Tỷ phú WC trên đỉnh Hải Vân Quan

“Đỉnh đèo có một nhà thơ/ Mây bay mây lại lững lờ không bay” - Đấy là một câu thơ đắc địa tôi chộp được từ tập thơ chép tay của gã đàn ông làm nghề kinh doanh toa lét trên đỉnh đèo Hải Vân.

“Chàng thơ”và cái toa lét đầu tiên trên đỉnh đèo Hải Vân

 

Thời bao cấp xa xôi, Lại Thanh Hà là lái xe “quá cảnh” Cục 6, chuyên vận tải hàng đi Lào. Hình ảnh “chiến binh” Cục 6 với chiếc Zin 130 bụi bặm ngang tàng, tiêu tiền như đốt lá mít khô, không chỉ là giấc mơ vời vợi của mọi chàng trai, mà còn là thần tượng của các bà mẹ vợ tương lai khả kính. Lái xe quá cảnh cao giá đến mức, có chàng kỹ sư tốt nghiệp tận Liên Xô về, đẹp trai lồng lộng nhưng tìm mãi không ra vợ. Có người hiến kế,  kỹ sư liền mượn quần jean, áo bun cùng đôi dép tông Lào loẹt quẹt của bác tài quá cảnh đi kiếm vợ. Cưới hỏi xong, chuyện vỡ lở, bà mẹ vợ vén ngay cái chỗ cần phải vén, chửi đổng: “Sư nó! Nó là kỹ sư mà dám bảo với bà là lái xe quá cảnh!”.

 

Đầu những năm 1990, Cục 6 ngưng vận chuyển hàng hóa sang Lào. Hết việc làm, Lại Thanh Hà về nhà với vợ, bắt đầu đếm đong túng khó. Khi vốn tiền cạn sạch, “chàng thơ” đi đến một quyết định khiến “mụ Mắm”, người vợ yêu quý phải rụng rời - bán đất, bán nhà lấy tiền lên đỉnh đèo Hải Vân xây chỗ “ị” và chỗ “è” cho thiên hạ!

 

Quan điểm trước sau như một của “chàng thơ” là người ta có ăn có uống thì phải có… toa lét. Đỉnh đèo đẹp đẽ đến Hoàng Đế Lê Thánh Tông xưa phải dừng gót vi hành ngự lãm thì xe cộ nào ra Bắc vào Nam chẳng đậu lại cho khách xuống chơi. “Bậy bạ” nơi con đèo bồng bềnh mây trắng thì còn ra thể thống gì? Toa lét là đắc sách, “lấy lỗ làm lãi”, một vốn vạn lời!

 

Mụ Mắm sờ trán chồng và cũng ngay lập tức quyết định “tách tình”. Tài sản chia. Con cái chia. Ai đi đường nấy.

 

Căn nhà cấp bốn cùng mấy trăm mét đất trên vùng cát trắng hoang vu phía Bắc Đà Nẵng lúc bấy giờ bán được ba cây vàng. Mụ Mắm cầm đi một nửa. Nửa kia, “chàng thơ” bước thấp bước cao lên Hải Vân Quan, trằn lưng bạt một vạt núi rộng, xây công trình toa lét. Giá cho mỗi lần “vào”, “ra” được “chàng thơ” ấn định: Tây 1.000 đồng , ta 500 đồng. 

 

Ở đời, cái chuyện “ị” với “è” ngồi trên xe phải dồn, phải nén khó chịu bao nhiêu thì đến khi “ra” được rồi - mà lại được “ra” đúng nơi đúng chỗ, sạch sẽ đàng hoàng, người nhẹ lâng lâng mới thấy đáng đồng tiền bát gạo. Giá ấn định như thế nhưng lắm khi khách Tây khoái quá, cứ đưa nguyên cả tờ USD mà “ no” (không) cần thối lại.

 

Lúc công trình toa lét mỗi ngày đón vài trăm khách tây ta, thì cũng là lúc mụ Mắm hiểu chí sinh nhai của chồng, bồng con quay về nối lại đường tơ, chung lưng đấu cật kinh doanh nghề hạ tiện bần cùng nhưng vô cùng rạng rỡ trên đỉnh Hải Vân Quan.

 

Cũng nên nói thêm đôi chút về mụ Mắm. Đấy là người đàn bà, trong suy nghĩ của tôi, thì đẹp nhất và cũng thật thà, tần tảo nhất thế gian. Một người vợ đúng nghĩa...vợ!. Tên chị là Phương. Một cái tên chỉ nghe thôi đã đủ tràn trề thi hứng với bất cứ ai có máu làm thơ.

 

Tỷ phú WC trên đỉnh Hải Vân Quan - 1

Tỷ phú WC Lại Phiền Hà (phải) và du khách trên đỉnh đèo Hải Vân. (Ảnh: Thanh Tùng)

 

Tỷ phú WC

 

Vì cả đời cứ tự mua chuốc lấy “sự phiền” và vì cái tên Lại Thanh Hà sạch sẽ quá, trơn tru quá so với thân hình cục mịch cùng nghề sinh nhai hạ tiện nên trong một đêm vằng vặc sao giăng, “chàng thơ” sửa chút lễ mọn, nắm xôi con gà, đổi chữ lót từ “Thanh” ra “Phiền”. Con đèo bồng bềnh mây trắng không còn anh lái xe quá cảnh Cục 6 sa cơ, một thời đánh đáo bằng vàng Lại Thanh Hà mà chỉ có thi nhân Lại Phiền Hà, chủ nhân toà toa lét đầu tiên đầy kiêu hãnh.

 

“Chàng thơ” kiêu hãnh vì tên mới của mình và cũng kiêu hãnh đặt tên con đứa là “Bờm”, đứa “ Bớp”, đứa nữa… “ Bợm”. Tôi hỏi “chàng thơ” sao gọi vợ là Mắm thì nghe chàng thủng thẳng đưa ra ba tiêu chuẩn - gầy như mắm, hay nhăn như mắm và… kiết (lỵ) như mắm!

 

Gọi thế nhưng chàng một mực tôn trọng và yêu quý vợ. Bằng chứng là mụ Mắm đã được chàng tôn vinh thành “Mắm đại ca”. Cô con gái út ra đời được chàng đặt cho cái tên như khúc nhạc tươi vui - “Tèn Ten”. Tèn Ten là niềm vui vô bờ của “chàng thơ”. Khi doanh nghiệp toa lét làm ăn tấn tới, tiền kinh doanh toa lét được Lại Phiền Hà đem tậu một lúc hàng chục mét đất mặt tiền ngay dưới chân đèo xây ngôi nhà mới với tấm biển đúc xi măng mang dòng chữ nổi: “Ngôi nhà hoàn thành tháng 12 năm 2002, chủ nhân - Lại Thanh Hà”.

 

Tấm biển oanh liệt là thế nhưng chưa thể oanh liệt bằng cùng một lúc trong ngôi nhà mới, “chàng thơ” cho xây đến… tám cái toa lét. Nhân loại không thể sống mà không có toa lét - đấy là triết lý của chàng thơ họ Lại.

 

Năm 2008 này (5 năm khi hầm đường bộ Hải Vân khánh thành), “bạn hàng” của “chàng thơ” vẫn còn. Đấy là những chiếc xe chở đầy du khách. Lại Phiền Hà làm thơ nhưng cũng là người quyết đoán. Dù chưa có một dự án du lịch nào tận dụng giá trị thắng tích, nhân văn của đèo Hải Vân thì tự chàng đã lên kế hoạch xây thêm toa lét trên đỉnh đèo. Lại Phiền Hà còn mong mỏi được thầu công trình toa lét ở hai đầu hầm đường bộ. “Chàng thơ” không hiểu nổi vì sao người ta có thể làm được việc vĩ đại là khoan xuyên lòng núi, bật đèn sáng trưng cho xe cộ chui qua mà lại quên cái việc bé bỏng là xây ở hai đầu hầm hai... trung tâm toa lét.

 

Xa quê mấy năm, tôi về lại Hải Vân, ghé thăm chàng thi sỹ và nghe chàng rạng rỡ khoe: “Tôi giàu rồi bác ạ!”.

 

Đã đến lúc chàng thơ chẳng cần giấu diếm sự giàu có từ công việc không ai dám nghĩ, mà có nghĩ cũng không ai dám làm! Cơ nghiệp của Lại Phiền Hà không chỉ có toa lét. Sức vóc chàng lực điền đất Hà Nam và sự tảo tần vun quén của “Mắm đại ca” vốn sinh ra từ một làng quê cát trắng Quảng Nam, đã biến góc giang sơn đỉnh đèo thành chuỗi liên hiệp dịch vụ ngang tầm doanh nghiệp bề thế có vốn đầu tư hàng tỷ đồng. Lại Phiền Hà đang mơ giấc mơ trở thành  người giàu nhất Việt Nam từ công việc kinh doanh toa lét. Nghe đâu “Mắm đại ca” một lần nữa kịch liệt phản đối giấc mơ này bằng quyết định “ tách tình” lần hai. “Chàng thơ” không lấy đó làm buồn. Chàng thong thả lùa bầy bò - tài sản được tạm chia - xuống thung lũng. Tiền bán bò chắc sẽ được chàng đầu tư vào dự án toa lét nay mai... 

 

Dương Thanh Tùng

Thanh Tra