1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Bạc Liêu":

Xuất khẩu lao động: Thu nhập khá nhưng... không dễ đi

(Dân trí) - Những thị trường việc làm có mức thu nhập ổn định nhưng tiêu chuẩn cao khiến người lao động khó đáp ứng, chi phí đóng hợp đồng cao trong khi tiền vay còn thấp, vốn vay cao nhưng không có tài sản thế chấp… là những khó khăn mà người lao động ở Bạc Liêu gặp phải khi đi xuất khẩu lao động.

Lương hấp dẫn...

Theo Sở LĐ-TB&XHXH tỉnh Bạc Liêu, năm 2018, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh ký thỏa thuận với 14 công ty để cung ứng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các nước, như: Nhật Bản, Đài Loan, Ả Rập Xê Út,…

Tổng số lao động đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài là 402 người, tại: Thị trường Nhật Bản có 96 lao động, Hàn Quốc có 91 lao động, Đài Loan có 116 lao động, Malaysia có 4 lao động và các nước khác là 32 lao động.

Thu nhập bình quân của người lao động tại Nhật Bản là 32 triệu đồng/người/tháng, Hàn Quốc là 25 triệu đồng/người/tháng, Đài Loan từ 18-20 triệu đồng/người/tháng, Malaysia từ 8-12 triệu đồng/người/tháng,...

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các ban, ngành, địa phương có người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc rà soát, vận động những gia đình có con, em đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn khi hết hợp đồng lao động.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã hỗ trợ chi phí không hoàn lại và hỗ trợ vay vốn cho một số đối tượng lao động với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Xuất khẩu lao động: Thu nhập khá nhưng... không dễ đi - 1

Người lao động vùng nông thôn Bạc Liêu. (Ảnh minh họa)

... nhưng còn nhiều khó khăn

Theo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Qua công tác XKLĐ tại huyện Đông Hải, Sở LĐ-TB&XH ghi nhận tình trạng "nhiễu" thông tin, do việc đăng ký đi XKLĐ ngoài luồng, không qua các kênh chính thống. Cụ thể: Nhiều thông tin về việc người lao động bị mất việc, gặp rủi ro, phải về nước trước hạn vì việc làm không ổn định, thu nhập thấp,... đã gây tâm lý hoang mang cho người lao động địa phương.

Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu chưa có doanh nghiệp tại địa phương hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Công tác XKLĐ chủ yếu do doanh nghiệp ngoài tỉnh tiếp cận và triển khai nên công tác quản lý, chỉ đạo đối còn khó khăn.

Theo Phòng LĐ-TB&XH  Hòa Bình, người lao động phải tham gia học ngoại ngữ, học nghề và chờ phỏng vấn với thời gian khá dài, thậm chí có lao động phải chờ từ 8 tháng đến 1 năm mới được phỏng vấn và trúng tuyến. Sau khi trúng tuyển, việc lập hồ sơ mất từ 4-6 tháng mới được xuất cảnh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của lao động.

Trong khi đó, số lao động tự đi tìm việc ở nước ngoài qua sự giới thiệu thân nhân sẽ nhanh hơn. Trong vòng từ 3-4 tháng, họ được xuất cảnh, thời gian này không tốn chi phí học tiếng.

Còn theo báo cáo của huyện Vĩnh Lợi, số người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm chủ yếu từ 35 tuổi trở lên, không thuộc nhóm lao động các nước cần tuyển. Nhu cầu tuyển dụng bên phía tuyển dụng về độ tuổi so với độ tuổi lao động chủ yếu là lao động trẻ từ 19 đến 30 tuổi.

Khảo sát tại huyện Vĩnh Lợi, nguồn lao động tại địa phương đa phần không có trình độ tay nghề, không có kỹ năng làm việc trong môi trường nước ngoài. Đa số các đối tượng là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nên khi có nhu cầu đi XKLĐ thì phải tham gia học nghề 6-8 tháng tại công ty.

Những người này thường là lao động chính của gia đình. Khi tham gia học nghề và tốn chi phí, phía gia đình lại mất nguồn thu để chi tiêu, từ đó dẫn đến lao động e ngại không tham gia học nghề.

Xuất khẩu lao động: Thu nhập khá nhưng... không dễ đi - 2

Công tác xuất khẩu lao động của tỉnh Bạc Liêu đạt nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, nhiều lao động có nguyện vọng đi làm việc ở các nước có mức thu nhập ổn định, như: Nhật Bản, Hàn Quốc,… nhưng các thị trường này đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Người lao động đa phần là đối tượng nghèo, cận nghèo khó đáp ứng được các điều kiện đưa ra.

Về hỗ trợ vốn vay cho 5 nhóm đối tượng (hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp), Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu cho biết, năm 2018, Trung ương không phân bổ kinh phí cho vay, thay vào đó là nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng chỉ xem xét cho vay đối với hộ nghèo và người dân tộc thiểu số với số tiền 50 triệu đồng/lao động qua hình thức tín chấp. Trường hợp trên 50 triệu đồng, người lao động phải có tài sản thế chấp.

Do đó, trong quá trình tiếp cận vốn vay nói trên còn gặp khó khăn. Trong khi nguồn vốn ủy thác của tỉnh ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội còn chậm, nên người lao động tiếp cận nguồn vốn này còn rất thấp.

Đối với các đối tượng khác, theo Nghị quyết 17/2017 của HĐND tỉnh Bạc Liêu, người lao động vay 80% chi phí theo hợp đồng tại Ngân hàng NN&PTNT. Tuy nhiên năm 2018 chưa có lao động nào tiếp cận được.

Lý do là không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo không đáp ứng theo quy định, hồ sơ thủ tục phức tạp, phía ngân hàng chưa quan tâm cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc diện này.

Ngoài ra, người lao động vay 20%, còn lại là từ nguồn vốn ủy thác của tỉnh. Tuy nhiên, nguồn vốn này phân bổ còn chậm, số tiền vay chỉ 20% so với tổng chi phí trên hợp đồng là rất thấp. Trung bình chi phí người lao động phải đóng cho mỗi hợp đồng để đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan từ 100-120 triệu đồng, nên từ đó người lao động còn gặp khó khăn trong chi phí để xuất cảnh.

Đối với lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo hợp đồng, trong năm 2018 không tiếp cận nguồn vốn vay ký quỹ 100 triệu đồng/lao động, nên người lao động phải vay từ các tổ chức tín dụng bên ngoài nên gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, chỉ tiêu hỗ trợ vốn vay và chi phí không hoàn lại cho các đối tượng khác theo Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh chỉ có 20% so với chỉ tiêu kế hoạch năm (300 lao động) rất thấp, vì số đối tượng này tham gia cũng như có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng rất nhiều mà chưa được hỗ trợ nên chưa tạo được động lực khuyến khích cho đối tượng này.

Còn tiếp…

Huỳnh Hải