Gian khổ sau cánh gà “Lễ hội pháo hoa”
(Dân trí) - Mười năm Đà Nẵng có “Lễ hội pháo hoa”, những thử thách vẫn được nâng lên không ngừng cùng mức độ phát triển.
Trước giờ khai hỏa
Khi 17.000 khán giả lẫn hàng nghìn người dân hai bên sông hướng mắt lên bầu trời, thì kỹ sư Trần Xuân Hưng cùng đội kỹ thuật lại dán chặt mắt vào hệ thống thủy lực nâng đỡ sân khấu, tim đập liên hồi. Gió sông Hàn ban đêm thổi vào mát rượi, thế mà anh cảm thấy mồ hôi mình túa ra, ướt đẫm lưng áo, ròng ròng hai bên thái dương.
Ăn Tết xong, hơn 100 kỹ thuật viên lẫn công nhân bắt tay ngay vào dựng khán đài, làm sân khấu. Dự kiến hoàn thành và bàn giao ngày 18/4 để đón 17.000 khán giả xem pháo hoa trong 5 đêm trình diễn.
Thế nhưng, trước thời điểm bàn giao 3 ngày, sân khấu gặp trục trặc. Theo kịch bản, sàn nâng ba tầng sẽ nâng toàn bộ sân khấu nặng 50 tấn lên khỏi mặt nước. Nhưng khi đưa vào vận hành thì khung nâng bị nghiêng, ba tầng nâng lên hạ xuống không đồng đều. Nếu chậm khắc phục thì không kịp tiến độ, còn có thể khiến nghệ sĩ gặp nguy hiểm khi biểu diễn.
Đây là năm đầu tiên, kỹ sư Hưng được giao phụ trách lắp đặt toàn bộ sân khấu, khán đài. Sân khấu năm nay được thiết kế ba tầng, diện tích 2.000 m2, rộng gấp đôi năm ngoái và được lắp nổi trên mặt sông Hàn.
Tâm điểm sân khấu là sàn nâng ba tầng, có thể nâng phần sân khấu chính giữa, là nơi hội tụ các cây cầu, quốc gia, vùng lãnh thổ, nền văn hóa… như một cách tôn vinh người chiến thắng. Tại sân khấu chính, các vòm cong đối xứng mô phỏng biểu tượng cầu Rồng. Hiệu ứng ánh sáng, hệ thống nhạc nước đều được đặt dưới sông Hàn.
Trong cái nắng miền Trung cuối tháng Tư, hơn 100 con người với lều bạt dã chiến, làm việc và ăn ngủ ngay cạnh bờ sông cho kịp tiến độ. Khi diễn viên, nghệ sĩ tập dượt trên sân khấu, đội kỹ thuật vẫn sửa chữa ở phía dưới. Họ cũng đặt ra giả thuyết, nếu đến ngày khai màn mà vẫn chưa xong thì sẽ dùng hệ thống nâng phụ, bố trí thêm người vận hành.
“Nhưng anh em đều không muốn dùng đến phương án đó, nên quyết tâm phải sửa cho xong”, kỹ sư Lê Văn Cường kể. Anh Cường hầu như không rời khỏi bờ sông những ngày ấy.
Kỹ sư Cường thứ hai từ trái qua
Ròng rã hơn một tháng lắp đặt và 10 ngày khắc phục sự cố, cũng là ngần ấy thời gian kỹ sư Cường không được ăn cơm vợ nấu, không ngủ với cậu con trai 5 tuổi mỗi đêm. Bữa ăn của anh loanh quanh là cơm hộp, mì Quảng. Nhà cách nơi làm việc chục cây số, nhưng anh chỉ về vài lần, lấy thêm chút vật dụng cá nhân, nhìn mặt vợ con cho đỡ nhớ.
Đến ngày 25/4, lỗi hệ thống sàn nâng được khắc phục xong, trễ một tuần so với dự kiến và cách thời điểm khai màn lễ hội chỉ năm ngày. Ai nấy phờ phạc. Cả Cường và Hưng đều sút cân, đen nhẻm.
Những tiếng pháo “reo” niềm tự hào
Chiều 27/3/2008, Hưng xin phép nghỉ làm nửa buổi. Anh phóng xe máy hơn 40 km từ Đại Lộc (Quảng Nam) về cảng sông Hàn, chờ đợi đêm pháo hoa. Năm ấy, thành phố lần đầu tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế trong 2 đêm, với màn tranh tài của bốn đội Malaysia, Canada, Hồng Kông (Trung Quốc) và Đà Nẵng đại diện cho Việt Nam.
Mua tạm chiếc bánh mì ăn đỡ đói, Hưng tới sớm vì sợ đường đông. Anh đã mua vé hết 100.000 đồng. Nhiều người cũng tranh thủ ăn cơm sớm, ra bờ sông tìm vị trí đẹp “coi bắn pháo bông”. Có người đến từ chiều, mang theo cả đồ ăn, nước uống. 21h mới khai hỏa, nhưng dòng người đã chật kín đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo từ chập tối. Năm ấy là lần đầu tiên, người Đà Nẵng không phải chờ đến Tết mới được xem pháo hoa.
“Lần đầu tiên trông thấy pháo hoa gần và đẹp thế. Đã lắm. Bắn gần một tiếng mới hết mà ai nấy vẫn còn tiếc”, Hưng nhớ lại.
Thời điểm ấy, cuộc thi pháo hoa được tổ chức với kỳ vọng tạo ra sản phẩm du lịch của riêng Đà Nẵng và hình thành chuỗi sự kiện phụ trợ để thu hút khách. Khi đồng ý cho Đà Nẵng tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế định kỳ hàng năm, Chính phủ cũng đã yêu cầu không sử dụng ngân sách nhà nước. Để giải bài toán kinh phí, thành phố kêu gọi các doanh nghiệp đang đầu tư ở Đà Nẵng tài trợ.
Chỉ trong hai ngày 27 - 28/3/2008, hơn 30.000 khách du lịch đã đến Đà Nẵng để xem pháo hoa, vượt qua cả kỳ vọng 25.000 người của lãnh đạo thành phố.
Pháo hoa sau đó vẫn được tổ chức, nhưng không giữ nhịp đều đặn mỗi năm một lần. Cũng có lúc, Đà Nẵng từng phải hoãn sự kiện được trông chờ mỗi dịp 30/4 này, bởi kinh phí có hạn.
Năm 2016, thành phố quyết định xã hội hóa 100%, giao cho tập đoàn Sun Group tổ chức Lễ hội pháo hoa năm 2017. Cuộc thi trình diễn pháo hoa Quốc tế (DIFC) đổi tên thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF), thời gian từ hai ngày thành hai tháng, với 8 đội pháo và 10 màn trình diễn trong 5 đêm cùng rất nhiều sự kiện đồng hành.
Từ DIFC đến DIFF, pháo hoa đã trở thành một đặc sản của Đà Nẵng. Lễ hội pháo hoa năm 2018, lượng khách du lịch tới Đà Nẵng đã cán mốc 1.581.558 lượt khách, tăng 25,54% so với cùng kỳ 2017. Đà Nẵng đứng đầu 20 điểm đến trong và ngoài nước được khách Việt yêu thích nhất dịp lễ, theo bình chọn của Agoda, với các tiêu chí: di chuyển dễ dàng, chỗ ở đa dạng, ẩm thực đặc sắc, đặc biệt là có Lễ hội pháo hoa quốc tế hàng năm.
Hai mùa pháo hoa liên tiếp, ngoài khán đài đã chật cứng hơn 17.000 khán giả, hàng vạn người dân, khách du lịch không kiếm được vé vẫn đổ ra các cầu quay sông Hàn, cầu Rồng… để được xem pháo hoa miễn phí. Họ thuê ghế nhựa, ngồi trên tảng đá, lội cả xuống sông để xem.
Đêm ba mươi tháng Tư năm nay, anh Hưng, anh Cường cùng đội kỹ thuật đứng sau cánh gà. Nhịp tim của họ dâng cao theo mỗi cm khi hệ thống thủy lực nâng dần toàn bộ sân khấu lên khỏi mặt sông và các nghệ sĩ bắt đầu biểu diễn. Gần hai đồng hồ trôi qua trong căng thẳng… Lúc sân khấu từ từ hạ xuống và pháo hoa vụt sáng trên bầu trời, ai nấy thở hắt ra. Mọi thứ vẫn ổn.
“Tròn mười năm, mình từ vị trí khán giả xem mùa pháo hoa đầu tiên ở Đà Nẵng trở thành người góp sức cho lễ hội, thấy tự hào lắm”, anh Hưng xúc động.
Linh Phong