GS Vũ Hà Văn: Trình độ sinh viên Việt Nam không thua các nước tiên tiến, nếu…!

Giáo sư Vũ Hà Văn là nhà toán học nổi tiếng, đã từng đoạt giải NSF Career năm 2003, Giải Pólva (SIAM) năm 2008 và Giải Fulkerson năm 2012 (chung với Jeff Kahn (Hoa Kỳ) và Anders Johansson (Thụy Điển)… Hiện anh đang là Giáo sư của “cái nôi toán học thế giới”, trường Đại Học Yale.

Là con trai của nhà thơ nổi tiếng Vũ Quần Phương, GS Vũ Hà Văn thừa hưởng của cha mình một tâm hồn nhạy cảm và tình yêu quê hương mãnh liệt như lời anh nói: “Việt Nam là quê hương tôi, là  bố mẹ bạn bè, là phổ nhỏ gió heo may, là  phở nóng bún riêu và ngàn điều khác nữa. Việt Nam đi vào mọi  câu chuyện mà vợ chồng tôi nói hàng ngày, là chủ để day dứt của bao cuộc trao đổi với bạn bè đồng nghiệp”.

 

Hiện, GS Văn đang ở Pháp nên cuộc trao đổi ngắn dưới đây được thực hiện qua email.

 
GS Vũ Hà Văn: Trình độ sinh viên Việt Nam không thua các nước tiên tiến, nếu…!
 

Là Giáo sư của một trong những Đại học hàng đầu thế giới, từng tiếp xúc và trực tiếp giúp đỡ nhiều sinh viên Việt nam, GS đánh giá như thế nào về sinh viên Việt Nam về năng lực tư duy, tính cần cù, sáng tạo...?

 

Trong 15 năm vừa qua, tôi có dịp gặp gỡ, làm việc và hướng dẫn trực tiếp một số học sinh Việt Nam. Tôi thấy trình độ của sinh viên mình không thua  các nước tiên tiến, nếu được đào tạo đúng cách.

 

Chẳng hạn hiện tại tôi đang hướng dẫn luận án tiến sĩ cho một sinh viên Việt Nam tại Yale, bạn này  tốt nghiệp đai học trong nước nhưng được đào tạo rất tốt, kiến thức cơ bản và phương pháp tư duy khá hơn rất nhiều so với mặt bằng sinh viên đang làm tiến sĩ ở đây (được tạm coi là khá cao so với chuẩn chung trên thế giới), lại rất chăm chỉ.    Việt Nam có thể còn có rất nhiều bạn trẻ có tư chất nhưng chưa có môi trường để phát huy.

 

Xin giáo sư cho biết tình cảm của các nhà khoa học mà Giáo sư quen biết đối với Tổ quốc quê hương? Họ đã làm gì để rạng danh cho đất nước?

 

Giới khoa học ở Mỹ thành phần người nước ngoài rất đông và ai cũng nhớ quê hương của mình, dĩ nhiên mỗi người theo cách riêng của họ. Các bạn Việt Nam của tôi lúc thì  thì nhớ phở, lúc  thì nhớ phố cổ, lúc thì bố mẹ gia đình, những nỗi day dứt chung của những người xa xứ. Đôi khi, tôi ghen tỵ với các bạn đồng nghiệp Mỹ trong những ngày lễ tết, khi  họ có thể tụ tập người thân, anh em ruột thịt dưới mái nhà của mình.

 

Tôi thấy các nhà khoa học (tất cả các nước) nghiên cứu là vì họ say mê, chứ không phải để rạng danh, cho bản thân hay cho gia đình hay cho đất nước.  Đến khi công trình của họ trở nên có giá trị, thì cái vinh quang nó mang lại là hệ quả, chứ không phải là mục tiêu. Cái mà họ thật sự muốn đóng góp cho đất nước, lại là những việc khác.

 

Với cá nhân Giáo sư, hai tiếng Việt Nam nói lên những gì?

 

Việt Nam là quê hương tôi, là  bố mẹ bạn bè, là phổ nhỏ gió heo may, là  phở nóng bún riêu và ngàn điều khác nữa. Việt Nam đi vào  mọi  câu chuyện mà vợ chồng tôi nói hàng ngày, là chủ để day dứt của bao cuộc trao đổi với bạn bè đồng nghiệp…

 

Xin cám ơn Giáo sư về cuộc trao đổi ngắn này!

 

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

 

GS Vũ Hà Văn: Trình độ sinh viên Việt Nam không thua các nước tiên tiến, nếu…!
Bạn đã làm gì để có thể ngẩng cao đầu hãnh diện: “Tôi là người Việt Nam”? Đó chính là trăn trở hiện nay của không ít người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ chúng ta.

 

Với mục tiêu góp phần để người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng thêm vững tin và tự hào về những giá trị tốt đẹp của dân tộc, Samsung Việt Nam và Báo điện tử Dân trí phối hợp thực hiện chương trình “Samsung tự hào cùng Việt Nam”.

 

Những nhân vật, câu chuyện rất đời thực góp mặt trong chương trình sẽ làm tỏa sáng hơn những giá trị đáng trân trọng trong cuộc sống hàng ngày. Hãy chung tay, cùng chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm, những câu chuyện về phẩm chất và niềm tự hào dân tộc để cùng lan tỏa giá trị Việt Nam!

 

Mọi ý kiến chia sẻ với chương trình trân trọng mời bạn đọc gửi về địa chỉ email: nhipsongtre@dantri.com.vn