Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung kêu gọi không sử dụng sừng tê giác

(Dân trí) - Thông tin từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, năm 2014, số lượng tê giác bị giết hại cao nhất trong lịch sử với 1.215 cá thể tê giác bị giết hại tại Nam Phi để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung kêu gọi người Việt Nam không sử dụng sừng Tê giác.


Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung kêu gọi người Việt Nam không sử dụng sừng Tê giác.

Ngày 3/3 (ngày Động vật hoang dã thế giới), ENV ra mắt một thông điệp truyền thông mới với sự tham gia của Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung nhằm kêu gọi người Việt Nam không nên sử dụng sừng tê giác để thể hiện sự giàu có hay đẳng cấp cá nhân.

Trong đoạn phim ngắn, Chí Trung vào vai người đàn ông giàu có muốn gây ấn tượng với một cô gái xinh đẹp bằng xế xịn, trang sức đắt tiền và một chiếc sừng tê giác. Tuy nhiên, trái ngược với kì vọng của người đàn ông, cô gái khẳng định: “Sừng tê giác không làm anh ấn tượng hơn, đặc biệt là đối với tôi”.

Theo ENV, nạn buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác đã và đang là một vấn đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Năm 2014 là năm có số lượng tê giác bị giết hại cao nhất trong lịch sử với 1.215 cá thể tê giác bị giết hại tại Nam Phi để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Một con tê giác sống trong tự nhiên tại Nam Phi. (Ảnh do ENV cung cấp).


Một con tê giác sống trong tự nhiên tại Nam Phi. (Ảnh do ENV cung cấp).

ENV cho biết thêm, nhiều người Việt Nam đã bị bắt giữ trên thế giới vì tham gia vào các vụ buôn lậu sừng tê giác. Điển hình, tháng 10 năm 2014, hai người Việt Nam đã bị bắt giữ tại sân bay Johannesburg (Nam Phi) với tang vật là 18 chiếc sừng tê giác có tổng trọng lượng lên tới 41kg.

Những vụ việc như vậy đã khiến cộng đồng quốc tế có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với Việt Nam bởi họ cho rằng chính người Việt Nam đã khiến cho tình hình giết hại tê giác tại các quốc gia khác trở nên tồi tệ hơn.

Tuấn Hợp