"Đu trend" TikTok: Tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn tai họa khôn lường

CTV

(Dân trí) - Độ phổ biến của TikTok cũng tỷ lệ thuận với tần suất xuất hiện của những trào lưu (trend) mang tính chất độc hại trên mạng xã hội này.

TikTok có tính năng tự động gợi ý nội dung phù hợp với thị hiếu của người dùng. Do đó, nếu không tỉnh táo khi lướt ngón tay trên ứng dụng, người sử dụng mạng dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung độc hại, nguy hiểm.

Nhiều video tạo "trend" (tạm dịch: trào lưu) trên mạng xã hội này mang nội dung độc hại, sau khi lan tỏa đã gây ra những hậu quả khó lường đối với người dùng và xã hội.

Sức hút của ứng dụng được tải nhiều nhất trên toàn cầu

Với những tính năng khác biệt so với các mạng xã hội hiện hành, không khó hiểu khi TikTok đứng đầu danh sách các ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu từ tạp chí Forbes, năm 2021, TikTok trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất toàn cầu (656 triệu lượt tải xuống).

Đu trend TikTok: Tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn tai họa khôn lường - 1
Phạm Vũ Diệu Linh (sinh viên Đại học Ngoại thương) (Ảnh: NVCC)

Bạn Phạm Vũ Diệu Linh (sinh viên trường Đại học Ngoại thương) chia sẻ: "Là một người đã từng làm theo khá nhiều trào lưu trên nền tảng TikTok, mình nhận thấy những yếu tố có thể khiến cho một trào lưu nào đó được lan tỏa nhanh trước hết là do người khởi xướng thực hiện trào lưu. Họ là những KOL (Key Opinion Leader - tạm dịch: người có sức ảnh hưởng).

Bên cạnh đó, do thời lượng video ngắn, các trào lưu lại rất dễ để những người dùng làm theo.

Một yếu tố khác giúp các trào lưu lan tỏa nhanh là chạm đúng tâm lý, giúp người "đu trend" thể hiện điểm mạnh của mình ở một số mặt như ngoại hình, tài năng, sở thích...

Cuối cùng là do hiệu ứng đám đông, nên không khó hiểu khi nhiều bạn trẻ hiện nay dễ bị cuốn vào các trào lưu TikTok".

Các trào lưu bổ ích

Khi ra mắt, TikTok đã được sử dụng như một công cụ hiệu quả để lan tỏa những thông điệp tích cực đến cộng đồng. Đặc biệt là trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, TikTok đã đẩy mạnh một số trào lưu tích cực, có thể kể đến như "Vũ điệu rửa tay", "Ở nhà vẫn vui"..., qua đó nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh.

Người dùng TikTok, bạn Nguyễn Thành Đạt, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải cho biết: "Hiện nay có rất nhiều content creator (người sáng tạo nội dung) tạo ra những kênh chuyên về 1 mảng nội dung nói về: các kỹ năng mềm, kiến thức công nghệ, marketing… Đó là 1 nguồn hữu dụng để chúng ta có thể tiếp thu và làm giàu thêm vốn tri thức của bản thân mình".

Đu trend TikTok: Tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn tai họa khôn lường - 2
Nguyễn Thành Đạt (sinh viên Đại học Giao thông Vận tải) (Ảnh: NVCC)

Những trào lưu học tập, lan tỏa kiến thức trên Tik Tok cũng rất thú vị, thu hút một bộ phận giới trẻ Việt tham gia.

"Với tư cách là một người sử dụng TikTok thường xuyên, mình nhận thấy trong 2 năm qua, dù đất nước đã luôn phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng những video ngắn truyền tải những thông điệp tích cực đã đem tới tinh thần lạc quan, trở thành nguồn động lực để chúng ta kiên cường vượt qua đại dịch", Đạt cho biết thêm.

Ngoài ra, để cảnh báo về hậu quả của việc đăng tải các nội dung không phù hợp lên mạng, TikTok đã ra mắt thử thách #thinkb4youdo nhằm khuyến khích cộng đồng dành thời gian suy nghĩ trước khi quyết định thực hiện những hành động không an toàn trên TikTok, từ đó cố gắng tạo nên một môi trường mạng an toàn và tích cực trên toàn cầu. Tuy nhiên nỗ lực này liệu có ngăn chặn được những nội dung xấu, độc hay không?

Cần kiểm soát những trào lưu độc hại

Trong thời gian gần đây, một số trào lưu độc hại nở rộ đã tác động không nhỏ tới thế giới quan, nhận thức của một bộ phận thế hệ trẻ, gây ra những hệ lụy không thể đo đếm đối với xã hội.

Theo bạn Phạm Hà Anh (sinh viên Học viện Ngoại giao), TikTok là một ứng dụng có mặt trên điện thoại của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, có nhiều trào lưu trên nền tảng này mang tác hại tới tâm lý của đối tượng tiếp cận, đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều mặt của đời sống thường ngày.

Đu trend TikTok: Tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn tai họa khôn lường - 3
Phạm Hà Anh (sinh viên Học viện Ngoại giao) (Ảnh: NVCC)

Đơn cử, trào lưu "săn mây" trên máy bay của TikToker L.B đã mở màn cho hàng loạt hành vi gây mất an ninh, an toàn hàng không.

Vào tháng 7 vừa qua, TikToker này đã có hành vi cố tình đặt chiếc điện thoại di động trên cửa sổ, bên tấm bảo vệ, rồi kéo tấm chắn che cửa sổ khi máy bay đang cất cánh để ghi lại khung cảnh bên ngoài trong suốt hành trình.

Video này đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem, dẫn tới sự ra đời của hàng trăm video bắt chước, khiến Cục Hàng không Việt Nam phải lên tiếng cảnh báo, vì hành động này gây ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay và tính mạng của hành khách.

Khi sự việc chưa lắng lại, một vài ngày sau đó, nữ TikToker Y.J có hành vi nhảy múa trên đường băng sân bay Phú Quốc (Kiên Giang). Đáng chú ý, trong đoạn clip được đăng tải, TikToker này vẫn tiếp tục tạo dáng, bất chấp chiếc máy bay đang di chuyển từ phía sau. Nối tiếp trào lưu đó, một nữ hành khách khác lại "gây bão" mạng xã hội khi thản nhiên ngồi xổm lên băng chuyền hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến dư luận bất bình.

Chưa hết, hiện nay trên TikTok cũng có nhiều trào lưu chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cũng vô cùng phong phú, tuy nhiên trong số này có không ít video chỉ mang tính câu view, tự phát và thiếu kiểm chứng khoa học.

Ngoài ra phải kể đến những video mang tính bạo lực, kích động thù hận… cũng đang gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với người dùng. Sẽ thật sự nguy hiểm nếu những nội dung này không được kiểm soát chặt chẽ và tiếp cận với rất nhiều người dùng ở độ tuổi trẻ, chưa đầy đủ nhận thức.

Nhận thấy có nhiều trào lưu không lành mạnh trên TikTok, Hà Anh bày tỏ: "Nếu chúng ta sử dụng TikTok một cách thông minh, đây sẽ là một phương tiện hữu hiệu trong việc hỗ trợ công việc, học tập và phát triển bản thân của mỗi cá nhân.

Còn đối với những nội dung mang tính độc hại, nhà phát triển ứng dụng cần phối hợp với cơ quan chức năng cần ngăn chặn triệt để, nhằm giữ gìn môi trường trong sạch cho cộng đồng".

Cách hạn chế ảnh hưởng của những trào lưu độc hại trên Tik Tok đối với thế hệ trẻ

Hiện tại, TikTok vẫn chưa thể đưa ra được biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết triệt để những trào lưu độc hại. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là người dùng nên tự bảo vệ mình.

Trước phản ứng của dư luận, TikTok đã cố gắng xây dựng và cập nhật thường xuyên Bộ tiêu chuẩn cộng đồng, để từ đó thực hiện công tác kiểm duyệt nội dung, bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho người sử dụng. Từ tháng 3/2019, nền tảng mạng xã hội này đã nâng cấp chế độ và dịch vụ dành riêng cho thanh thiếu niên. Người dùng có thể sử dụng ứng dụng để bật chế độ dành cho thanh thiếu niên theo yêu cầu, cho phép họ xem các video đã được sàng lọc để phù hợp với lứa tuổi.

Theo Tiến sĩ Kathryn Smerling, người đã chứng kiến tác động của TikTok lên khả năng tập trung của rất nhiều bạn trẻ, cho biết, giải pháp hiệu quả để hạn chế ảnh hưởng của những trào lưu độc hại trên nền tảng này trước hết phải xuất phát từ mỗi gia đình.

Cha mẹ có thể trao đổi về ưu, nhược điểm và đưa ra mức thời gian hạn chế trong việc truy cập các ứng dụng mạng xã hội với con của họ.

"Hãy chắc chắn rằng các con của bạn được tham gia các hoạt động toàn diện, duy trì hoạt động thể thao và thể chất, và trải nghiệm môi trường tự nhiên để chống lại tác động của mạng xã hội. Cần đảm bảo con bạn có một cuộc sống cân bằng và có nhiều thời gian dành cho gia đình cũng như những việc khác", vị Tiến sĩ này cho biết thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm