Giới trẻ Trung Quốc từ bỏ đua tranh, chọn sống chậm

Đức Chung

(Dân trí) - Trước tình trạng thất nghiệp và bất ổn kinh tế, nhiều bạn trẻ Trung Quốc thấy sự cạnh tranh quá khắc nghiệt nên đã từ bỏ cả ước mơ và hoài bão, chọn cách "sống chậm".

Giới trẻ Trung Quốc từ bỏ đua tranh, chọn sống chậm - 1

Nhiều người trẻ ở Trung Quốc ngày càng thấy mệt mỏi với áp lực công việc và cuộc sống nên chọn "sống chậm" (Ảnh: Getty Images).

Khái niệm "tang ping" - có nghĩa là "nằm yên mặc kệ đời" - đã trở nên phổ biến, là một trong 10 từ thông dụng nhất trên internet ở Trung Quốc trong năm 2021, theo Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát Tài nguyên Ngôn ngữ Quốc gia.

"Tang ping được hiện thực hóa bằng việc người trẻ từ chối làm quá giờ, và không làm việc quá khả năng của bản thân", Jia Miao, phó giáo sư xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải, giải thích.

Vào tháng 3 năm nay, "bai lan" - một thuật ngữ tiếng Trung khác - đã được hưởng ứng rầm rộ trên mạng xã hội Weibo. Theo phó giáo sư Miao, thuật ngữ này nói về những vô vọng trong cuộc sống đã khiến người trẻ ngừng nỗ lực phấn đấu.

Thất nghiệp và những bất ổn cuộc sống

Theo phó giáo sư Miao, "tang ping" và "bai lan" đều phản ánh sự cạnh tranh gay gắt mà giới trẻ Trung Quốc phải đối mặt: "Dù ai cũng biết cạnh tranh xuất hiện ở khắp mọi nơi, nhưng đại dịch lại khắc sâu những bất ổn đang hiện hữu, khiến cho người trẻ ngày càng khó xin được việc".

Theo Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 là gần 20% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp ở toàn quốc là 5,6%.

Sự chạy trốn?

Chia sẻ với CNBC Make it, Crystal Guo nói rằng cô đã bị cho nghỉ việc hai lần trong vòng chưa đầy một năm. Lần đầu tiên Guo bị sa thải là vào tháng 7 năm ngoái, khi đang làm cho một công ty gia sư. Lý do là Trung Quốc thực hiện chính sách "giảm kép" để nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh.

Sau nửa năm đi du lịch vòng quanh Trung Quốc bằng gói trợ cấp thôi việc, Guo trở về nhà ở Thâm Quyến và xin làm ở một công ty bất động sản vào tháng 2 năm nay. Đáng buồn thay, toàn bộ bộ phận mà cô làm cùng đã bị cho nghỉ việc ngay sau đó.

Đối với Guo, "nằm yên mặc kệ đời" đã trở thành cách cô "trốn tránh thực tế". Sau khi không xin được công việc toàn thời gian, cô đã đi làm thêm để trang trải chi phí hàng ngày hoặc theo đuổi những sở thích khác.

Những khát vọng xa vời

Ở Trung Quốc, định nghĩa thành công chính là có thể mua một căn hộ, có một gia đình trọn vẹn, một sự nghiệp ổn định và sung túc tiền bạc.

Tuy nhiên, những biến động trong thị trường việc làm, cùng giá nhà leo thang đã khiến nhiều người trẻ từ bỏ những khát vọng thành công đó.

Qiu Xiaotian, 31 tuổi, cũng đồng tình với quan niệm của giới trẻ hiện nay: "Rất nhiều người trẻ như chúng tôi quyết định không quan tâm về thành công nữa. Chúng tôi từ bỏ cạnh tranh trong công việc, từ bỏ cạnh tranh tiền bạc, hôn nhân, và nhà cửa. Kể cả khi tôi kết hôn, tôi không mong mình sẽ có con, bởi vì tôi không thể cho con mình một cuộc sống hạnh phúc được."

Chống đối sự cạnh tranh

Theo Guo, khái niệm "nằm yên" đã giúp cô có thời gian để suy ngẫm lại về giá trị của cuộc sống: "Khi tôi 22 tuổi, tôi lo lắng mình sẽ chẳng đạt được thành tựu nào ở tuổi 30. Nhưng khi tôi 30 rồi, tôi chấp nhận sự bình thường của bản thân. Tôi không cho rằng giàu có là một điều quan trọng nữa".

Phản ứng chỉ trích dữ dội

Giống như "nghỉ việc trong im lặng", trào lưu "nằm yên mặc kệ đời" cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Dù vậy, theo Guo, "nằm yên mặc kệ đời" không có nghĩa là bỏ cuộc hoàn toàn. Mà thay vào đó, "Tang ping" mang đến một không gian để chúng ta có thể nhìn lại sự nghiệp và hướng đến tương lai.

"Những người theo xu hướng "nằm yên" như tôi không có nghĩa là họ sẽ không đóng góp gì vào sự phát triển của công ty, mà đơn giản chỉ là họ mất đi động lực để tạo thêm giá trị vượt khả năng của bản thân", Guo nói.

Theo www.cnbc.com