Nhà văn Tạ Duy Anh: “Vừa có quyền tự hào, vừa phải thấy xấu hổ…”

Nhà văn Tạ Duy Anh bắt đầu nổi tiếng với tác phẩm “Bước qua lời nguyền”, đây như một lời “tuyên thệ” đoạn tuyệt với những ràng buộc xưa cũ. Như những người cầm bút giàu trách nhiệm, Tạ Duy Anh luôn trăn trở với quê hương, đất nước và đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ông nói: “Cha tôi từng nói thế hệ của ông là lớp đệm giữa quá khứ và tương lai. Nếu còn sống, năm nay cha tôi sang tuổi 90. Hẳn cái tương lai mà ông nói đến chính là nhắm vào những người như tôi, giờ cũng đã qua tuổi khao lão khá lâu và lại đang tin chắc rằng những người thuộc thế hệ mình là lớp đệm giữa quá khứ và tương lai, cái tương lai mà chúng ta đang bàn đến.

 

Chỉ có điều, cha anh và chúng ta thấy tự hào với sứ mệnh đó, trong khi với thế hệ trẻ bây giờ thì không và coi đó như một việc bắt buộc, bị đẩy đến chỗ phải chấp nhận. Vì thế, thành thật mà nói tôi thương bọn trẻ ngày nay hơn thương lớp cha anh mình trước đây, mặc dù về sự sung sướng vật chất thì không có bất cứ điểm nào để so sánh giữa hai thế hệ ấy. Nghĩa là, nếu có một lớp đệm thật sự giữa quá khứ và tương lai, thì chính là bọn trẻ ngày nay.

 

Chỉ có điều ở cả hai phía chân trời ấy, chúng chẳng tìm thấy chỗ dựa nào (điều khác cơ bản với các thế hệ trước), bởi sự đứt đoạn về văn hóa, tinh thần. Vì thế, đó là những đứa trẻ cô đơn, phải tự lập, phải đối mặt với tương lai từ khi còn tung tăng tới trường. Chúng sẽ tập hợp nên một thế hệ không lệ thuộc, đầy lòng nghi kị, thích tự quyết nhưng vì thế cũng thiếu sức mạnh cộng hưởng”.
 
Nhà văn Tạ Duy Anh.

Nhà văn Tạ Duy Anh.

 

PV: Trong nhiều văn bản của tất cả các cấp đều có phần "quan tâm, bồi dưỡng thế hệ trẻ" nhưng thực tế thì không hẳn như vậy. Anh suy nghĩ gì về vấn đề này?

 

Nhà văn Tạ Duy Anh: Câu hỏi của anh khiến tôi thấy chua chát! Đáng lẽ nhiệm vụ đó phải như một bản năng sống, bản năng tồn tại của bất cứ một xã hội lành mạnh và vị lai nào. Nó không cần phải lên gân lên cốt, hô hào bằng các văn bản, mà thể hiện mang tính thị phạm từ thế hệ đi trước, như hít thở vậy. Điều đó chỉ “tố cáo” rằng những người già chúng ta vì ích kỷ, vì tầm nhìn hạn hẹp, vì thực dụng đã phớt lờ nhiệm vụ sống còn đó, hoặc làm để đánh lừa bản thân...

 

Thiếu tin tưởng vào nhau giữa các thế hệ là một phần của cuộc sống chúng ta đang sở hữu! Bọn trẻ còn kém tin tưởng cha anh hơn là ngược lại! Vấn đề ở đây là cơ chế xã hội phải đủ thông minh, đủ tử tế, đủ công bằng để không ai phải phủ nhận ai, không biến việc nâng đỡ nhân tài, nâng đỡ tuổi trẻ như một hành động ban ơn thô thiển để rồi cứ kể lể hết ngày này sang ngày khác.

 

Kinh nghiệm của một đất nước phải là tài sản tinh thần kế thừa tất yếu của các thế hệ kế tiếp, như một mật truyền tất yếu, mang tính mặc định, không bàn cãi, cho thế hệ kế cận điểm tựa lịch sử để giúp quá khứ sống tiếp trong tương lai, mà chúng đại diện.

 

Tôi chưa thấy những ưu tư về thứ kinh nghiệm “quốc bảo” như vậy, mà chỉ là phổ biến sự khôn lỏi. Bằng trải nghiệm hiện sinh, tôi tin rằng thứ kinh nghiệm mà những “người đi trước” hiện nay luôn nhắc đến nghe phát chán ở khắp nơi khi răn dạy lớp trẻ…

 

Theo anh, thế hệ trẻ Việt Nam có quyền tự hào về trí tuệ Việt nam?

 

Chúng ta có một lịch sử đáng ngưỡng mộ, ít nhất là so với khu vực. Việt Nam từng là quốc gia “phát triển”  ở Đông Nam Á, đó là điều không thể phủ nhận nếu thử chiếu ngang thời Lý, thời Trần… sang các vùng xung quanh. Không có trí tuệ, rất khó để có được những gì như lịch sử thời ấy để lại cho ta biết. Nhưng giờ chúng ta là ai, ở vị trí nào so với thế giới?

 

Bất cứ ai biết nhấp chuột máy tính cũng dễ dàng tìm ra câu trả lời là chúng ta đang lùi lại, càng ngày càng tụt xa so với xung quanh. Nói thẳng dễ gây sốc nhưng không thể nói khác được. Thật là đau xót! Vì thế tôi nghĩ, chúng ta (bao gồm cả thế hệ trẻ) vừa có quyền tự hào vừa phải thấy xấu hổ về trí tuệ của mình!

 

Vậy phải làm gì để giữ mãi niềm tự hào và biến chúng thành hiện thực?

 

Vâng, họ phải làm việc cật lực, kiên nhẫn và tự trọng, trong đó rất nhiều việc quyết không được giống cha anh đã làm. Và đến đây thì câu trả lời đã rõ: Họ phải dám “Bước lên vai quá khứ mà đi” như lời của một nhà thơ.

 

Bùi Hoàng Tám

 

Nhà văn Tạ Duy Anh.
Bạn đã làm gì để có thể ngẩng cao đầu hãnh diện: “Tôi là người Việt Nam”? Đó chính là trăn trở hiện nay của không ít người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ chúng ta.

 

Với mục tiêu góp phần để người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng thêm vững tin và tự hào về những giá trị tốt đẹp của dân tộc, Samsung Việt Nam và Báo điện tử Dân trí phối hợp thực hiện chương trình “Samsung tự hào cùng Việt Nam”.

 

Những nhân vật, câu chuyện rất đời thực góp mặt trong chương trình sẽ làm tỏa sáng hơn những giá trị đáng trân trọng trong cuộc sống hàng ngày. Hãy chung tay, cùng chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm, những câu chuyện về phẩm chất và niềm tự hào dân tộc để cùng lan tỏa giá trị Việt Nam!

 

Mọi ý kiến chia sẻ với chương trình trân trọng mời bạn đọc gửi về địa chỉ email: nhipsongtre@dantri.com.vn