1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bảo lưu thời gian đóng BHXH chờ đủ tuổi nghỉ hưu

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Thừa Thiên - Huế) sinh năm 1971, làm công chức từ năm 1994 đến nay đã được 23 năm. Nay ông Tuấn có nguyện vọng nghỉ việc vào năm 2018 và không yêu cầu hưởng chế độ BHXH một lần.

Chế độ khi nghỉ công tác chờ đủ tuổi về... Người về hưu sớm hưởng lương hưu thấp hơn Bảo lưu thời gian đóng BHXH khi chưa đủ tuổi... Người về hưu sớm hưởng lương thế nào?

Ông Tuấn hỏi, đến năm nào ông đủ tuổi nghỉ hưu và cách tính số tiền hưu nhận được khi ông đủ tuổi nghỉ hưu là bao nhiêu?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo Điều 61 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Đến thời điểm năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Tuấn sẽ đủ 47 tuổi, có 24 năm đóng BHXH nhưng chưa đủ điều kiện về tuổi đời (60 tuổi) theo quy định để được hưởng chế độ hưu trí.

Nếu ông Tuấn có nguyện vọng nghỉ việc vào năm 2018 và không yêu cầu hưởng chế độ BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH. Khi ông đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định tại Điều 54 hoặc Điều 55 Luật BHXH năm 2014, thì ông cần lập hồ sơ theo quy định để được giải quyết chế độ hưu trí.

Trường hợp sau khi ông Tuấn nghỉ việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, nếu tiếp tục làm việc và thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH năm 2014 thì thời gian công tác có đóng BHXH sau này được cộng nối với thời gian tham gia BHXH bảo lưu trước đó để tính hưởng chế độ BHXH.

Theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 56 Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:

- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.

- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại Điểm a và Điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Nếu pháp luật về BHXH không có sửa đổi, bổ sung, thì trường hợp ông Tuấn nghỉ việc vào năm 2018, khi đủ 47 tuổi, không yêu cầu nhận trợ cấp BHXH một lần, được bảo lưu thời gian đã đóng BHXH 24 năm, chờ đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2031 để giải quyết chế độ hưu trí, thì mức lương hưu ông được hưởng sẽ bằng 53% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 Luật BHXH năm 2014.

Trường hợp ông Tuấn đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi 60 theo quy định tại Điều 55 Luật BHXH năm 2014 thì cứ mỗi năm nghỉ trước tuổi 60 giảm 2%.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.