Gen Z Mỹ ngày càng ngại nhận và thực hiện cuộc gọi
(Dân trí) - Gen Z tại Mỹ đang có xu hướng thích nhắn tin qua các ứng dụng và mạng xã hội hơn là nhận và thực hiện cuộc gọi.
Hãy tưởng tượng bạn vừa trải qua một ngày bận rộn với lịch trình dày đặc, đột nhiên, điện thoại bạn đổ chuông. Chẳng cần biết người gọi là ai, bạn từ chối ngay lập tức.
Đây là một tình trạng thường thấy của các bạn trẻ Gen Z tại Mỹ. Một số người sẽ cảm thấy tim đập chân run khi chuông điện thoại reo và rồi chờ cho chuông tắt thì nhắn tin cho người gọi để hỏi có chuyện gì không. Đặc biệt, đối với những người ở độ tuổi dưới 26, các cuộc điện thoại dần trở nên xa lạ.
Tommy Cockram, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, cho rằng điện thoại gọi tới là trường hợp khẩn cấp, tức là có nội dung rất quan trọng và cần anh ấy phải trả lời ngay lập tức, còn một cuộc trò chuyện bình thường giữa những người bạn thì phù hợp với việc nhắn tin hơn.
"Tôi chỉ gọi điện cho mẹ và cha dượng, vì vậy tôi dùng Snapchat để thoải mái hơn và không cảm giác bắt buộc khi phải nghe điện thoại", Cockram nói.
Chủ nhân của tài khoản @tcezy trên TikTok, Barwon Heads, là một trong những người có ảnh hưởng trẻ nổi tiếng nhất ở Úc, với 7,8 triệu người theo dõi trên TikTok, chia sẻ: "Mọi người ở độ tuổi tôi hầu hết chỉ nhắn tin hoặc gọi điện trên Snapchat. Ở đó, người ta sẽ gọi điện lại cho bạn ngay khi hoạt động trở lại. Nó dễ dàng hơn, và an toàn hơn".
Nhiều nền tảng nhắn tin cho phép các bạn trẻ điều chỉnh biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể, đồng thời cung cấp những tính năng mà điện thoại bình thường còn thiếu. Thông tin sai lệch, cuộc gọi bị gián đoạn hay khoảng lặng kỳ cục không còn xảy ra khi bạn đang giao tiếp thông qua nhiều phương tiện khác.
Cockram cho rằng cuộc gọi thoại có vẻ thân mật và cá nhân hơn, vì vậy thường dành cho những người mà bạn tin tưởng hay cảm thấy thoải mái. Với hầu hết mọi người, để tránh gây căng thẳng, họ thường gửi tin nhắn.
Giáo sư tâm lý học tại Đại học Melbourne, Nick Haslam, cho biết việc gọi điện khiến mọi người cảm thấy bất tiện hơn: "Nhắn tin giúp mọi người quản lý thời gian giao tiếp của mình thay vì dành hết thời gian để trả lời điện thoại".
Bạn có thể gửi tin nhắn ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào bạn muốn, kể cả có đang ở với ai đi nữa.
Không chỉ Gen Z mới là những người "sợ" những cuộc điện thoại, các thế hệ đi trước đã sử dụng email để thay thế các cuộc gọi thoại và tương tác trực tiếp, và cũng vì những lý do tương tự.
Một TikToker người Úc, Junpei Zaki, nói rằng anh ta không coi các cuộc gọi thoại là "xấu", nhưng chúng chỉ là những công cụ để giao tiếp cho một mục đích cụ thể, hơn là những cuộc nói chuyện phiếm.
"Tôi nghĩ rằng tôi sẽ gọi điện nhiều hơn nếu Internet không phát triển như hiện nay. Internet giúp thế giới xích lại gần nhau hơn, nhưng múi giờ giữa các nơi vẫn chênh lệch nhau.
Vì vậy, đối với tôi, việc duy trì cuộc trò chuyện qua tin nhắn và mạng xã hội dễ dàng hơn là trao đổi qua điện thoại và một ngày và giờ nhất định", Zaki nói.
Nhà sáng tạo nội dung 25 tuổi Byron Bay nổi tiếng với những video bình luận hài hước và sở hữu 13,7 triệu người theo dõi trên TikTok. Sinh ra ở Nhật Bản, anh chia sẻ rằng cha mẹ anh nói các cuộc gọi quốc tế quá nhiều tiền và anh cần phải tránh. Vì vậy, với ứng dụng hiện đại như FaceTime, bạn có thể tự do gọi cho bất kỳ ai trên thế giới bao lâu tùy thích.
Tuy nhiên, cho dù là tin nhắn, mạng xã hội hay FaceTime, Gen Z vẫn có một vài quy tắc nhất định.
"Nếu tôi nói chuyện với gia đình hay bạn bè thân thiết, tôi sẽ dùng FaceTime, còn đối với những người không thân thiết lắm hay là đồng nghiệp, tôi thường nhắn tin", Zaki giải thích.
"Tin nhắn hoặc các email có thể chỉnh sửa trước khi gửi, hoặc thậm chí là soạn một bản nháp và gửi sau. Điều đó giúp giảm bớt áp lực như gọi điện trực tiếp", Tiến sĩ Vicki Andonopoulos, giảng viên Marketing tại Đại học Sydney, cho biết. Thời gian và sự cẩn trọng khi nhắn tin khiến người ta tránh khỏi những sai lầm nghiêm trọng khi giao tiếp.
Lối suy nghĩ này còn dẫn tới sự thay đổi của các phương thức giao tiếp tại nơi làm việc. Haslam chia sẻ: "Rất nhiều cơ quan hướng tới sự linh hoạt nhiều hơn, và họ sẽ giảm bớt những cuộc họp nghiêm trọng hay là cuộc họp có kế hoạch".
Haslam cho rằng các cuộc gọi sẽ không bị khai trừ hoàn toàn, bởi như vậy sẽ mất đi tính xác thực và sự tương tác, bởi các cuộc gọi mang tính tự phát cao hơn, thường có ích hơn khi trao đổi liên quan tới văn bản. Giao tiếp qua điện thoại cũng tạo cảm giác trung thực hơn.
"Bạn hiểu thêm về một người qua cách người ta tương tác trực tiếp với bạn, không phải qua một đoạn văn bản dài mà họ đã soạn sẵn", Haslam chia sẻ.
Andonopoulos cho biết các cuộc gọi là phương pháp để đánh giá mức độ xử lý các tình huống khẩn cấp ngẫu hứng" - đặc biệt đối với những người đang mắc chứng lo âu xã hội. Nếu một phần lý do mà Gen Z tránh các cuộc gọi là do lo lắng, thì nó sẽ trở thành "vấn đề mãn tính".
"Khi bạn không thường xuyên nói chuyện điện thoại trong thời gian dài, bạn sẽ nhận ra rằng mình nói chuyện không trôi chảy, dễ dàng hay khó truyền tải thông điệp mà mình muốn nói.
Cái gì cũng cần phải luyện tập mới có thể đạt được sự hoàn hảo, và nếu bạn ít gọi điện thoại, rất có thể bạn sẽ cảm thấy lo lắng mỗi khi nhận điện thoại", Andonopoulos nói.
Nhưng đối với Cockram và Zaki, các ứng dụng gọi điện video như FaceTime và Snapchat dành cho những người biết về nhau từ trước, thay vì những cuộc gọi số lạ mà mình không hề biết người gọi là ai. Nếu bạn chỉ muốn giải quyết một vấn đề nào đó trong trường hợp không mấy thân quen, thì chỉ cần tin nhắn là đủ.
Vậy quy tắc giao tiếp mà Gen Z có xu hướng thực hiện gì? Zaki tự nhận: "Tôi sẽ không bắt máy từ số lạ. Tôi lưu số của tất cả những người quan trọng đối với tôi, nên nếu không phải những người đó, tôi sẽ cho rằng đó là số rác. Nếu không phải, thì có rất nhiều cách mọi người có thể liên lạc: mạng xã hội, email, tin nhắn…".