Xếp lương, nâng bậc lương tại công ty cổ phần

Bà Phó Thị Kim Ngân (kimnganpmc@...) đề nghị hướng dẫn việc xếp lương, nâng bậc lương đối với người lao động tại công ty cổ phần đã được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước.

Công ty nơi bà Ngân làm việc là công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước, đang áp dụng thang bảng lương Nhà nước theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP. Vừa qua, công ty tuyển dụng thêm một số lao động làm nghề xoắn bện cáp (bảng A1, thang lương 7 bậc, ngành 6, nhóm 2) và nghề bọc trộn nhựa (bảng A2, thang lương 6 bậc, ngành 2, nhóm 3), số lao động trên đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng nghề.

Công ty đã ký hợp đồng đào tạo tại chỗ 3 tháng trước khi tuyển dụng, sau khóa đào tạo công ty tổ chức thi lý thuyết và thực hành, số lao động trên đều đạt tiêu chuẩn công nhân bậc 3/7 và 3/6 của 2 nhóm nghề trên. Sau đó công ty ra quyết định tuyển dụng vào làm công nhân bậc 2/7 và 2/6. Tuy nhiên, khi công ty làm thủ tục tham gia BHXH cho số lao động trên thì cơ quan BHXH chỉ chấp nhận cho 1 lao động có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề được đóng BHXH ở bậc 2/6 (hệ số 2,13), số còn lại (tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, không phải trường nghề) chỉ được chấp nhận đóng BHXH ở bậc 1/7 (hệ số 1,67) và 1/6 (hệ số 1,78).

Bà Ngân hỏi, các trường hợp tuyển dụng của công ty phải thực hiện xếp bậc lương như thế nào cho đúng quy định? Văn bản nào hướng dẫn xếp lương cho lao động mới tuyển dụng (bao gồm cả lao động đã có sổ BHXH và lao động chưa có sổ BHXH)? Thời gian nâng bậc lương thường xuyên đối với công nhân sản xuất tại doanh nghiệp đang áp dụng thang lương bảng lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP như thế nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Ngân hỏi như sau:

Hiện nay, ở công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; hoặc công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty Nhà nước, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, đang xếp lương theo thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP (mà chưa thực hiện việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, chuyển xếp lương đối với người lao động sang thang lương, bảng lương do công ty ban hành theo quy định Nghị định số 49/2013/NĐ-CP), thì việc xếp lương đối với người lao động tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề tiếp tục áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 3 của Thông tư số 25/2011/TT-BLĐTBXH ngày 26/9/2011của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xếp lương đối với người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề làm việc trong các doanh nghiệp, đã được sửa đổi theo Điều 1 Thông tư số 20/2012/TT-BLĐTBXH ngày 27/8/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Xếp lương đối với người tốt nghiệp cao đẳng nghề

- Làm công việc của chức danh cán sự, kỹ thuật viên thì xếp vào bậc 2 của chức danh cán sự, kỹ thuật viên theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ.

- Làm công việc của chức danh nhân viên văn thư thì xếp vào bậc 3 của chức danh nhân viên văn thư; làm công việc của chức danh nhân viên phục vụ thì xếp vào bậc 4 chức danh nhân viên phục vụ theo bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ.

- Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành cơ khí, điện, điện tử - tin học; xây dựng cơ bản; luyện kim, hóa chất, địa chất, đo đạc cơ bản; khai thác mỏ lộ thiên; khai thác mỏ hầm lò và dầu khí thì xếp vào bậc 4 trong thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng. Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành còn lại thì xếp vào bậc 3 trong thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng.

- Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo các chức danh của bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh có từ 3 bậc trở lên thì xếp vào bậc 2 của chức danh thuộc bảng lương tương ứng.

- Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo các chức danh của bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh có 2 bậc thì xếp vào bậc 1 của chức danh thuộc bảng lương tương ứng.

Xếp lương đối với người tốt nghiệp trung cấp nghề

- Làm công việc của chức danh cán sự, kỹ thuật viên thì xếp vào bậc 1 của chức danh cán sự, kỹ thuật viên theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ.

- Làm công việc của chức danh nhân viên văn thư thì xếp vào bậc 2 của chức danh nhân viên văn thư; làm công việc của chức danh nhân viên phục vụ thì xếp vào bậc 3 của chức danh nhân viên phục vụ theo bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ.

- Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành cơ khí, điện, điện tử - tin học; xây dựng cơ bản; luyện kim, hóa chất, địa chất, đo đạc cơ bản; khai thác mỏ lộ thiên; khai thác mỏ hầm lò và dầu khí thì xếp vào bậc 3 trong thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng. Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành còn lại thì xếp vào bậc 2 trong thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng.

- Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo các chức danh của bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thì xếp vào bậc 1 của chức danh thuộc bảng lương tương ứng.

Xếp lương đối với người tốt nghiệp sơ cấp nghề

- Làm công việc của chức danh nhân viên thừa hành, phục vụ thì xếp vào bậc 1 của chức danh nhân viên thừa hành, phục vụ theo bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ.

- Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo các ngành, nhóm ngành của các thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc thì xếp vào bậc 1 của ngành, nhóm ngành thuộc thang lương tương ứng.

- Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo các chức danh của bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thì xếp vào bậc 1 của chức danh thuộc bảng lương tương ứng.

Xếp lương cho người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp

Do các bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP không có quy định xếp lương cho người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nói chung; cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, trung cấp nghề nói riêng, vì vậy, theo luật sư, các doanh nghiệp có thể vận dụng hướng dẫn xếp lương cho người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề tại điểm a, điểm b khoản 1, Điều 3 của Thông tư số 25/2011/TT-BLĐTBXH đã được sửa đổi theo Điều 1 Thông tư số 20/2012/TT-BLĐTBXH để xếp lương cho người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Chế độ nâng bậc lương thường xuyên

Đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; hoặc công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty Nhà nước, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hiện đang xếp lương theo thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, chế độ nâng bậc lương tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 1, Mục VI, Thông tư số 12/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003 đã được sửa đổi theo Mục 4, Thông tư số 18/2008/TT-BLĐTBXH ngày 16/9/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, như sau:

- Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu công việc, tình hình sản xuất, kinh doanh, sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, công ty lập kế hoạch và tổ chức nâng bậc lương cho người lao động làm việc trong công ty;

- Căn cứ để nâng bậc lương đối với lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh là tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật ứng với công việc đảm nhận; đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành, phục vụ là tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức và thâm niên làm việc trong công ty;

- Điều kiện xét để nâng bậc lương hằng năm là phải thường xuyên hoàn thành công việc được giao về số lượng, chất lượng ghi trong HĐLĐ đã ký kết; Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và nội quy lao động của công ty;

Đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành phục vụ có thời gian giữ bậc lương hiện hưởng tại doanh nghiệp ít nhất 2 năm (đủ 24 tháng) đối với các ngạch có hệ số mức lương khởi điểm (bậc 1) thấp hơn 2,34; có ít nhất 3 năm (đủ 36 tháng) đối với các ngạch có hệ số mức lương khởi điểm (bậc 1) từ 2,34 trở lên quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP.

Đối với công nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh đạt kết quả thi nâng bậc theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật ứng với công việc đảm nhận, nếu thi đạt bậc nào thì xếp lương theo bậc đó.
Theo Chinhphu.vn