1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Xin nghỉ hưu, rút tiền một "cục": Cảnh báo tác động hai chiều

Sự tác động hai chiều như vậy sẽ khiến cho quỹ hưu trí bị giảm đi rất nhanh

Tác động từ chính sách

Hiện tượng nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ gây áp lực rất lớn tới quỹ hưu trí - PGS.TS. Nguyễn Văn Định - Nguyên Trưởng Bộ môn Kinh tế Bảo hiểm, Khoa Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cảnh báo.

Xin nghỉ hưu, rút tiền một "cục": Cảnh báo tác động hai chiều - 1

Vị PGS cho biết, theo quy định nếu người lao động (NLĐ) nghỉ hưu trước 2017, với lao động nữ, có 15 năm đóng BHXH được hưởng 45% lương và mỗi năm đóng BHXH thêm được cộng 3%; nhưng sau 1/1/2018, mỗi năm đóng thêm chỉ được cộng 2%. Với lao động nam, trước 1/1/2018 chỉ cần đóng BHXH 15 năm đã được hưởng 45% lương, nhưng nghỉ hưu vào năm 2018 cần đóng BHXH 16 năm mới được 45% lương.

Nếu nghỉ hưu trước tuổi, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

Đây được coi là nguyên nhân khiến nhiều NLĐ vội vàng xin nghỉ hưu và rút tiền một lần. Theo dự báo, số lượng NLĐ về hưu và xin hưởng lương hưu một lần từ nay tới cuối năm 2018 sẽ tăng lên rất lớn.

PGS Định lưu ý, đây là tình trạng đáng báo động với các nhà quản lý chính sách bởi mục tiêu là mở rộng diện bao phủ BHXH nhưng ngày càng nhiều người chọn ra. Năm 2016, số người tham gia vào hệ thống BHXH là hơn 700.000, thì số người nhận BHXH một lần cũng tương đương.

"Chính sự thay đổi trong chính sách BHXH thắt chặt hơn quyền lợi của người lao động, như tăng thời gian đóng thêm 5 năm để hưởng tối đa lương hưu, dự định kéo dài tuổi nghỉ hưu... khiến nhiều người lao động lo lắng, chọn nhận tiền một cục hoặc về hưu sớm", PGS Nguyễn Văn Định nói.

Quỹ hưu trí chịu áp lực

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Định, số người hưởng BHXH một lần chủ yếu là công nhân khu công nghiệp, các vùng dễ dàng di chuyển lao động.

Những người này thường làm việc một thời gian ngắn rồi xin chuyển việc hoặc đi làm để tích lũy tiền lương, đóng BHXH lấy vốn sau này về quê làm ăn.

Khi những NLĐ đồng loạt xin rút tiền một lần, trước mắt sẽ không ảnh hưởng tới Quỹ BHXH nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới quỹ hưu trí quốc gia. Cụ thể là số người đóng góp sẽ bị giảm đi, trong khi số tiền quỹ phải chi ra để trả lương hưu một cục hoặc trả lương hưu hàng tháng sẽ nhiều hơn.

"Sự tác động hai chiều như vậy sẽ khiến cho quỹ hưu trí bị giảm đi rất nhanh", ông Định cảnh báo.

Theo vị PGS, do phải chịu tác động kép cùng với những hạn chế về tỷ lệ tham gia BHXH còn quá thấp. Bên cạnh đó, hệ thống hưu trí khu vực chính thức không bền vững về mặt tài chính... là nguy cơ đẩy hệ thống hưu trí chính thức phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Những thách thức này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khi nguồn quỹ bị giảm đột ngột.

Nên thực hiện cơ chế khoán

PGS.TS Nguyễn Văn Định cho hay, nếu hiện tượng trên diễn ra với một số lượng rất lớn thì cần phải có những tuyên truyền cho người dân nhận thức được đầy đủ về quỹ hưu trí.

"Cần phải tuyên truyền cho người lao động hiểu rằng, rời quỹ hưu trí không ảnh hưởng tới Quỹ BHXH nhưng lại khiến người lao động có nguy cơ mất chỗ dựa khi về già.

Về lâu dài, người lao động sẽ thiệt thòi khi chưa già đã tiêu hết tiền. Khi không được hưởng hưu trí thì họ trở thành gánh nặng với xã hội. Nên cần cân nhắc kỹ khi chọn hưởng BHXH một lần", PGS Định cho biết.

Mặc dù vậy, ông cũng nhấn mạnh hiện tượng trên cũng là một dấu hỏi cho thấy lòng tin của người lao động đối với hệ thống bảo hiểm xã hội đang có dấu hiệu suy giảm. Dù chưa có biểu hiện rõ ràng, song ông cho biết, nếu muốn cải thiện được tình hình trên về phía ngành BHXH cũng cần có nhiều cải thiện trong công tác điều hành quản lý.

Trước hết là là tiết giảm các khoản chi, đặc biệt là chi phí quản lý (bao gồm chi tiền lương, hoạt động công vụ, chi nghiệp vụ thường xuyên hằng năm và kinh phí mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc, kinh phí sửa chữa tài sản thường xuyên); chi không thường xuyên (chi mua tài sản, trang thiết bị làm việc, chi đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức; chi nghiên cứu khoa học và các khoản chi khác…) và chi đặc thù (chi hỗ trợ thu, chi BHXH, BHYT).

Về mặt quản lý, ông cho rằng, BHXH phải có chính sách quản lý đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, quản lý đối tượng thụ hưởng BHXH bắt buộc, tăng cường các biện pháp xử lý những trường hợp trục lợi BHXH, tìm giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, còn phải xem xét lại cách thức xác định mức trợ cấp hưu trí đối với những người về hưu trước tuổi để từ đó góp phần tiết kiệm chi.

Về chủ trương đầu tư, quỹ BHXH đầu tư phải có hiệu quả nhưng cũng phải đảm bảo không bị thất thoát.

Theo vị chuyên gia, giải pháp lâu dài, thì Chính phủ nên tính tới phương án khoán thu và chi cho toàn ngành BHXH, từ đó tăng quyền tự chủ của ngành BHXH ở tất cả các cấp, gắn quyền lợi với trách nhiệm của toàn ngành.

Theo Báo Đất Việt