1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Để bất động sản “rơi tự do”: tái sinh hay là chết?

(Dân trí) - Quan điểm "hãy để thị trường địa ốc Việt Nam “rơi tự do”, không cần giải cứu thì giá nhà sẽ giảm 30 - 50% nữa và sẽ tự hồi phục sau 4 - 5 năm…" đã vấp phải sự phản ứng của giới chuyên gia và DN Việt Nam.

Thị trường bất động sản khó khăn, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế nói chung

Thị trường bất động sản khó khăn, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế nói chung
Giải cứu

Cùng với văn bản “chất vấn” của CLB Bất động sản Hà Nội, ông Nguyễn Khải Hoàn - Chủ tịch Khải Hoàn Land đã lên tiếng kêu gọi “kiểm soát chặt chẽ các luồng thông tin nói không bằng chứng, thiếu kiến thức, sai sự thật” về BĐS và cho rằng đó chính là một trong những nguyên nhân khiến địa ốc ngày càng đi vào ngõ cụt.

Ông Hoàn cho biết: “Tôi theo dõi trên báo chí và nhiều lần ngạc nhiên bởi những nhận định, chẳng hạn như, nhà nước nên để BĐS vỡ, bỏ mặc cho thị trường tự điều chỉnh,… nếu người đọc bình tĩnh, suy xét căn cơ mọi vấn đề, thì thấy, đấy là chuyện không thể, nếu để xảy ra, nhà giá rẻ cũng chẳng có, kinh tế xã hội sẽ nguy ngay. Nói như thế nước Mỹ đã không bơm tiền ra, Châu Âu nước giàu đã không cứu nước nghèo, có bệnh cũng chẳng cần bác sĩ… Người phát ngôn thì không phải chịu bất cứ định chế nào nếu nó không đúng sự thật, chỉ có những người làm nghề thì bị chết ngạt bởi phát ngôn ấy. Cần phải nhìn rõ, BĐS là điểm mấu chốt của ngành kinh tế, nó có ảnh hưởng đến rất nhiều ngành kinh tế khác”.

Theo ông Hoàn, việc giải cứu thị trường BĐS hiện nay là tất yếu bởi “Cơ thể chỉ tự đề kháng khi bệnh còn nhẹ, nền kinh tế chỉ tự điều chỉnh khi các doanh nghiệp còn khả năng vận hành. Chính vì thế, việc quan tâm của nhà nước lúc này là tất yếu. Từ trước đến nay chưa có chính phủ nào bỏ mặc thị trường. Ngay cả nước Thái Lan gần ta nhất trong giai đoạn xung đột chính trị, ở thời điểm tạm gọi là “vô chính phủ” vẫn ưu tiên ổn định kinh tế, xã hội lên hàng đầu. Chúng ta phải dẹp bỏ những luận điểm theo kiểu để thị trường BĐS sụp đổ, khi đó giá BĐS rẻ người dân mới mua được. Nếu xảy ra điều tồi tệ ấy, thì kinh tế, xã hội bất ổn, đồng tiền mất giá, còn ai thực hiện nữa mà giá rẻ với cao.”

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế cao cấp, TS Lê đăng Doanh nhận định: Với các con số "khủng" như dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản lên đến một triệu tỷ đồng, tồn kho hàng chục nghìn căn hộ thì chuyện giải cứu là điều không cần bàn cãi. Thêm vào đó, địa ốc còn dắt dây đến các ngành: công nghiệp vật liệu, xây dựng và hàng trăm ngành nghề khác nên "Gỡ khó cho thị trường cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, thông qua các ngành liên quan đến bất động sản", ông nói.

Từ khóa “niềm tin”

Theo khảo sát thực tế khách hàng của nhiều công ty tư vấn, môi giới BĐS như CBRE, Savills, Khải Hoàn Land, hiện nhu cầu về nhà ở của người dân các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM vẫn rất cao song niềm tin với thị trường lại sụt giảm nghiêm trọng và một tâm lý chờ đợi đang bao phủ toàn thị trường. Và vì vậy, nếu cứu địa ốc chỉ bằng các giải pháp cơ học như bơm tiền, giảm giá, khuyến mại… thôi chưa đủ mà quan trọng là cần quyết tâm xây dựng lại niềm tin.

Theo đó, doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng lại văn hóa kinh doanh, xây dựng giá bán hợp lý có tính cạnh tranh, giữ chữ tín bằng chất lượng sản phẩm, cam kết về tiến độ, bàn giao nhà đúng hẹn, hậu mãi tốt. Nhà nước cần có những chính sách nhất quán, minh bạch và xuyên suốt. Còn người dân cũng cần bỏ qua tâm lý chờ đợi để chuyển sang quan điểm lựa chọn cơ hội trong điều kiện nắm giữ lợi thế “quyền lực khách hàng”.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng kêu gọi các bên tham gia vào thị trường địa ốc nên giữ thái độ điềm tĩnh hơn là hoang mang vì không có cuộc khủng hoảng nào kéo dài mãi mãi. Tăng và giảm là chu kỳ bình thường của bất cứ thị trường nào. Sau đỉnh là đáy và ngược lại. "Hiện nay có quan niệm quy chụp rằng bất động sản sẽ không thể nào phát triển được nữa hoặc 5-7 năm sau mới hồi phục, điều này quá chủ quan".

Và ông cho rằng, hiện nay Chính phủ đang từng bước tái cấu trúc nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, ra đề án hỗ trợ và lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Các bước đi khá vững chắc nên cơ hội giải cứu thị trường này vẫn còn nhiều. Nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn. Các doanh nghiệp cần tự tin vào chính mình để vượt qua khó khăn.

Nhà đầu tư ngoại vẫn “kết” thị trường địa ốc Việt Nam

Thị trường đang khủng hoảng, vẫn có nhiều nhà đầu tư ngoại đặt niềm tin với địa ốc Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… vẫn quyết định dốc vốn hàng tỉ USD để bám trụ thị trường bởi họ cho rằng đây là cơ hội cho những người có ý định làm ăn lâu dài. Nhà đầu tư Singapore vẫn nhận định Việt Nam là thị trường địa ốc có  độ hấp dẫn hàng đầu tại Đông Nam Á trên cả Malaysia. Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản (AFIRE) cũng “đặt” thị trường bất động sản Việt Nam ở vị trí thứ 4 trong hạng mục độ hấp dẫn của những thị trường mới nổi. Lý giải độ hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam giới chuyên gia đánh giá: Việt Nam là một thị trường mới nổi, hạ tầng đô thị còn phải đầu tư nhiều để tiến kịp khu vực và thế giới, cơ cấu dân số “vàng”, chi phí nhân công thấp và có một vị trí chiến lược trong khu vực…

 

 Cẩm Tú

 

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm