Gen Z Trung Quốc có xu hướng mạnh tay chi tiêu cho xa xỉ phẩm

Minh Hiếu

(Dân trí) - Một bộ phận Gen Z ở Trung Quốc là nhóm có mức chi tiền mạnh tay nhất.

Người trẻ ở Trung Quốc đang định hình lại thị trường rượu vang nước này nhờ sức mua đáng kể của mình. Vấn đề này phản ánh việc thói quen tiêu dùng có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào ở đất nước sở hữu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Gen Z Trung Quốc có xu hướng mạnh tay chi tiêu cho xa xỉ phẩm - 1

Gen Z Trung Quốc có xu hướng chi tiêu mạnh tay cho xa xỉ phẩm (Ảnh minh họa: iStock).

Theo GlobalData, một công ty tư vấn và phân tích dữ liệu có trụ sở tại London (Anh), thế hệ Millennials và Gen Z của Trung Quốc có xu hướng mua rượu vang nhiều hơn, dự kiến sẽ vượt qua tất cả các nước Châu Á - Thái Bình Dương về lượng mua vào năm 2026. 

Trong báo cáo đầu tháng 10/2022, GlobalData cho biết chi tiêu bình quân đầu người cho rượu vang ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 35,60 USD vào năm 2021 lên 60,10 USD vào năm 2026.

Trong khi đó, toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, dự kiến sẽ có mức chi tiêu bình quân đầu người cho rượu vang tăng từ 21,80 USD vào năm 2021 lên 33,10 USD vào năm 2026.

Gen Z Trung Quốc có lối sống xa xỉ, ít quan tâm đến nợ nần

Bobby Verghese, nhà phân tích người tiêu dùng tại GlobalData, cho biết: "Rượu đang trở thành thức uống có cồn phổ biến đối với người tiêu dùng Trung Quốc, do những lợi ích về sức khỏe và sắc đẹp được nhận thức, ảnh hưởng của thói quen lối sống phương Tây".

Các nhà cung cấp rượu đang điều chỉnh các dịch vụ sản phẩm, tiếp thị và xây dựng thương hiệu của họ cho phù hợp, thu hút với nhóm khách hàng trẻ này.

Theo Daxue Consulting, mặc dù nhiều Gen Z vẫn phụ thuộc vào cha mẹ, nhưng lại là một trong những nhóm người có mức chi tiêu cao nhất trong nước. Gen Z đại diện cho phân khúc dân số sinh ra từ nửa cuối những năm 90 đến đầu những năm 2010, còn những người thuộc thế hệ Millennials được sinh ra từ đầu những năm 80 đến giữa những năm 90.

Gen Z, đôi khi còn được gọi là Zoomers, chiếm khoảng 233 triệu người, tương đương với khoảng 17% dân số Trung Quốc. Theo một báo cáo của Guoyuan Securities vào tháng 9/2022, họ đã chi gần 5 nghìn tỷ nhân dân tệ (695 tỷ USD) vào năm 2021, chiếm 11,2% tổng tiêu dùng trên cả nước.

Để so sánh, Mỹ có gần 70 triệu Gen Z vào năm 2021, chỉ chiếm hơn 20% dân số, theo số liệu từ Statista. Một báo cáo của Bloomberg cũng chỉ ra rằng, nhóm "người tiêu dùng tiết kiệm" ở Mỹ này có thu nhập khả dụng trị giá khoảng 360 tỷ USD và họ dành khoảng 1/3 số đó để tiết kiệm.

Wang Yajin, giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu (CEIBS), giải thích xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh chóng ở Trung Quốc vì sở thích và thị hiếu của giới trẻ thường thay đổi trong một khoảng thời gian ngắn.

"Trước đây, một số xu hướng tiêu dùng có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm nhưng hiện nay chỉ kéo dài trong 6 tháng". Bà còn cho biết thêm rằng trong khi những người trẻ tuổi hiện nay hầu như có thu nhập khả dụng thấp hơn các thế hệ trước, nhưng lại ít tiết kiệm hơn.

Báo cáo GlobalData dự báo thị trường rượu vang của Trung Quốc sẽ tăng từ 268,6 tỷ nhân dân tệ (37,4 tỷ USD) vào năm 2021 lên 462,4 tỷ nhân dân tệ trong năm 2026, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 11,5%.

Trong khi đó, toàn bộ thị trường rượu vang châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 8,5% hàng năm từ 2021 đến 2028, số liệu này được công bố bởi Databridge - một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại New Delhi.

GlobalData cũng kỳ vọng thị trường rượu vang Châu Á - Thái Bình Dương sẽ mở rộng từ ước tính 70,9 tỷ USD trong năm nay lên 101,4 tỷ USD vào năm 2026, phản ánh tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 9,4% trong giai đoạn 2021 - 2026.

Ke Junnan, một kế toán 24 tuổi ở Thượng Hải, cho biết anh tích trữ rượu vang đỏ vì "nó mang lại niềm vui trong cuộc sống".

Anh Ke chia sẻ thêm rằng: "1/5 chi tiêu của tôi dành cho rượu. Ngoài rượu vang, tôi cũng muốn mua các sản phẩm thuốc lá điện tử và xì gà, vì chúng giống như những phụ kiện độc đáo, phong cách. Đeo cây bút vape trên cổ khiến tôi trông trẻ ra, còn hút xì gà trông rất ngầu".

Công ty tư vấn Daxue, có văn phòng tại Pháp, Thượng Hải, Bắc Kinh và Hồng Kông, đã nhận định người tiêu dùng Gen Z của Trung Quốc là "nhóm người chi tiêu cao nhất" trong báo cáo công bố vào cuối tháng 9.

Công ty này cũng ghi nhận thói quen mua sắm của Gen Z phản ánh mức độ phổ biến của "guochao", một xu hướng tạm dịch là "Trung Quốc sang trọng" và ngày càng được thế hệ Millennials và Gen Z của quốc gia này đón nhận.

Theo Daxue Consulting, thói quen tiêu dùng của các bạn trẻ cũng phụ thuộc rất nhiều vào mạng xã hội và thương mại điện tử.

Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng tổng thể của thế hệ trẻ này đóng vai trò như một bản đồ đường đi cho các nhà bán lẻ trong việc xây dựng thương hiệu trong một thị trường ngày càng cạnh tranh, đồng thời thích ứng với việc sử dụng các kênh truyền thông mới để tiếp cận khách hàng mục tiêu của mình.

Theo www.msn.com