1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:

Xuyên rừng đi hái ngũ vị tử, dân rủng rỉnh bỏ túi tiền triệu mỗi ngày

CTV

(Dân trí) - Tháng 9 hàng năm, người dân xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) rủ nhau vào rừng hái quả ngũ vị tử. Nhờ "lộc rừng" này, bà con kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Ngũ vị tử là một loại dây leo thân gỗ, dài 3-5m. Quả chín mọc thành từng chùm, chín rộ khoảng tháng 9 hàng năm. Người dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho rằng quả có tên gọi ngũ vị tử vì có 5 vị: mặn, ngọt, chua, cay và đắng.

Cây thường mọc ở khu vực giáp ranh rừng non và rừng già. Từ xưa, người dân thường hái quả về ăn, sau này, bán cho thương lái thu mua về làm gia vị, thuốc.

Xuyên rừng đi hái ngũ vị tử, dân rủng rỉnh bỏ túi tiền triệu mỗi ngày - 1

Mùa quả ngũ vị tử đang chín rộ ở huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum (Ảnh: A Dũng).

Trên thị trường, sản phẩm của cây ngũ vị tử đều có nguồn gốc tự nhiên. Giá của quả ngũ vị tử thường ổn định 10.000-15.000 đồng/kg. Mỗi năm, ngũ vị tử ra quả một lần nên người dân Kon Tum tranh thủ hái về bán.

Bà con thường tập trung nhóm khoảng 5-7 người đi bộ xuyên rừng tìm kiếm ngũ vị tử, với một số công cụ thô sơ như dao.

Xuyên rừng đi hái ngũ vị tử, dân rủng rỉnh bỏ túi tiền triệu mỗi ngày - 2

Cây ngũ vị tử trường mọc ở vùng giáp ranh giữa rừng non và rừng già (Ảnh: A Dũng).

Chị Y Diên (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) cho biết: "Đầu tháng 9, gia đình tôi thường cùng bà con trong làng vào rừng để tìm quả ngũ vị tử. Ngày xưa, quả nhiều nên mỗi chuyến đi hái quả được cả gùi lớn. Sau này, người dân phải đi sâu trong rừng để tìm kiếm.

Nếu gặp những cây lớn, tôi có thể thu về cả 1 tạ. Thương lái đang thu mua với giá 10.000-12.000 đồng/kg. Với giá này, gia đình có thể thu về từ 500.000 đồng đến cả triệu đồng mỗi ngày. Hái quả ngũ vị tử không quá khó khăn, chỉ khi gặp những cây cao, tôi mới phải leo trèo", chị Diên bộc bạch.

Xuyên rừng đi hái ngũ vị tử, dân rủng rỉnh bỏ túi tiền triệu mỗi ngày - 3

Mỗi ngày, người dân bỏ túi đến cả triệu đồng từ việc hái quả ngũ vị tử trong rừng (Ảnh: A Dũng).

Mỗi ngày, chị Y Gia Nhi (chủ tiệm Dược liệu Y Gia Nhi, xã Đăk Na) thu mua vài tạ quả ngũ vị tử. Sau đó, chị sẽ bán lại cho các cơ sở, hợp tác xã chế biến gia vị, thuốc từ loại quả này.

Chị cũng để dành một phần dùng chế biến thành đồ uống để phục vụ cho người dân và khách du lịch.

Vào những ngày nghỉ, anh A Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Na, cùng bà con lên rừng tìm quả ngũ vị tử, để kiếm thêm thu nhập và làm các loại nước uống, dược liệu cho gia đình sử dụng. 

Anh Dũng bộc bạch: "Tôi là người bản địa nên hiểu rõ công dụng của quả ngũ vị tử. Thời gian rảnh, tôi thường cùng bà con lên rừng hái quả, mỗi ngày hái được 25kg.

Xuyên rừng đi hái ngũ vị tử, dân rủng rỉnh bỏ túi tiền triệu mỗi ngày - 4

Anh A Dũng, Phó Chủ tịch xã Đắk Na, cùng bà con đi hái quả ngũ vị tử và hướng dẫn người dân vừa thu hoạch vừa bảo vệ nguồn lợi bền vững từ rừng (Ảnh: A Dũng).

Anh Dũng vừa cùng người dân đi hái quả, vừa hướng dẫn bà con cách thu hái gắn với công tác quản lý, bảo vệ cây ngũ vị tử và bảo vệ rừng; phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu cho cây ngũ vị tử. Qua đó, giúp cho bà con thêm nguồn thu từ nguồn lâm sản phụ này.

Thái Nam