trong cuộc sống, người đó dần hình thành thói quen tìm ra điểm yếu và "bới móc" những khuyết điểm của sự vật, sự việc xảy ra xung quanh. Điều này vô hình chung tạo ra rào cản kìm nén sự phát triển của bản thân.

Để trở nên chuyên nghiệp và thành công, một reviewer cần trang bị một số kỹ năng.

Đầu tiên là việc giao tiếp hiệu quả, thu hút. Là người trực tiếp đưa ra đánh giá, nhìn nhận về dịch vụ, sản phẩm nào đó, reviewer cần tự tin, nói dễ nghe, rõ ràng và có lối dẫn chuyện lôi cuốn, pha thêm chút vui nhộn. Thông thường, cá tính đặc biệt được đưa vào video đánh giá sẽ dễ tạo dấu ấn. Nếu hình thức review viết, ngôn ngữ phải rõ ràng, dễ hiểu, đúng trọng tâm, không sai chính tả.

Thứ hai, reviewer phải tìm hiểu kiến thức về lĩnh vực mình review. Để tạo sự thu hút, reviewer cần xác lập người theo dõi muốn xem, chăm sóc tới những gì và phải am hiểu về nó.

Reviewer - nghề hái ra tiền nhưng ngập tràn những góc tối - 4
Việc reviewer đi theo hướng "bóc phốt" quá nhiều dễ bị cộng đồng mạng "quay xe". (Ảnh: Twinsterphoto, istock).

Tiếp đến là khả năng sử dụng công nghệ. Những trang thiết bị điện tử chuyên nghiệp không chỉ giúp reviewer truyền đạt thông tin, hình ảnh chân thực đến khán giả tốt hơn. Nó còn thể hiện sự chuyên nghiệp và "cái tâm" dành cho nghề. Vì thế, bạn cần học cách sử dụng chúng thật tốt hoặc có thể xây dựng đội hậu cần riêng nếu cần thiết.

Cuối cùng, việc lựa chọn kênh truyền thông phù hợp cũng rất quan trọng.

"Reviewer cần biết đối tượng người theo dõi của mình là ai, có thói quen như thế nào, họ đang hoạt động trên kênh xã hội nào nhiều nhất… Điều này giúp tối ưu hóa việc truyền thông cho kênh review của reviewer đến đúng đối tượng cần thiết", ông Thế Anh nói.