Bùi Công Duy - Người góp phần cho niềm tự hào âm nhạc Việt

(Dân trí) - Cách đây hơn 34 năm, tháng 10/1980, một sự kiện làm nức lòng nhân dân cả nước, đó là việc nghệ sỹ Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X tại Warszawa (Ba Lan).

Đây là lần đầu tiên một nghệ sĩ dương cầm châu Á đoạt giải Nhất tại cuộc thi danh tiếng nên sự kiện này không chỉ tạo nên niềm tự hào dân tộc mà còn khẳng định tài năng âm nhạc Việt Nam với các cường quốc âm nhạc thế giới.

 

Ít lâu sau, vào tháng 2/1981, tại TP Hồ Chí Minh, một cậu bé chào đời và ít ai ngờ rằng chỉ 16 năm sau (1997), anh đã trở thành một trong những tài năng trẻ xuất sắc không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới khi anh giành giải Nhất cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky lừng danh dành cho lứa tuổi trẻ. Đó là nghệ sĩ Bùi Công Duy.

 

Không dừng ở đó, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), Bùi Công Duy còn vinh dự là người nước ngoài đầu tiên trở thành thành viên của dàn nhạc dây danh tiếng trên thế giới Viourse Moscow.
 
Bùi Công Duy - Người góp phần cho niềm tự hào âm nhạc Việt

 

Nêu những sự việc trên, người viết bài này không có ý định so sánh tài năng giữa Đặng Thái Sơn và Bùi Công Duy bởi “mọi sự so sánh đều khập khiễng”, nhất là khi họ ở những thế hệ khác nhau, thành công ở những cuộc thi và nhạc cụ khác nhau.
 
Song, ở họ cùng có một điểm chung, đó là tài năng bẩm sinh cộng với một môi trường đạo tạo lý tưởng khi cả hai đều được đào tạo trong một “lò” âm nhạc lừng danh thế giới: Nhạc viện Tchaikovsky.
 

Sự thành công của mỗi con người cũng tương tự như một cái cây. Đó là hạt giống tốt, mảnh đất tốt, người gieo trồng chăm bón tốt và gặp thời tiết thiên nhiên tốt. Thế nhưng ngay cả khi có đủ các yếu tố cũng chưa chắc đã thành công chứ không nói là thiếu, dù chỉ một yếu tố.

 

Những thành công của các nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy trong lĩnh vực nghệ thuật hay GS. Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn trong lĩnh vực toán học đều hội tụ tất cả các yếu tố trên. Song, điều đặc biệt là các anh may mắn đến được với những mảnh đất tốt với những người gieo trồng chăm sóc tốt. “Hạt giống Việt Nam” được gieo trồng trong những giảng đường, nhạc viện nổi tiếng với sự chăm sóc của những giáo sư, nhạc sĩ tài ba.

 
Bùi Công Duy - Người góp phần cho niềm tự hào âm nhạc Việt
 

Cách đây ít hôm, trả lời câu hỏi về tài năng Việt Nam trong lĩnh vực âm nhạc, Bùi Công Duy tâm sự rằng tài năng người Việt không phải là thiếu nhưng để thành công, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

 

“Người Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển nói riêng luôn có những cá nhân rất xuất sắc và tài năng. Tuy nhiên, để đạt được thành công thì tài năng không chưa đủ”, Bùi Công Duy tâm sự.

 

Đối với các sinh viên Việt Nam học tâp tại nhạc viên Tchaikovsky, Bùi Công Duy cho biết từ hàng chục năm nay luôn được đánh giá rât cao bởi sự thông minh, chăm học hỏi và tận tụy. Các sinh viên Việt Nam luôn nằm trong số những sinh viên ngoại quốc tiêu biểu, hầu hết các sinh viên học tập tại nhạc viện Tchaikovksy sau khi ra trường đều trở thành những nhà sư phạm, nhà quản lý hay nghệ sĩ nổi tiếng và uy tín.
 
Bùi Công Duy - Người góp phần cho niềm tự hào âm nhạc Việt

 

Không chỉ là nghệ sĩ nổi tiếng, Bùi Công Duy còn là một người thầy “mát tay” khi anh đào tạo được một loạt các tài năng trẻ. Đó là Nguyễn Linh Nguyên (16 tuổi) - đạt giải nhì cuộc thi Mozart International String Competition 2011 tại Thái Lan; Trịnh Đan Nhi (10 tuổi) - đạt giải nhì cuộc thi The 4th ASEAN International Concerto Competition 2011 ở Indonesia; Bùi Cẩm Ly - đạt giải ba cuộc thi Âm nhạc quốc gia Mùa Thu 2007 và giải ba The 3th Asean International Concerto Competition ở Jakarta năm 2009; Trần Mỹ Dung (8 tuổi) - đạt giải nhất cuộc thi The 5th Asean International Concerto Competition' ở Jakarta năm 2013, Trần Lê Quang Tiến đạt giải Nhất bảng C và Phạm Mai Anh đạt giải Nhì bảng A tai cuộc thi "Mozart International String Competition 2014" tại Bangkok…

 

Khi được hỏi, những năm gần đây, từ khi về Việt Nam, có điều kiện để tiếp xúc với nhiều bạn trẻ trong nước, Duy nghĩ gì về họ? Bùi Công Duy khẳng định: “Tôi luôn nhìn theo góc độ thiện chí và cảm tình đối với giới trẻ Việt Nam.

 

Các bạn trẻ hôm nay phải nói là rất thông minh, nhanh nhẹn, ham học hỏi, việc tiếp thu và ứng dụng rất tốt những kiến thức mới. Còn người Việt Nam thì đặc biệt bởi rất yêu Tổ quốc của mình, nhất là mỗi khi đất nước có biến động. Đây có lẽ là bản sắc dân tộc Việt Nam chăng?”

 

Bùi Công Duy học vĩ cầm từ khi mới 4 tuổi bởi sự dẫn dắt của người cha Bùi Công Thành. Năm 1991, anh theo gia đình sang Nga theo học Giáo sư A.V. Gvozdev và giáo sư, nghệ sỹ nhân dân I.V.Bochkova.

 

Năm 17 tuổi (1998) anh học đại học & nghiên cứu sinh tại nhạc viện Tchaikovsky Moscow. Anh đã từng tham gia biểu diễn tại Đức, Mỹ, Nhật Bản, NaUy, Nga, Thuy Sỹ... và từng là giám khảo các cuộc thi âm nhạc quốc gia "Mùa Thu" (2007), violon Quốc tế "Demidov" tại Nga (2010).

 

Bùi Công Duy là nghệ sỹ violon Việt Nam đầu tiên được biểu diễn solo cùng dàn nhạc Berliner Symphoniker tại Berliner Philharmonie - Phòng hòa nhạc danh giá bậc nhất Châu Âu mang tên Herbert von Karajan. Hiện anh là trưởng khoa đàn dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

 

Bùi Hoàng Thiên Bảo

 

Bùi Công Duy - Người góp phần cho niềm tự hào âm nhạc Việt
Bạn đã làm gì để có thể ngẩng cao đầu hãnh diện: “Tôi là người Việt Nam”? Đó chính là trăn trở hiện nay của không ít người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ chúng ta.

 

Với mục tiêu góp phần để người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng thêm vững tin và tự hào về những giá trị tốt đẹp của dân tộc, Samsung Việt Nam và Báo điện tử Dân trí phối hợp thực hiện chương trình “Samsung tự hào cùng Việt Nam”.

 

Những nhân vật, câu chuyện rất đời thực góp mặt trong chương trình sẽ làm tỏa sáng hơn những giá trị đáng trân trọng trong cuộc sống hàng ngày. Hãy chung tay, cùng chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm, những câu chuyện về phẩm chất và niềm tự hào dân tộc để cùng lan tỏa giá trị Việt Nam!

 

Mọi ý kiến chia sẻ với chương trình trân trọng mời bạn đọc gửi về địa chỉ email: nhipsongtre@dantri.com.vn