Nữ đại úy tài giỏi, từng lọt top 3 hoa khôi Học viện An ninh nhân dân
(Dân trí) - Sau khi tốt nghiệp loại giỏi tại Học viện An ninh nhân dân, Nguyễn Trần Phương Thảo về Cục Quản lý xuất nhập cảnh công tác. Cô nằm trong đoàn thanh niên ưu tú tham gia chương trình "SSEAYP 2023".
Nguyễn Trần Phương Thảo (SN 1991) sinh ra và lớn lên tại TPHCM nhưng có duyên gắn bó với mảnh đất Hà Nội. Có bố mẹ là người gốc Bắc, gia đình tự hào theo truyền thống cách mạng nên cô được định hướng thi vào Học viện An ninh nhân dân.
Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, Phương Thảo nhận công tác tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Trong công việc, nữ đại úy được đơn vị tạo điều kiện để có thể đi đến nhiều nơi trong và ngoài nước, tham gia các sự kiện giao lưu quốc tế.
Gần đây nhất, Thảo nằm trong số 11 đại biểu thanh niên của Việt Nam tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản 2023 (SSEAYP 2023) diễn ra tại xứ sở hoa anh đào.
Tự hào màu áo xanh
Khi vừa ra trường, Phương Thảo từng có quãng thời gian cảm thấy mông lung về con đường mình đang đi. Cô có ý định dừng lại, mặc dù được thăng cấp bậc hàm trước thời hạn.
"Tôi vốn là người có tâm hồn tự do, thích khám phá những điều mới mẻ và đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới", cô lý giải.
Về nhận công tác tại Cục quản lý xuất nhập cảnh, Thảo may mắn được lãnh đạo thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng này. Cô được tạo điều kiện tham gia các khóa học tại nước ngoài.
Cũng từ đó, những kỷ niệm trong hành trình khoác lên mình màu áo xanh của Thảo ngày một nhiều thêm.
Càng đi nhiều, Phương Thảo nhận ra rằng, ở Việt Nam, đặc biệt là những vùng như Tây Bắc, phụ nữ vẫn còn nhiều thiệt thòi và khó khăn. Tình trạng người Việt bị lừa bán, đưa sang nước ngoài làm việc diễn biến phức tạp.
Không ít đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế, nhẹ dạ cả tin của một số phụ nữ, nhất là ở các tỉnh giáp biên giới, vùng sâu, vùng xa, để lôi kéo, dụ dỗ họ sang nước ngoài lao động với những quảng cáo hứa hẹn làm việc nhẹ lương cao, nhằm lừa bán ra nước ngoài.
"Trong khi đó, ở nước ta, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm chưa có chiều sâu và hình thức thích hợp, chưa quan tâm đúng mức đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa", nữ đại úy chia sẻ.
Chính vì vậy, cô luôn mong muốn đóng góp sức mình cho các hoạt động về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, chống nạn buôn bán người.
Trong năm nay, Phương Thảo là đại biểu Việt Nam tham dự chương trình đối thoại cấp cao nhằm giải quyết tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và buôn bán người liên quan đến sòng bạc và các hoạt động lừa đảo ở Đông Nam Á do Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
"Được tham gia đối thoại, thảo luận cùng đại biểu cấp cao các nước để giải quyết vấn đề này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thực sự rất có ý nghĩa đối với tôi", cô chia sẻ.
Chuyến tàu thanh niên vượt đại dương
Mọi người thường nhận xét, Phương Thảo trông trẻ hơn so với tuổi thật và không nghĩ cô là chiến sĩ công an nếu không khoác lên mình bộ quân phục.
"Có lẽ việc tham gia nhiều hoạt động Đoàn, Hội từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi công tác đã góp phần cho tôi luôn giữ được năng lượng, nhiệt huyết vốn có của mình", cô nói.
Ngoài ra, nữ đại úy còn học được cách lắng nghe và làm việc nhóm khi tham gia các hoạt động tập thể.
Phương Thảo từng nhận được bằng khen của Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Công an nhờ có thành tích xuất sắc trong tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc; giải A Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân lần thứ XII năm 2023.
Phương Thảo biết tới SSEAYP khi được các anh, chị cán bộ Đoàn tại đơn vị công tác chia sẻ về hành trình tàu thanh niên vượt đại dương. Với tính cách thích được khám phá thế giới, cô được động viên đăng ký tham gia tuyển chọn cho chương trình.
"Năm 2020, tôi nhận được tin trúng tuyển. Tuy nhiên, thời điểm đó, dịch Covid-19 bùng phát, chương trình phải tạm hoãn lại đến tận năm nay", nữ đại úy cho biết.
Phương Thảo trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, lúc tự hào vì trúng tuyển, sau đó lại thất vọng, tiếc nuối vì nghĩ không đợi được đến khi chương trình khởi động lại. Vừa qua, cô cùng 10 đại biểu thanh niên khác tham gia chương trình SSEAYP 2023 ở Nhật Bản.
Ngoài các hoạt động chung, nữ đại úy tham gia thảo luận chính về lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
"Điều này sẽ giúp tôi có thêm nhiều kiến thức để có thể tham mưu, đề xuất với lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, sát với thực tế đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia", cô bày tỏ.
Đặc biệt, tham gia chương trình khi đã ngoài 30 tuổi là bước ngoặt của Phương Thảo. Việc có thể kết nối với những bạn trẻ tuổi hơn, có sự khác biệt về thế hệ, không thực sự dễ dàng với cô để có tiếng nói chung, nhất là trong rất nhiều phiên thảo luận.
Tuy nhiên, nữ đại úy cảm thấy tự hào vì được đồng hành với các bạn trẻ tài năng, thành công trong nhiều lĩnh vực như y khoa, giáo dục…
"Tôi mong có thể tạo nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ trong ngành công an tham gia chương trình vào những năm sau, đặc biệt là phái nữ", cô chia sẻ.
Ảnh: NVCC