Khai thác gỗ hợp pháp: Cần thay đổi nhận thức của người dân
(Dân trí) - Khi VN ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) với EU, hộ sản xuất và trồng rừng quy mô nhỏ sẽ dễ bị tổn thương nhất. Muốn nâng cao việc sử dụng gỗ hợp pháp, cần thay đổi nhận thức của các bên liên quan, từ người sản xuất đến người tiêu dùng.
Đó là khẳng định của TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của tổ chức Forest Trends, khi trao đổi với PV về một số đánh giá về tác động tiềm tàng của VPA đến hộ sản xuất nhỏ và hộ trồng rừng.
Theo ông Phúc, trong khuôn khổ của Kế hoạch hành động Thực thi Lâm Luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) được khởi xướng bởi Liên minh châu Âu (EU) có mục tiêu nhằm bảo đảm thương mại gỗ hợp pháp, góp phần vào quản trị rừng bền vững, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn cuối của quá trình đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) với EU.
Chính phủ Việt Nam có kế hoạch kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định VPA vào cuối năm nay, xin ông chia sẻ một số nội dung cơ bản của Hiệp định này?
VPA là một hiệp định đối tác tự nguyện nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam - là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ vào thị trường EU - đẩy mạnh quản trị rừng bền vững thông qua cải thiện quá trình thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản.
Nếu Chính phủ Việt Nam ký VPA với EU thì Chính phủ phải đưa ra các cơ chế nhằm tuân thủ các điều khoản của Hiệp định này. Cụ thể, Việt Nam cần cải thiện hệ thống chính sách và cơ chế có liên quan, tổ chức và kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhằm thực hiện các hệ thống chính sách một cách minh bạch và hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ phải xây dựng và vận hành các hệ thống kỹ thuật để đảm bảo rằng gỗ được sản xuất và lưu thông trong toàn bộ chuỗi cung (từ khai thác đến lưu thông) là hoàn toàn hợp pháp. Hợp pháp ở đây được hiểu là sự tuân thủ theo đúng và đủ các chính sách luật pháp có liên quan của Việt Nam, được EU công nhận.
Sau khi VPA được ký thì Chính phủ sẽ thiết lập và đưa vào vận hành Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ, hay còn gọi là TLAS, theo đó hệ thống này sẽ đảm bảo tất cả các sản phẩm gỗ lưu thông tại thị trường Việt Nam cũng thị trường xuất khẩu là sản phẩm hợp pháp. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ xây dựng quy trình nhằm cấp phép FLEGT cho các sản phẩm gỗ hợp pháp sẽ được xuất khẩu vào thị trường EU. Với các sản phẩm gỗ được cấp phép FLEGT, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu và lưu thông các sản phẩm này tại thị trường EU.
Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi mà VPA có thể đem lại cho ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là đối với cơ sở chế biến nhỏ và các hộ trồng rừng?
Việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống TLAS sẽ có những tác động rất lớn tới toàn bộ các bên tham gia vào chuỗi cung, trong đó bao gồm các cơ sở chế biến gỗ quy mô hộ gia đình và hộ trồng rừng.
Đối với các cơ sở chế biến nhỏ: Hiện Việt Nam có hàng vạn hộ gia đình tham gia vào chế biến và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ. Các hộ này tập trung với số lượng lớn tại các làng nghề gỗ truyền thống, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ này thường đa dạng, về cả về quy mô, chủng loại mẫu mã sản phẩm, tay nghề, lao động, thị trường đầu ra và tác động đối với môi trường. Nhiều hộ trong số này hiện chưa quan tâm đúng mức đến tính hợp pháp khi sử dụng gỗ làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của mình. Điều này không chỉ là do hộ còn thờ ơ đối với vấn đề này, mà còn bởi những người tiêu thụ các sản phẩm này chưa thực sự quan tâm đến việc sản phẩm mà mình mưa có hợp pháp hay không. Việc thiết kế và vận hành hệ thống nhằm đảm bảo các hộ hiện đang tham gia vào chế biến và thương mại gỗ tuân thủ được các yêu cầu của Nhà nước về tính hợp pháp của gỗ, trong đó bao gồm cả việc tuân thủ những quy định về xã hội và môi trường sẽ gặp phải không ít khó khăn. Đơn giản bởi từ trước đến nay hầu hết các hộ chưa thực hiện theo các yêu cầu này. Bên cạnh đó, tuân thủ các quy định mà Nhà nước đã ban hành, và các quy định mới sau khi VPA được ký kết có thể đồng nghĩa với việc phát sinh thêm các chi phí mới cho các hộ, bao gồm cả các chi phí về tài chính và thời gian, và như vậy chắc chắn nhiều hộ hiện chưa sẵn sàng để làm việc này.
Tương tự như vậy đối với hộ trồng rừng. Có thể nói nguồn gỗ rừng trồng của hộ hầu hết là hợp pháp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là hộ có bằng chứng gì để minh chứng điều này? Gỗ hợp pháp đòi hỏi hộ phải có quyền hợp pháp đối với đất và cây trồng trên đất, và điều quan trọng là hộ cần có các bằng chứng pháp lý rõ ràng chứng minh tính hợp pháp của mình đối với cả đất và cây mình trồng trên đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ (hay còn gọi là sổ đỏ) là bằng chứng quan trọng xác nhận tính hợp pháp của hộ đối với đất. Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện còn khoảng 30% trong tổng số hộ đã được giao đất, tương đương với khoảng trên 400.000 hộ, hiện vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Điều này có nghĩa là các hộ này sẽ gặp phải khó khăn trong việc minh chứng mình là chủ đất hợp pháp đối với mảnh đất được giao. Bên cạnh đó, sổ đỏ tuy quan trọng như chưa đủ đối với hộ; để đảm bảo gỗ rừng trồng của hộ là hợp pháp hộ cũng cần phải có thêm các bằng chứng khác như xác nhận của chính quyền địa phương hoặc kiểm lâm địa bàn về tính hợp pháp của gỗ được trồng trên đất của mình. Hộ cũng có thể gặp phải khó khăn tại nếu chính quyền địa phương gây phiền hà hoặc nhũng nhiễu trong việc xác nhận tính hợp pháp đối với nguồn gỗ rừng trồng của hộ.
Để nâng cao việc sử dụng gỗ hợp pháp, góp phần tăng cường quản trị rừng hiệu quả, điều quan trọng không chỉ là thay đổi về các yêu cầu pháp lý có liên quan và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu này, mà còn là thay đổi nhận thức của các bên liên quan, bao gồm nhóm các hộ gia đình nêu trên, chính quyền địa phương, và cả những người trực tiếp tiêu dùng các sản phẩm gỗ như chúng ta. Nhận thức không thể thay đổi được trong ngày một ngày hai. Do vậy, việc ban hành và thực hiện những yêu cầu pháp lý hiệu quả cần phải được tiến hành song song với nâng cao nhận thức cho các bên liên quan.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Nguyên An