Giới trẻ Trung Quốc ngại kết hôn

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Lựa chọn sống độc thân từng là điều cấm kỵ ở Trung Quốc, nhưng sự kỳ thị ngày càng giảm khi nhiều người trẻ lựa chọn không kết hôn.

Mỗi sáng, Shanshan bắt đầu ngày mới bằng việc vẫn nằm trên giường, lấy điện thoại và gửi tin nhắn đến nhóm trò chuyện dành cho người độc thân Huddling Group.

Cô gái 25 tuổi chưa bao giờ gặp bất kỳ ai trong số 270 thành viên khác của nhóm nhưng họ luôn cảm thấy thân thiết như những người bạn thân. Mặc dù tuổi tác, quê quán và sở thích khác nhau nhưng tất cả đều thống nhất với nhau "lời thề" cả đời không lập gia đình.

Giới trẻ Trung Quốc ngại kết hôn - 1

Nhiều người trẻ Trung Quốc quyết cả đời không kết hôn (Ảnh: Sixth Tone).

Đối với nhiều người trẻ độc thân ở Trung Quốc, các cộng đồng trực tuyến tương tự Huddling Group nổi lên trong những năm gần đây không chỉ hỗ trợ tinh thần mà còn giúp họ bảo vệ quyền lợi trong một xã hội vẫn còn ủng hộ chuyện kết hôn.

Số người độc thân của Trung Quốc đang tăng vọt. Tỷ lệ kết hôn của quốc gia này giảm 40% trong thời gian từ năm 2013 đến 2020, do thế hệ Millennials từ chối các quan điểm xã hội truyền thống vốn gây áp lực cho người trẻ tuổi phải sớm ổn định cuộc sống. Theo ước tính của chính phủ, số người độc thân ở Trung Quốc đạt 92 triệu vào năm 2021 - nhiều hơn tổng dân số của Đức.

Tuy nhiên, những người độc thân Trung Quốc vẫn phải đối mặt với rất nhiều rào cản. Sự kỳ thị xã hội gắn với việc chưa kết hôn vẫn còn mạnh mẽ. Các nhà chức trách thậm chí mặc định phụ nữ sống độc thân là ế.

Luật pháp Trung Quốc thậm chí còn phạt những người không kết hôn (cả nam và nữ). Họ không thể nhận con nuôi, tiếp cận các công nghệ hỗ trợ sinh sản hoặc yêu cầu quyền lợi thai sản. Ở một số thành phố, họ thậm chí còn phải đối mặt với những hạn chế khi mua nhà.

Song, những người độc thân tại nước này đang cố gắng bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề bằng cách lập ra các nhóm trực tuyến. Các thành viên chia sẻ nỗi thất vọng, trao đổi cách đối phó với sự kỳ thị và nguy hiểm liên quan đến việc lựa chọn sống độc thân.

Trong quá trình này, họ cũng thúc đẩy phong trào đấu tranh vì quyền của người độc thân đang chớm nở và ngày càng có tổ chức, tham vọng hơn bao giờ hết.

Thay đổi giá trị

Các hội nhóm độc thân mọc lên như nấm trên mọi diễn đàn lớn của Trung Quốc. Trên Zhihu - một nền tảng hỏi và đáp, thẻ "gia tộc chưa kết hôn" có hơn 20.000 người theo dõi. Hay một số diễn đàn dành cho người độc thân trên Baidu Tieba thu hút hàng chục nghìn thành viên. Còn trên Douban, gần 25.000 người gia nhập nhóm "không kết hôn, không sinh con".

Shanshan biết đến Huddling Group từ khoảng một năm trước. Cô gái gốc Quảng Châu thề không lập gia đình do chấn thương tinh thần từ thời thơ ấu.

Năm 10 tuổi, Shanshan bị tấn công tình dục bởi một người họ hàng. Khi cô báo tin về vụ tấn công, gia đình không hề bảo vệ cô. Bà của cô thậm chí còn đổ lỗi cho cháu gái về vụ việc, nói rằng cô quá "quyến rũ". Bởi thế, Shanshan tự thề không bao giờ lập gia đình.

Ban đầu, Shanshan chỉ tò mò muốn tìm hiểu về cuộc sống của những người độc thân khác trong nhóm, cô cũng không đăng tải nhiều. Cho đến một ngày, khi chia sẻ câu chuyện của mình cô đã nhận về sự đồng cảm từ các thành viên nhóm. "Tôi ám ảnh những lần cha tôi bóp nghẹt mẹ tôi cho đến khi bà bất tỉnh"; "Cha tôi nghiện cờ bạc, từng món tài sản trong nhà đều lần lượt đội nón ra đi", một số thành viên chia sẻ.

Giới trẻ Trung Quốc ngại kết hôn - 2
Những người độc thân Trung Quốc vẫn phải đối mặt với rất nhiều rào cản (Ảnh: Gary Waters/Ikon Images/VCG).

Những người khác nói rằng họ từ chối làm vợ trong gia đình ở Trung Quốc - nơi phụ nữ thường được cho là phải đóng vai trò phụ. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ kết hôn của xứ tỷ dân ngày càng giảm. Phụ nữ trẻ có xu hướng muốn sống độc thân cao hơn nhiều so với nam giới.

"Tôi cảm thấy như trong suốt thời gian dài mẹ tôi chỉ là nô lệ trong cuộc hôn nhân của chính mình. Bà gánh vác mọi trách nhiệm mà không được trả công hay thậm chí là nhận một lời cảm ơn"; "Tôi không thể chấp nhận được cuộc sống chung với nhà chồng", thành viên Huddling Group viết.

Một số khác chọn chống lại hôn nhân vì muốn tập trung vào sự nghiệp hoặc đạt được mục tiêu cá nhân. "Tôi có sự nghiệp thành công với tư cách là một nhà trị liệu tâm lý. Tôi đang có kế hoạch học lên tiến sĩ trong tương lai gần", "Việc kết hôn không hề thu hút tôi một chút nào cả"...

Lựa chọn sống độc thân từng là điều cấm kỵ ở Trung Quốc, nhưng sự kỳ thị ngày càng mờ nhạt khi ngày càng nhiều người trẻ từ bỏ hôn nhân. Chen Yaya - Nhà nghiên cứu các vấn đề giới tính tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, thái độ xã hội thay đổi đáng kể từ năm 2011, khi truyền thông Trung Quốc thường xuyên dùng thuật ngữ sheng nu - "phụ nữ ế" để mô tả nữ giới độc thân trên 27 tuổi.

Chen nói: "Rất thường thấy bình luận phân biệt đối xử nhắm vào phụ nữ độc thân hồi đó. Giờ đây, xã hội đang dần chấp nhận việc độc thân của họ như một lối sống bình thường".

Trong Huddling Group, phân biệt đối xử xã hội không còn là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết thành viên. An toàn cá nhân là vấn đề lớn hơn nhiều. Các thành viên nữ mới thường được khuyên nên lắp camera an ninh trước cửa nhà và dùng tên nam giới để ngăn chặn những kẻ rình rập.

Các vấn đề tài chính cũng là chủ đề được đưa ra thảo luận thường xuyên. Shanshan thường nhờ mọi người trong nhóm tư vấn về bảo hiểm, kế hoạch chăm sóc sức khỏe và quyết định đầu tư. Cũng như nhiều thành viên khác, cô bận tâm với suy nghĩ rằng mình sẽ trải qua tuổi già mà không có sự hỗ trợ của bạn đời.

Shanshan nói: "Điều tuyệt vời nhất ở cộng đồng này là khi bạn bày tỏ mối quan tâm và lo lắng của mình về cuộc sống, sẽ không có ai xuất hiện và nói với bạn rằng "Hãy kết hôn và mọi thứ sẽ ổn thôi'".

Quyền độc thân

Nhiều người trẻ Trung Quốc ngày càng quan tâm đến khái niệm quyền độc thân. Vào hồi tháng 1, một nhóm nhà hoạt động nữ quyền đã tổ chức sự kiện trực tuyến về quyền của người độc thân đầu tiên của nước này với chủ đề "Quyền của những người độc thân chưa kết hôn ở Trung Quốc".

Với sự tham gia của 108 người, diễn đàn có các cuộc thảo luận từ chuyên gia về nhiều vấn đề bao gồm quyền giám hộ và những rủi ro pháp lý mà người độc thân phải đối mặt khi có con thông qua người đại diện. Sự kiện này cũng nêu tên 10 câu chuyện về quyền của phụ nữ độc thân ở Trung Quốc, chẳng hạn như vấn đề an toàn cho phụ nữ sống một mình, các bà mẹ đơn thân đấu tranh để tiếp cận quyền lợi thai sản của chính phủ…

Các nhà hoạt động khác cũng đang thành lập những nhóm trực tuyến tập trung vào các vấn đề cụ thể về quyền của người độc thân. Pata - nhà thiết kế trò chơi đến từ Quảng Châu - điều hành nhóm dành cho phụ nữ chưa kết hôn đang cố gắng có con.

Giới trẻ Trung Quốc ngại kết hôn - 3
Lựa chọn sống độc thân từng là điều cấm kỵ ở Trung Quốc (Ảnh: Shijue/VCG)

Cô gái 31 tuổi từ bỏ ý định kết hôn vào năm ngoái. Sau khi phát hiện bạn trai lừa dối, cô quyết định chia tay và nhận ra rằng bản thân hạnh phúc hơn khi sống một mình. Vào cuối tuần, cô ở nhà và dành hàng giờ để vẽ.

Nhưng Pata vẫn muốn có con. Cô cảm thấy việc trở thành cha mẹ sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của mình. Mong muốn này được cha mẹ cô hết lòng ủng hộ. "Tôi đang sống với cha mẹ và bà ngoại. Tôi có thể tưởng tượng một em bé có thể mang lại cho mái nhà tiếng cười và niềm vui như thế nào", Pata hào hứng kể.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, mang thai ngoài giá thú không phải là quá trình đơn giản. Các công nghệ hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm và đông lạnh trứng không được phép tiếp cận hợp pháp đối với phụ nữ chưa kết hôn. Hàng nghìn phụ nữ Trung Quốc phải ra nước ngoài để thụ tinh nhân tạo mỗi năm nhưng chi phí rất đắt đỏ.

Nhóm của Pata trên diễn đàn mạng với 436 thành viên được lập ra với mục đích giúp đỡ những người có chung mong muốn. Cô kể: "Trước khi thành lập nhóm, tôi chưa từng gặp ai có chung quan điểm với mình. Tôi có thêm dũng khí và được cổ vũ rất nhiều khi có những người giống như tôi ở đây".

Trên trang diễn đàn, Pata liên tục chia sẻ thông tin về cách tiếp cận các thủ tục hỗ trợ sinh sản ở các quốc gia khác nhau. Hầu hết các thành viên trong nhóm dự định trải qua IVF, chi phí 20.000-40.000 USD tùy thuộc từng quốc gia.

Mặc dù cha mẹ của Pata hoàn toàn ủng hộ nỗ lực làm mẹ của cô, nhưng hầu hết các thành viên trong nhóm đều không may mắn như vậy. Hàng tháng, Pata nhận được tin nhắn từ những người phụ nữ hỏi cách đối phó với gia đình đang phản ứng gay gắt trước mong muốn của họ. Cô khuyên họ nên tập trung để có được sự độc lập về tài chính.

Pata bộc bạch: "Tôi vẫn cảm thấy phụ nữ đang sống khá khó khăn trong xã hội này. Tôi nhận ra điều này nhiều hơn sau khi bắt đầu tập trung vào quyền sinh sản của phụ nữ độc thân".

Tạo dư luận

Theo thời gian, Pata tin rằng sự thay đổi thực sự sẽ chỉ đến khi các bà mẹ đơn thân có được tiếng nói lớn hơn trong xã hội Trung Quốc. Vì vậy, cô đã bắt đầu tình nguyện làm người sáng tạo nội dung cho tài khoản WeChat có tên Diversified Family.

Trong vài tháng qua, Pata đã trải qua 2 cuộc chiến pháp lý mang tính bước ngoặt: chiến dịch tiếp cận quyền lợi thai sản của Zhang Meng và vụ kiện đông lạnh trứng của Xu Zaozao. Với cô đây là một trải nghiệm mở mang tầm mắt. "Tôi được truyền cảm hứng và được khích lệ, vì biết rằng mình không hề đơn độc trong hành trình này".

Zhang và Xu là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc sử dụng hệ thống luật pháp để làm sáng tỏ các vấn đề về quyền của người độc thân. Năm 2017, Zhang đã kiện chính quyền địa phương ở Thượng Hải sau khi được thông báo cô không thể nhận trợ cấp thai sản nếu không có giấy đăng ký kết hôn.

Các vụ kiện không thành công nhưng đã thu hút sự chú ý lớn của công chúng và truyền thông. Zhang tiếp tục vận động chính quyền đưa ra thay đổi về chính sách cho phép phụ nữ chưa kết hôn được hưởng quyền lợi chính đáng. Zhang cuối cùng nhận được quyền lợi thai sản vào năm 2021 khi chính phủ Trung Quốc thông qua Bộ luật Dân sự mới giúp điều này trở nên khả thi.

Trong khi đó, Xu đã khởi kiện bệnh viện cấm cô đông lạnh trứng vào năm 2018. Vì ở Trung Quốc, phụ nữ độc thân không được phép sử dụng dịch vụ đông lạnh trứng. Phiên tòa đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi của công chúng. Xu vẫn đang chờ tòa án đưa ra phán quyết.

Hành động của Zhang và Xu đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Vào năm 2020, một bà mẹ đơn thân đã kiện chủ lao động ở Bắc Kinh vì từ chối trả tiền thai sản. Năm 2021, các bà mẹ đơn thân ở Thượng Hải và Thâm Quyến khởi kiện chính quyền địa phương về các khoản trợ cấp thai sản không được thanh toán.

Mặc dù hầu hết trường hợp trên đều thất bại, nhưng chúng giúp các vấn đề về quyền của người độc thân trở thành xu hướng chính ở Trung Quốc.

Pata lạc quan về tương lai của phong trào: "Vẫn còn chặng đường dài phía trước. Tôi hy vọng một ngày nào đó mình có thể thụ tinh ống nghiệm ở Trung Quốc thay vì ra nước ngoài. Nó sẽ giúp tôi tiết kiệm rất nhiều tiền".

Theo www.sixthtone.com