Mâu thuẫn trong quan điểm thời trang của Gen Z

Minh Hiếu

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây cho thấy thế hệ trẻ ủng hộ thời trang bền vững và phản đối xu hướng thời trang nhanh. Tuy vậy, trên thực tế Gen Z vẫn thường xuyên mua quần áo thời trang nhanh.

Thời trang bền vững (Sustainable fashion) hiểu đơn giản là việc sử dụng chất liệu an toàn, có thể tái sử dụng, tự phân hủy và quy trình sản xuất tiết kiệm, an toàn. Đồng thời, trang phục và phụ kiện còn phải đảm bảo không bóc lột sức lao động hay giết hại động vật trong quá trình sản xuất.

Thời trang nhanh (Fast fashion) là một thuật ngữ mô tả những sản phẩm sao chép các xu hướng thời trang cao cấp mới, được sản xuất hàng loạt với chi phí thấp và xuất hiện tại các cửa hàng bán lẻ một cách nhanh chóng, tận dụng nhu cầu và tâm lý của người tiêu dùng. 

Mâu thuẫn trong quan điểm thời trang của Gen Z - 1

Thời trang bền vững thường có giá cao hơn khá nhiều so với thời trang nhanh (Ảnh: Phys).

Hội nghị thường niên của Học viện Quản lý Anh tại Trường Kinh doanh Alliance Manchester (Anh) mới đây tiết lộ rằng 9/10 người được khảo sát đã mua thời trang nhanh và chỉ 1/6 có thể nêu tên thương hiệu sản xuất thời trang bền vững.

Kết quả phân tích cho thấy, phụ nữ có xu hướng ủng hộ thời trang bền vững hơn nam giới, nhưng lại mua thời trang nhanh nhiều hơn.

4 nhà nghiên cứu từ Trường Kinh doanh Sheffield, thuộc Đại học Sheffield Hallam (Anh), đã khảo sát 56 đối tượng là sinh viên đại học trong độ tuổi 18-24. 4 nhà nghiên cứu là: Joanne Calver, Glyn Littlewood, Tiến sĩ Marc Duffy và Joanne Watts.

Cuộc khảo sát các sinh viên cho thấy 63% lo lắng về những tác động xã hội của ngành thời trang nhanh và 48% lo ngại về những tác động môi trường của những sản phẩm này. Chỉ 3% số người tham gia khảo sát không quan tâm chút nào đến các tác động xã hội và môi trường của xu hướng thời trang nhanh.

Tuy nhiên, 17% sinh viên thừa nhận có thói quen mua sắm tại một cửa hàng bán lẻ thời trang nhanh mỗi tuần, 62% mỗi tháng và 11% mỗi năm. Chỉ 10% khẳng định chưa bao giờ mua quần áo thuộc xu hướng thời trang nhanh.

Ngoài ra, 43% các bạn trẻ cho biết đã xem xét, tìm hiểu quần áo được sản xuất ở đâu và như thế nào trước khi mua. Số đông khi được phỏng vấn đều không thể kể tên bất kỳ nhãn hiệu sản xuất thời trang bền vững nào.

Tất cả đối tượng được khảo sát đều cho rằng giá cả là rào cản chính để phổ cập xu hướng mua sắm quần áo thời trang bền vững.

Tiến sĩ Duffy phát biểu tại hội nghị: "Gen Z đang ngày càng quan tâm đến thế giới, với 94% tin rằng các hành động liên quan đến tính bền vững là cần thiết và chúng ta cần hợp tác để giải quyết các vấn đề quan trọng. Gần như tất cả những người tham gia đều có thái độ tiêu cực đối với thuật ngữ "thời trang nhanh" hay các từ như "không bền vững, phi đạo đức và chất lượng kém". Nhưng tỷ lệ lớn người trẻ thừa nhận mua thời trang nhanh cho thấy khoảng cách rõ ràng giữa suy nghĩ ủng hộ sự bền vững và hành động thực tế".

Ông nói rằng những cô gái Gen Z được khảo sát "thể hiện sự ủng hộ đối với thời trang bền vững bằng cách tuyên bố sẵn sàng trả nhiều hơn hoặc thậm chí tẩy chay các thương hiệu phi đạo đức".

Ngược lại, nam giới cho thấy sự "thiếu quan tâm và kiến thức về thời trang bền vững, nhưng thói quen mua hàng lại bền vững hơn đáng kể so với nữ giới. Các bạn nam có tần xuất mua thời trang nhanh ít hơn và sử dụng quần áo bền vững nhiều hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do nam giới thích những thương hiệu bền vững vì chúng được coi là hợp thời trang và ngầu".

Các nhà nghiên cứu đã xác định 6 rào cản chính đối với việc mua sắm quần áo bền vững: giá cả, thiếu kiến thức, thiếu lựa chọn, thiếu tính thẩm mỹ, hoài nghi về tính minh bạch của doanh nghiệp và mong muốn của xã hội.

Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu trị giá 300 tỷ USD và dự kiến đạt 360 tỷ USD vào năm 2025. Sự gia tăng của nhu cầu sản xuất và tiêu dùng này đang gây ra những tác động đáng ngại tới môi trường như ô nhiễm, tích tụ chất thải và sử dụng quá nhiều tài nguyên nước. 

Bên cạnh đó, lo ngại cũng gia tăng xung quanh các tác động xã hội của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Trong đó bao gồm bóc lột công nhân, lao động trẻ em và điều kiện làm việc vô nhân đạo. Mặc dù nhu cầu về thời trang bền vững đạt 6,35 tỷ bảng Anh vào năm 2019 và được dự báo sẽ đạt 8,25 tỷ bảng Anh vào năm 2023, nhưng tốc độ mở rộng của thị trường này vẫn chậm hơn đáng kể so với các phân khúc khác, chẳng hạn như thời trang nhanh, với trị giá 30,58 tỷ USD.

Theo phys.org

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm