(Dân trí) - Người ta biết đến Trang Nguyễn như một "cô gái thép" trong ngành bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD). Cô gái năm nay hơn 30 tuổi, đã có 10 năm nghiên cứu, bảo tồn ĐVHD, trong đó có nhiều ngày tháng "ăn rừng ngủ núi".
(Dân trí) - Người ta biết đến Trang Nguyễn như một "cô gái thép" trong ngành bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD). Cô gái năm nay hơn 30 tuổi, đã có 10 năm nghiên cứu, bảo tồn ĐVHD, trong đó có nhiều ngày tháng "ăn rừng ngủ núi".
Vượt qua căn bệnh ung thư, Trang lại tham gia điều tra, triệt phá nhiều đường dây buôn bán ngà voi, sừng tê giác khắp châu Phi và châu Á. Với những đóng góp cho công tác bảo tồn, cái tên Trang Nguyễn được xướng lên trên các sân khấu trao giải thưởng khắp thế giới.
Nguyễn Thị Thu Trang là con gái Hà Nội, sinh năm 1990. Từ nhỏ, cô đã yêu thích thiên nhiên. Cô bé Trang lúc nào cũng thắc mắc tại sao con kiến bò thành hàng và đi qua nhau lại chụm đầu vào nhau, cô khó chịu khi thấy người ta nuôi nhốt chim trong lồng.
Bước ngoặt quan trọng của cuộc đời Trang đến vào năm cô lên 8 tuổi. Chiều nào đi học qua nhà hàng xóm, Trang và bạn cũng nghe thấy những âm thanh lạ, một con vật đang gầm gừ, rên rỉ. Tiếng kêu phát ra từ chiếc lồng sắt dựng trong sân. Một tấm bạt to che kín chiếc lồng. Đôi bạn tò mò muốn biết con vật gì đang bị nhốt.
Mấy hôm sau, Trang đi qua và thấy đèn sáng trong căn nhà ấy, có tiếng rên rỉ lẫn tiếng người nói chuyện. Qua khe cửa, cô bé tò mò nhìn vào. Hiện ra trước mắt cô là một con gấu to có thể đã bị đánh thuốc mê rồi trói chặt, nằm ngửa giữa sân. Người đàn ông cầm chiếc kim to chọc vào người gấu. Trang sợ hãi, cô bé hét toáng lên và chạy về nhà. Sau này Trang mới biết họ đè gấu ra để lấy mật.
Buổi tối hôm ấy, Trang đứng trên sân thượng nhà mình, nhìn về phía căn nhà nơi con gấu bị hút mật. Lúc đó, Trang thậm chí còn chưa biết bảo tồn ĐVHD là gì, nhưng cô đã nhen nhóm một ý định. "Lớn lên, tôi sẽ làm công việc có thể bảo vệ các loài động vật trước sự săn bắt, hành hạ của con người", Trang nói.
Trang đi hỏi người lớn về ước mơ của mình nhưng cũng không ai biết ngành Bảo tồn ĐVHD là gì. Người lớn chỉ bảo đó là làm nhân viên sở thú, có người bảo đó là việc của người châu Âu, người ta giàu nên làm việc đó, chứ bảo tồn không hẳn là một công việc thực sự. Mỗi lần Trang nhắc đến ước mơ trở thành nhà bảo tồn ĐVHD, mọi người lại cho rằng nó viển vông.
Trang thi đỗ vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, lớp chuyên Sinh. Cô chọn học Sinh để nghiên cứu về sự sống của các loài động vật. Suốt những năm học cấp 3, Trang dành thời gian để đọc sách, tìm hiểu về các tổ chức bảo tồn, xem phim tài liệu về thiên nhiên hoang dã. Trong khi bạn bè cô tập trung học di truyền để đi thi học sinh giỏi.
Trang làm tình nguyện viên cho Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC). Công việc này đánh dấu bước đầu tiên trên hành trình bảo tồn ĐVHD của cô. Khi ấy, Trang mới 16 tuổi.
"Thậm chí, có đợt tôi say mê đi làm tình nguyện cho các tổ chức bảo tồn đến nỗi bố mẹ không cho đi nữa, khóa cửa nhốt tôi trong nhà. Tôi lại trèo lên ban công tầng 2, nhảy sang nhà hàng xóm rồi trốn đi. Mỗi khi thấy con gái xem chương trình thế giới động vật, bố tôi tắt tivi ngay. Rất lâu sau, bố mẹ mới chấp nhận rằng nếu tôi không làm bảo tồn thì sẽ không làm gì khác", Trang kể.
Cuối năm lớp 12, Trang kiên định mục tiêu học bảo tồn ĐVHD. Cô tìm đủ mọi nguồn thông tin nhưng ở Việt Nam không có nơi nào đào tạo ngành này. Nếu muốn học, Trang buộc phải du học.
Tốt nghiệp THPT, Trang trúng tuyển vào Trường ĐH Liverpool (Vương quốc Anh), chuyên ngành Bảo tồn ĐVHD. Cô hoàn thành chương trình đại học với tấm bằng cử nhân tài năng. Trang không học lại, thi lại môn nào suốt 3 năm đại học. Có những môn học đứng top đầu của lớp.
Sau đó, Trang xuất sắc giành học bổng cao học toàn phần của ĐH Cambridge. Vừa học ở trường, cô vừa tham gia các dự án nghiên cứu bảo tồn động vật ở Madagascar, Borneo, Việt Nam, Campuchia, Nam Phi và Kenya.
Suốt khoảng thời gian đi học, Trang chú tâm vào thực hiện các nghiên cứu khoa học. Cô đam mê đi rừng, khám phá thiên nhiên hoang dã. Cho đến khi mắc bệnh hiểm nghèo, cô chưa từng nghĩ mình sẽ làm điều tra về các đường dây buôn bán ĐVHD.
Năm 2012, Trang quay lại Anh trước thềm năm học mới. Trước đó, cô có chuyến đi thực địa, nghiên cứu ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum). Trên máy bay, Trang bị đau bụng dữ dội. Cô phải nhập viện mổ cấp cứu viêm ruột thừa ngay khi máy bay hạ cánh.
Một thời gian ngắn sau đó, bác sĩ gọi cô đến bệnh viện nói chuyện. Vị bác sĩ nhất định không trao đổi qua điện thoại. Trang đã linh cảm có chuyện chẳng lành. Bác sĩ thông báo, kết quả kiểm tra sau ca mổ vừa rồi cho thấy Trang bị ung thư đường ruột. Cô phải được mổ càng sớm càng tốt.
"Lúc đó tôi hết sức ngạc nhiên, không nói thêm được câu nào. Định thần lại, câu đầu tiên tôi hỏi bác sĩ là liệu tôi có phải nghỉ học không. Tôi đi học bằng học bổng, nếu nghỉ học thì không được bảo lưu học bổng. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là điều tôi sợ nhất lúc đó", Trang nói.
Qua cơn bạo bệnh, Trang không thể đi rừng nghiên cứu báo gấm theo kế hoạch. Bác sĩ không cho phép cô ở rừng sau khi điều trị. Cô chuyển sang làm bảo tồn tê giác và làm về sinh kế cho người dân ở Kenya.
Được "thả" về thiên nhiên hoang dã ở Kenya, thấy mặt trời mọc và lặn, nghe tiếng cành khô gãy gọn, tiếng chân voi, tình yêu thiên nhiên được đánh thức, Trang cảm thấy cô đang sống là chính mình. Trước đó, từng có khoảng thời gian cô phải tìm đến bác sĩ tâm lý.
"Đến Kenya, tôi nhận ra rằng, muốn làm bảo tồn thì phải làm việc với con người, làm những việc liên quan trực tiếp để bảo vệ ĐVHD khỏi nguy cơ bị giết hại và các đường dây buôn bán, nuôi nhốt trái phép. Trước kia, tôi hướng về nghiên cứu nhiều hơn", Trang cho biết.
Vậy là Trang dấn thân vào điều tra ở châu Phi. Cô phối hợp với lực lượng cảnh sát trong các chuyên án điều tra. Là người châu Á, lại là phụ nữ nên Trang dễ nhập vai để tiếp cận với các đối tượng trong giao dịch buôn bán ĐVHD. Trang đi điều tra từ những vụ nhỏ đến lớn. Nhiều lần, cô góp công giải cứu số lượng lớn ĐVHD bị buôn bán bất hợp pháp.
Một lần ở Campuchia, Trang hỗ trợ cảnh sát làm xét nghiệm AND trên kho ngà voi buôn lậu của người Trung Quốc vừa bị bắt giữ. Trang yên tâm khi thấy các đối tượng đã bị khống chế. Cô bỏ khẩu trang ra mà không để ý còn người nhà của họ cũng đang có mặt ở đó. Cô bị những người này quay video lại. Chẳng lâu sau, hình ảnh của cô lộ ra trên các hội nhóm buôn bán ĐVHD trên mạng xã hội.
Hậu quả đến trong vài tháng sau, khi Trang điều tra ở khu vực gần thủ đô Phnompenh (Campuchia). Cô và các đồng nghiệp nhập vai, đi gặp các đối tượng để giao dịch mua bán ĐVHD. Không may, phía "đối tác" nhận được mặt của nhóm điều tra từ video bị lộ trên mạng. Họ đóng sập cửa lại và bỏ đi. Trang và cả nhóm phải dò dẫm trong bóng tối để tìm lối thoát.
Một sự cố khác diễn ra trong chuyến điều tra ở Nam Phi. Hôm ấy, Trang cùng cảnh sát đóng vai đối tác của nhóm người buôn sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê. Cô ngồi cùng xe với trùm buôn lậu và cảnh sát. Trang hú hồn khi máy quay lén cài ở khuy áo liên tục nháy đèn báo hiệu hết pin.
"Tôi đứng tim, vội lấy tay che ánh sáng. Rất may là anh cảnh sát vẫn đang vờ trao đổi về phi vụ làm ăn với ông trùm ở hàng ghế dưới, tôi ngồi ghế trên nên không bị phát hiện", Trang kể.
Có đợt Trang ở Campuchia 2-3 năm liền để làm điều tra. Những vụ phối hợp điều tra bí mật giữa cô và cảnh sát bắt được nhiều tội phạm, triệt phá nhiều đường dây buôn bán ĐVHD lớn. Có những đối tượng trong các đường dây khét tiếng tới mức gần như họ đã được bảo kê để miễn trừ điều tra, nhưng cũng bị phát hiện và đưa ra xét xử.
Trang đi làm bảo tồn ở nhiều nơi, cứ có cơ hội là đi, từ châu Phi sang châu Á. Ở Madagascar, Trang cùng thầy hướng dẫn luận văn thạc sĩ nghiên cứu về vượn cáo má nâu, kết quả là mức độ bảo tồn loài động vật này được nâng cao hơn, chính phủ Madagascar đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn.
Đến giờ, bố mẹ Trang vẫn muốn cô đổi ngành, làm một công việc khác "nữ tính" hơn, tức là không phải đi xa, đi thực địa trong rừng nhiều ngày liền.
"Tôi chọn hướng nghiên cứu nên mới hay phải đi và nguy hiểm như vậy. Tuy nhiên, ngành bảo tồn còn nhiều hướng đi khác như làm giáo dục, truyền thông về bảo tồn, làm bác sĩ thú y cho các trung tâm cứu hộ ĐVHD", Trang nói.
Có lần Trang ở trong rừng khoảng 3 tháng, cô nghiên cứu về các loài linh trưởng ở Madagascar. Việc giữ vệ sinh sạch sẽ trong rừng là không hề dễ dàng. Tâm sinh lý của phụ nữ khi "đến tháng" cũng là một vấn đề đối với Trang. Cô sử dụng thuốc tránh thai để trì hoãn kinh nguyệt nhưng không được. Cô buộc phải đào hố, tìm cách chôn băng vệ sinh đã sử dụng.
Trang cho biết, trước khi đến một khu vực nghiên cứu, cô phải tìm hiểu kỹ về dịch bệnh ở đó để tiêm phòng bệnh, uống thuốc chống sốt rét nếu cần.
Chuyến đi khảo sát đặt bẫy máy ảnh ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) là lần đầu tiên Trang bị lạc trong rừng. Cô may mắn được chú kiểm lâm chỉ đường, chú bảo: "Cháu nên ở nhà. Da cháy sạm thế thì lấy chồng làm sao được?". Thỉnh thoảng trong các chuyến đi rừng, Trang cũng nghe người ta nói rằng "Con gái sinh ra ở thành phố thì biết gì về rừng".
Con gái trong ngành bảo tồn cũng phải đối mặt với vấn đề quấy rối tình dục. Trang nhớ có lần, một bạn nữ đi thực địa, đang ngủ trong lều thì bỗng hét toáng lên vì có người vào sờ soạng.
"Tôi đi rừng với nhiều nam giới. Tôi rút ra được rằng những người hay đùa cợt nhất chưa chắc đã nguy hiểm nhất. Biết đâu, những người cứ tẩm ngẩm tầm ngầm lại có thể hay động tay, động chân quấy rối tình dục", Trang nói.
Trang và cộng sự đã tổ chức những buổi tập huấn về giới, chương trình bảo vệ và tôn trọng quyền của phụ nữ trong ngành bảo tồn. Tháng 4/2021, nhóm của Trang tổ chức khóa tập huấn chống lại nạn quấy rối tình dục trong ngành bảo tồn, có 78 người tham gia đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ và các khu bảo tồn.
Nội dung: Quang Trường
Thiết kế: Đỗ Diệp
Ảnh: NVCC