Nơi hội tụ niềm tin Tự hào Trí tuệ Việt Nam
Gần 2 tháng với “lưu lượng” 2 bài trên tuần, diễn đàn “Tự hào trí tuệ Việt Nam” do Samsung Việt Nam phối hợp với báo Dân trí thực hiện đã khép lại với nhiều dư âm tốt đẹp.
Tuy chỉ là một diễn đàn nhỏ, thực hiện trong một thời gian ngắn nhưng “Tự hào trí tuệ Việt Nam” là nơi gặp gỡ của nhiều chính khách, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ và nhà khoa học nổi tiếng.
Đó là GS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), Nhà văn Tạ Duy Anh, Nhà văn – Đạo diễn điện ảnh Tô Hoàng, các Nhà báo Lê Thanh Phong, Đỗ Doãn Hoàng, Nghệ sỹ Violon tài năng Bùi Công Duy, đặc biệt là sự góp mặt của hai nhà toán học nổi tiếng thế giới, hiện đang giảng dạy tại những trường đại học lớn của Mỹ là GS Ngô Bảo Châu và GS Vũ Hà Văn.
GS. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết thổ lộ “đã có một thời người Việt Nam ta mang trong mình tâm trạng “Ta là ta mà lại cứ mê ta” (Chế Lan Viên), “lương tâm của thời đại” để rồi giờ đây “tự phê” nào tư tưởng, đạo đức suy thoái, năng suất lao động thấp nhất Đông Nam Á, đống nợ công cao chót vót...”.
Song, với cách nhìn của một chính khách từng trải và một nhà giáo dục hàng đầu, ông tin rằng nếu có chính sách đúng sẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ ở mỗi người dân và cả dân tộc.
GS Vũ Hà Văn, một người thầy từng có mặt ở nhiều giảng đường lớn trên thế giới thì bộc bạch: “Trong 15 năm vừa qua, tôi có dịp gặp gỡ, làm việc và hướng dẫn trực tiếp một số học sinh Việt Nam. Tôi thấy trình độ của sinh viên mình không thua các nước tiên tiến, nếu được đào tạo đúng cách”.
Với GS. Ngô Bảo Châu, ông cho rằng “thay bằng việc tự gặm nhấm cái tự ti cá nhân, mỗi người nên cố làm tốt việc của mình và cố nhìn ra điểm mạnh điểm tốt của những người xung quanh để hợp tác và hỗ trợ. Nghe có vẻ hơi khẩu hiệu, nhưng thực ra tôi nghĩ là việc mà mỗi người có thể làm được trong phạm vi khả năng của mình”.
Cùng quan điểm GS Thuyết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bộc bạch: “Chúng ta đã từng đi qua một thời mà có người gọi là “thời ngạo mạn”. Cái thời như thế chưa từng có trong lịch sử của dân tộc chúng ta trước đó cho dù ông cha ta đã làm nên những điều kỳ vĩ.
Trong cái "thời ngạo mạn", chúng ta nói: Người Việt ta yêu nước nhất thế giới, người Việt ta anh hùng nhất thế giới, người Việt ta thông minh nhất thế giới… Nhưng đến một ngày, chúng ta nhận ra sự thật không phải hoàn toàn như vậy”.
Vâng! Ngạo mạn và tự ti là hai thái trái ngược nhau nhưng đều nguy hiểm như nhau.
Vì vậy, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ niềm tin tưởng và đặt câu hỏi: “Những gì mà dân tộc Việt Nam tạo dựng trong suốt chiều dài lịch sử của mình đã cho chúng ta một nền tảng đầy đủ để đứng dậy kiêu hãnh và bước đi vững vàng. Điều còn lại là chúng ta có biết đứng dậy và biết bước đi hay không mà thôi”.
Nhà văn Tạ Duy Anh thì trăn trở: “Tôi nghĩ, chúng ta vừa có quyền tự hào vừa phải thấy xấu hổ về trí tuệ của mình và phải dám “bước lên vai quá khứ mà đi”.
Nhà văn – Đạo diễn Tô Hoàng bày tỏ niềm tự hào khắc khoải: “Một đất nước của trí thông minh, sự cần cù và lòng quả cảm dứt khoát không thể là một đất nước của nghèo nàn và lạc hậu. Tự hào về lòng yêu nước, tự hào về trí tuệ Việt Nam song cũng cần gìn giữ những truyền thống cha ông để lại. Xin đừng để những “mảy vàng” sa sảy!”.
Với các nhà báo, cách tiếp cận vấn đề trực diện hơn và thiết thực hơn.
Nhà báo Lê Thanh Phong viết: “Để phát huy tài năng, cần có chính sách phù hợp, tôn trọng tự do sáng tạo. Và quan trọng hơn, đó là sự khuyến khích, ủng hộ của cộng đồng. Đố kị với người tài không chỉ là vấn đề của nhân văn, mà còn kìm hãm sự phát triển của đất nước. Cùng với niềm tự hào trí tuệ Việt Nam, còn cần thêm một tinh thần cao thượng và sự đoàn kết đồng lòng”.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng xúc động: “Tôi đặc biệt xúc động với các bạn trẻ ham học và có lẽ sống nhân ái. Có em, sống với bố trong cái ống cống ở thành phố, nhưng vẫn đạt thủ khoa của một trường danh tiếng. Có em, mẹ bị tâm thần đi lang thang và bị lạm dụng Người mẹ ấy bị hoang tưởng suốt ngày gào thét vì nghĩ có người sắp đến giết chết mình, bà đến tận trường đòi đuổi “đứa con mất dạy” đi, đừng cho nó học nữa. Song, bạn trẻ ấy vẫn vượt qua và học xuất sắc hai trường Đại học”.
Xin khép lại bài viết và cũng là khép lại Diễn đàn này bằng cách nhìn của Nhà thơ, Nhà báo Bùi Hoàng Tám: “Không “mê sảng” trong sự tự huyễn hoặc mình nhưng chúng ta có niềm tự hào, tin tưởng và hi vọng vào tài năng trẻ Việt Nam. Từ đống tro tàn của chiến tranh, đất nước này, dân tộc này đang trỗi dậy với một niềm khát khao mãnh liệt” để “niềm tự hào không bị ngủ quên”.
Xin cám ơn các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học và chính khách cùng Samsung Việt Nam đã kết hợp cùng chúng tôi tạo nên Diễn đàn này. Đặc biệt là lời tri ân tới hàng trăm ngàn bạn đọc Dân trí đã quan tâm, chia sẻ và đồng hành cùng chúng tôi.
Nhịp sống trẻ
Bạn đã làm gì để có thể ngẩng cao đầu hãnh diện: “Tôi là người Việt Nam”? Đó chính là trăn trở hiện nay của không ít người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ chúng ta.
Với mục tiêu góp phần để người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng thêm vững tin và tự hào về những giá trị tốt đẹp của dân tộc, Samsung Việt Nam và Báo điện tử Dân trí phối hợp thực hiện chương trình “Samsung tự hào cùng Việt Nam”.
Những nhân vật, câu chuyện rất đời thực góp mặt trong chương trình sẽ làm tỏa sáng hơn những giá trị đáng trân trọng trong cuộc sống hàng ngày. Hãy chung tay, cùng chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm, những câu chuyện về phẩm chất và niềm tự hào dân tộc để cùng lan tỏa giá trị Việt Nam!
Mọi ý kiến chia sẻ với chương trình trân trọng mời bạn đọc gửi về địa chỉ email: nhipsongtre@dantri.com.vn |