Xót ruột những ghe, xuồng phơi mình mục nát ở làng nghề nổi danh miền Tây

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Vào những năm 1980, xóm đóng ghe, xuồng rạch Bà Đài (Đồng Tháp) vang danh khắp miền Tây vì mỗi năm xuất bến hàng nghìn chiếc, nhưng nay nghề đã mai một.

Thời ăn nên làm ra

Những ngày mùa nước nổi tràn đồng, PV Dân trí theo chân cán bộ xã Long Hậu (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đến rạch Bà Đài tìm hiểu làng nghề đóng ghe xuồng có hơn 100 năm tuổi, độc nhất miền Tây.

Nhiều người dân sống tại rạch Bà Đài cho biết, nghề đóng ghe, xuồng  "ăn nên làm ra" khi mùa nước nổi về. Tuy nhiên, theo con nước ròng, đi từ đầu tới cuối con rạch, cảnh tượng khá bất ngờ là làng nghề trăm tuổi này chỉ có 5-7 hộ đang có hoạt động đóng ghe xuồng.

Xót ruột những ghe, xuồng phơi mình mục nát ở làng nghề nổi danh miền Tây - 1

Dù giữa mùa nước nổi nhưng ở làng nghề đóng ghe, xuồng nổi tiếng miền Tây không còn không khí lao động tất bật như "thời hoàng kim".

Ông Nguyễn Văn Tốt, ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, có hơn 40 năm gắn bó với nghề đóng ghe xuồng nhưng nay cũng đổi nghề.

Ông Tốt biết đóng ghe, xuồng từ năm 15 tuổi. Những năm 1980 - 1990, cả làng có hơn 200 hộ sống bằng nghề đóng ghe, xuồng. Thời điểm đó, cả làng chong đèn làm đến nửa đêm, tiếng búa, tiếng xẻ gỗ vang khắp xóm.

Đặc biệt, vào những tháng nước nổi về (tháng 7 đến tháng 9 âm lịch), mỗi ngày rạch Bà Đài xuất bán hàng trăm chiếc xuồng cho người dân khắp các tỉnh miền Tây.

Nghề đóng ghe, xuồng làng Bà Đài trước nguy cơ mai một

Cũng theo lời ông Tốt, từ năm 2000 tới nay, đường sá giao thông phát triển, các địa phương đều làm đê bao sản xuất lúa vụ 3 nên nhu cầu sử dụng xuồng, ghe giảm dần. Đặc biệt, xuồng composite (nhựa) xuất hiện đã "giết dần" nghề đóng ghe xuồng rạch Bà Đài, Đồng Tháp.

Xót ruột những ghe, xuồng phơi mình mục nát ở làng nghề nổi danh miền Tây - 2

Ông Nguyễn Văn Tốt có hơn 40 năm theo nghề đóng ghe xuồng đành chuyển hướng làm phương tiện nhỏ, mô hình phục vụ các điểm du lịch.

Xót ruột những ghe, xuồng phơi mình mục nát ở làng nghề nổi danh miền Tây - 3

Ông Nguyễn Văn Tốt vừa hoàn thành chiếc xuồng mô hình. Đây là ông cách lưu giữ nghề đóng ghe, xuồng vang danh rạch Bà Đài.

Ông Tốt chia sẻ, gia đình có 2 đời sống bằng nghề đóng ghe, xuồng nhưng 10 năm trước, thấy không sống nổi với nghề, gia đình đã chuyển qua nghề đóng ghe, xuồng mô hình bán cho các nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch để trưng bày.

"Đây là cách tôi có thể giữ lại hình ảnh các phương tiện giao thông đường thủy đặc trưng miền Tây để các cháu nhỏ sau này còn biết đến những chiếc xuồng Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre… mà ông cha đã gắn bó" - ông Tốt nói.

Còn anh Hồ Văn Kiệt, ở xã Long Hậu, cho biết, trước đây chuyên đóng xuồng và đóng ghe chài lớn. Những năm gần đây, gia đình chuyển qua đóng ghe, xuồng nhỏ. Ban đầu anh xuất bán trên 600 chiếc/năm, hiện tại quy mô thu lại, chỉ còn 200 chiếc. Vì thế, số thợ, nhân công tại cơ sở của anh chỉ còn lại vài người làm công nhật.

Ghe lớn nằm bờ mục nát

Dọc theo rạch Bà Đài có thể thấy không ít những cơ sở đóng ghe xuồng đóng cửa. Hàng chục ghe chài lớn (tải trọng 30-40 tấn) đang "mắc kẹt" trên bờ, nằm phơi nắng mưa, có chiếc đã bị mối mọt xông mục hết.

Theo anh Hồ Văn Kiệt, rạch Bà Đài hiện có khoảng 20 ghe nằm bờ. Số ghe này một phần do người dân bán không được, phần lớn còn lại là do vướng thủ tục đăng ký, đăng kiểm theo quy định mới, không thể đưa vào khai thác.

Xót ruột những ghe, xuồng phơi mình mục nát ở làng nghề nổi danh miền Tây - 4

Do bán không được nên tại làng đóng ghe, xuồng Bà Đài có khoảng 20 chiếc ghe chài lớn phải nằm bờ, phơi nắng mưa như thế này.

Xót ruột những ghe, xuồng phơi mình mục nát ở làng nghề nổi danh miền Tây - 5

Hai chiếc ghe lớn của anh Hồ Văn Kiệt đã nằm bờ hơn 10 năm, nay bắt đầu có dấu hiệu mối mọt, hư hỏng.

Anh Kiệt kể, cách đây gần 10 năm, anh kết hợp với một chủ doanh nghiệp gỗ đóng 2 chiếc ghe chài lớn, một chiếc 30 tấn và một chiếc 40 tấn. Khi ghe hoàn thành, ngành chức năng không cho đăng ký biển số vì ghe đóng sai quy cách về chiều dài, độ dày của ván. Vì chiếc ghe đã hoàn thành, không thể tháo ra sửa lại nên anh đành để ngoài sân, mặc nắng mưa mục nát.

Theo anh Kiệt, để hoàn thành chiếc ghe có tải trọng 20-40 tấn, tiền gỗ, tiền công thợ… từ 200-600 triệu đồng. Do đó, hộ nào tự bỏ tiền mua gỗ đóng ghe, khi bán không được, lỗ vài trăm triệu đồng là chuyện khó tránh.

Xót ruột những ghe, xuồng phơi mình mục nát ở làng nghề nổi danh miền Tây - 6

Những cơ sở còn hoạt động, chủ yếu đóng xuồng bán cho các điểm du lịch, phục vụ vuông nuôi tôm, cá.

Xót ruột những ghe, xuồng phơi mình mục nát ở làng nghề nổi danh miền Tây - 7

Dù mỗi chiếc xuồng như thế này có giá chỉ bằng 1/3 xuồng composite nhưng khó cạnh tranh.

Ông Trần Văn Thanh - cán bộ văn hóa xã Long Hậu cho biết, hiện làng đóng ghe xuồng chỉ còn trên dưới 20 hộ làm nghề. Từ nhiều năm qua, các xưởng không có đơn hàng đặt đóng ghe xuồng nên nhiều hộ đóng cửa hoặc chuyển qua xẻ gỗ làm cột võng, cung cấp cho các tỉnh Đông Nam Bộ. Cả làng chỉ còn vài hộ đóng ghe xuồng cung cấp cho các điểm tham quan du lịch, vuông nuôi tôm, cá là chính.

Trước thực trạng làng nghề đóng ghe, xuồng Bà Đài đang dần mai một, chính quyền địa phương đã báo cáo với ngành chức năng để có kế hoạch duy trì, phát triển nghề truyền thống. Còn hiện tại, địa phương đã thành lập Tổ đóng ghe, xuồng nghệ thuật (ghe, xuồng mô hình thu nhỏ) để phục vụ du lịch.

Làng nghề đóng ghe, xuồng rạch Bà Đài, xã Long Hậu thuộc huyện Lai Vung đã hình thành hơn 100 năm tại xóm rạch Bà Đài, ấp Long Hòa. Đến 2005, Bà Đài được công nhận là làng nghề truyền thống và cuối năm 2014 tiếp tục được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.