Biến đổi khí hậu “làm khó” các đô thị

(Dân trí) - Theo Cụm đô thị Tây Nam Bộ, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một nghiêm trọng và chịu ảnh hưởng nhiều nhất là vùng đồng bằng sông nước nói chung, đặc biệt là các đô thị.

Cụm đô thị Tây Nam Bộ (các thành phố, thị xã thuộc 13 tỉnh, thành ĐBSCL) vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018, diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu.

Tại hội nghị, theo các địa phương, đô thị dù với quy mô nào đều có thể xem là một tổ chức quần cư, đô thị càng lớn độ phức tạp càng nhiều. Ngoài các điều kiện về tự nhiên, chính trị,… đô thị muốn phát triển bền vững thì phải có sinh kế bền vững, dân số gia tăng bền vững.

Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng, bởi luôn gặp những hạn chế cơ bản đó là nguồn lực, năng lực quản lý điều hành, cũng như tình trạng xuất cư tìm sinh kế trong nhiều năm qua còn phổ biến trong khu vực ĐBSCL.

Tình hình biến đổi khí hậu, trong đó mưa lớn kết hợp thủy triều dâng đã, đang và sẽ là một thách thức đối với các đô thị ở ĐBSCL.
Tình hình biến đổi khí hậu, trong đó mưa lớn kết hợp thủy triều dâng đã, đang và sẽ là một thách thức đối với các đô thị ở ĐBSCL.

Theo Cụm đô thị Tây Nam Bộ, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một nghiêm trọng và chịu ảnh hưởng nhiều nhất là vùng đồng bằng sông nước nói chung, đặc biệt là các đô thị.

Cụ thể là những thiên tai xảy ra hàng năm và gây ra những hệ quả bất lợi, ảnh hưởng đến người dân trong khu vực như lũ lụt, hạn hán, sạt lở,… Nhìn chung, hệ thống thoát nước được các đô thị quan tâm nhưng vẫn chưa thật sự hoàn thiện nên khi mưa kết hợp triều cường sẽ gây ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân đô thị.

Như TP Cần Thơ hiện nay mưa nhiều kết hợp triều cường còn gây ngập lụt cục bộ ở một số điểm trong nội ô gây ùn tắt lưu thông; hay như TP Cà Mau nhà ở ven sông, rạch trên địa bàn còn lớn nên vẫn còn việc xả rác, nước thải sinh hoạt thẳng ra sông gây ô nhiễm môi tường;…

Bên cạnh đó, không gian công cộng chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù trong cấu trúc không gian đô thị, không gian công cộng là một thành phần không thể thiếu, là nơi thể hiện tính nhân văn và sự phát triển văn minh đô thị.

“Một số loại hình không gian mở cho cộng đồng cũng đã được triển khai tại các đô thị như phố đi bộ, chợ đêm, đường hoa, khu mua sắm,… Tuy nhiên, các không gian này đôi khi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chưa thực sự đóng vai trò là không gian sinh hoạt cộng đồng, mà chỉ là không gian sản xuất, kinh doanh mua bán của người dân đô thị”, báo cáo của Cụm đô thị Tây Nam Bộ nhìn nhận.

Quảng trường Hùng Vương (TP Bạc Liêu), một trong những quảng trường được xem là lớn nhất ĐBSCL hiện nay.
Quảng trường Hùng Vương (TP Bạc Liêu), một trong những quảng trường được xem là lớn nhất ĐBSCL hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Như Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, khẳng định, hội nghị Cụm đô thị Tây Nam Bộ là cơ hội tốt để các địa phương học tập kinh nghiệm phát triển từ các địa phương trong khu vực ĐBSCL, qua đó tạo mối liên kết vùng để phát triển bền vững.

“Với sự liên kết của các đô thị cả nước nói chung và Cụm đô thị Tây Nam bộ nói riêng, TP Bạc Liêu đang phát triển mạnh mẽ với những công trình hiện đại, mang tầm cỡ nhưng vẫn giữ được một vóc dáng của một đô thị có nét xưa, cổ kính,… nhằm hướng tới là đô thị trung tâm kết nối của Cụm đô thị Tây Nam Bộ”, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu kỳ vọng.

Cụm trưởng Cụm đô thị Tây Nam Bộ (đơn vị TP Cần Thơ) cho biết, với những khó khăn hạn chế nói trên, năm 2018, Cụm đô thị Tây Nam Bộ tiếp tục cùng Hiệp hội đô thị Việt Nam tìm giải pháp tháo gỡ. Trong đó, kiến nghị tổ chức những hội thảo, chuyên đề quan tâm đến biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, cảnh quan đô thị,…

Tại hội nghị, Cụm đô thị Tây Nam Bộ cũng thông qua việc kết nạp 2 đô thị mới là thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) và thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu), nâng tổng số hội viên đô thị Tây Nam Bộ lên 28/28 đô thị. Bên cạnh đó, trong thời gian tới cũng sẽ vận động huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tham gia là thành viên Cụm đô thị Tây Nam Bộ.

Huỳnh Hải