An Giang:
Phát triển ngành cá tra theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường
(Dân trí) - Có thể nói, ngành thủy sản An Giang có một năm thuận lợi khi sản lượng, chất lượng sản phẩm đều đạt yêu cầu, trong đó ngành cá tra chiếm ưu thế vượt trội. Năm 2019, An Giang tiếp tục phát triển ngành cá tra theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; Sản xuất đi liền với bảo vệ môi trường, phát triển ngành cá tra theo hướng bền vững.
Ngành cá tra phát triển ổn định
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản An Giang, diện tích nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh (tính đến 9/2018) hơn 1.200ha (bằng 122,86%) so cùng kỳ năm 2017. Ước diện tích nuôi cá tra được thu hoạch năm 2018 là 1.138 ha (bằng 113,61%), sản lượng cá tra 346 ngàn tấn (bằng 120,33%) so cùng kỳ năm 2017.
Điều đáng chú ý là diện tích nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn 408,7ha, trong đó tiêu chuẩn ASC là 101,66ha, tiêu chuẩn Global Gap 21,91ha, diện tích ao nuôi đạt theo chứng nhận VietGap đạt 285,13ha.
Diện tích sản xuất giống cá tra cũng tăng so với năm 2017, tính đến 9/2018 toàn tỉnh có 735 ha (bằng 128,54%); Số lượng con giống cá tra sản xuất là 1,4 tỷ con (bằng 124,75%) so cùng kỳ năm 2017. Diện tích sản xuất giống cá tra năm 2018 ước đạt 918 ha (128,38 %), ước sản lượng con giống cá tra sản xuất năm 2018 đạt khoảng 2,1 tỷ con (bằng 119,85%) so cùng kỳ năm 2017.
Về sản lượng xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm 2018 lượng đạt hơn 88.788 tấn, kim ngạch xuất khẩu 213,4 triệu USD so kế hoạch năm đạt 79%. Tình hình xuất khẩu cá tra bình quân vẫn đạt 10.000 tấn/tháng (bằng 97,47%) nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng đến 23,99% so cùng kỳ năm 2017.
Năm nay thị trường xuất khẩu cá tra có nhiều biến động, tuy nhiên các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì các thị trường vốn có, mặt khác chủ động tìm kiếm những thị trường mới, nhờ đó góp phần làm tăng thị trường xuất khẩu cá tra. Tính đến nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tỉnh An Giang xuất qua 80 nước, trong đó 31 nước Châu Á, 16 nước Châu Mỹ, 20 nước Châu Âu, 8 nước Châu Phi và 4 nước châu Đại Dương, trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường có sản lượng chiếm tỷ trong cao nhất.
Theo ngành nông nghiệp An Giang, cho biết, với những tín hiệu thị trường lạc quan về ngành cá tra trong thời gian qua người nuôi cá tra rất phấn khởi. Tuy nhiên tỉnh An Giang vẫn định hướng phát triển nuôi cá tra phải theo quy hoạch, chú trọng đến chất lượng sản phẩm cũng như nuôi phải có liên kết để đảm bảo đầu ra ổn định.
Ngoài ra, tiếp tục công tác thanh tra kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, cơ sở nuôi thủy sản nhằm từng bước nâng cao ý thức của các cơ sở trong việc đảm bảo điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm sản xuất góp phần nâng cao chất lượng giống, chất lượng nuôi thương phẩm phục vụ cho việc chế biến sản phẩm thủy sản.
Phát triển ngành cá tra theo hướng bền vững
Sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm cá tra, nông dân tiếp cận được thông tin về thị trường thông qua kênh dự báo thị trường của doanh nghiệp về giá cả, chủng loại sản phẩm, nhu cầu, xu hướng tiêu thụ, biến động thị trường, yêu cầu chất lượng sản phẩm để kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp và người sản xuất.
Thực hiện tập huấn hướng dẫn quy trình nuôi cá tra thương phẩm theo các tiêu chuẩn chất lượng, chất lượng GlobalGAP, ASC, VietGAP, sử dụng con giống cá tra từ hệ thống cung cấp giống 3 cấp đảm bảo cung cấp cá tra nguyên liệu chất lượng cho chế biến xuất khẩu đáp ứng theo yêu cầu các nước nhập khẩu từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cá tra xuất khẩu trên thị trường thế giới.
Vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản thành lập chuỗi cung ứng sản xuất sản phẩm cá tra gắn kết từ sản xuất giống đến chế biến xuất khẩu, các công đoạn đều phải được đào tạo huấn luyện nuôi an toàn và chất lượng, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện đồng bộ và gắn kết các khâu trong chuỗi sản xuất đảm bảo chất lượng từ khâu sản xuất giống đến sản phẩm chế biến xuất khẩu.
Hỗ trợ các vùng nuôi của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chứng nhận nuôi an toàn theo các tiêu chuẩn chất lượng, gắn kết với các hộ nuôi thủy sản theo hình thức chuỗi liên kết nhằm từng bước tăng diện tích nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn an toàn của tỉnh đồng thời ổn định sản xuất góp phần phát triển thủy sản tỉnh An Giang bền vững.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp An Giang cũng cho rằng, để phát triển ngành cá tra theo hướng bền vững cần có những giải pháp về ứng dụng công nghệ cao trong đó công tác đào tạo nguồn nhân lực nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho cán bộ và nông dân trong tỉnh, tổ chức tham quan học tập ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Phát triển tăng diện tích nuôi cá tra áp dụng các tiêu chuẩn an toàn chất lượng tăng giá trị sản phẩm cá tra đáp ứng ngày càng tăng theo yêu cầu thị trường của các nước nhập khẩu cá tra.
Phối hợp với các Viện, trường Đại học nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến lãnh vực môi trường, dịch bệnh trên cơ sở tiếp nhận các kết quả nghiên cứu phổ biến cho nông dân nhằm từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất đảm bảo được lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cho nông dân.
An Giang là tỉnh được Bộ NN và PTNT triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu long“. Tính đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể An Giang đã thành lập được 2 chi hội sản xuất giống cá tra gồm: Chi hội sản xuất giống AFA với 22 hội viên tham gia, tổng diện tích ương nuôi giống là 69,12 ha; Chi hội sản xuất cá giống huyện Châu Phú với tổng số 16 hội viên, tổng diện tích tham gia 31,8 ha. Năng lực cung cấp khoảng 800 triệu con giống/năm.
Hiện tại tỉnh An Giang đã xây dựng được 4 chuỗi liên kết với Viện II là đơn vị cung cấp cá bố mẹ; Trung tâm Giống thủy sản An Giang là đơn vị cung cấp cá bột liên kết với đơn vị ương giống (2 chi hội sản xuất giống) và đơn vị bao tiêu cá giống (Công ty Agifish, công ty IDI, công ty phát triển Lộc Kim Chi).
Nhằm triển khai thực hiện đề án giống cá tra 3 cấp 25/9/2018 UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt vùng nuôi thủy sản tập trung tham gia theo Quyết định số 2353 phê duyệt “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đến 2020 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Nguyễn Hành