1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

An Giang:

Vượt đồng, xuyên đêm soi đèn săn "vũ nữ chân dài" kiếm tiền triệu

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Nhái đang dần khan hiếm nên thợ săn "vũ nữ chân dài" ở An Giang phải lặn lội sang cánh đồng ở Kiên Giang. Thu nhập mỗi đêm cả triệu đồng nhưng họ phải đánh đổi sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.

Khô nhái là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh An Giang, được nhiều người ưa chuộng. Theo các cơ sở làm khô nhái ở làng Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên, An Giang) so với những loại khô khác, giá khô nhái thường cao hơn, hiện lên gần nửa triệu đồng/kg mà luôn "cháy hàng" vào dịp lễ, Tết. 

Vượt đồng, xuyên đêm soi đèn săn vũ nữ chân dài kiếm tiền triệu - 1

Khô nhái hay còn được gọi với cái tên mỹ miều "vũ nữ chân dài" là đặc sản nổi tiếng của huyện Tịnh Biên, An Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tiết lộ món khô nổi tiếng, chị Lại Thị Diễm (chủ vựa khô 7 Hoàng) cho biết, nghề bắt nhái rất cực nhọc. Nhái tự nhiên đang khan hiếm, thợ bắt phải thức đêm, lặn lội sang những cánh đồng ở miệt thứ Kiên Giang để soi tìm nhưng không phải lúc nào cũng có thu hoạch. 

Săn "vũ nữ chân dài", kiếm tiền triệu mỗi đêm

Được chị Diễm giới thiệu, chúng tôi tìm gặp được đội soi nhái đêm ở làng khô Vĩnh Trung và hẹn theo chân cánh mày râu đi săn "vũ nữ chân dài".

Vượt đồng, xuyên đêm soi đèn săn vũ nữ chân dài kiếm tiền triệu - 2

Để kiếm được tiền triệu mỗi đêm, người thợ soi nhái phải bắt thật giỏi và di chuyển qua nhiều cánh đồng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Vượt cung đường hơn 50km từ Tịnh Biên về huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, "biệt đội săn vũ nữ" đến nơi khi cơn mưa vừa tạnh, mặt đất ướt và tiếng ếch nhái bắt đầu râm ran ngoài đồng. Ăn xong hộp cơm mang theo, anh Võ Bé Hoàng (44 tuổi, ngụ tại ấp Vĩnh Lập, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cùng các "thợ săn" trong nhóm xách đồ nghề rảo bước ra đồng.

Nhọc nhằn nghề đội đèn, xuyên đêm đi săn "vũ nữ chân dài" (Clip: Bảo Kỳ).

Có thâm niên 20 năm trong nghề bắt nhái, anh Hoàng cho biết, trước khi nghề làm khô nhái xuất hiện, bà con địa phương vẫn hay săn nhái vào mùa mưa để dùng trong bữa ăn gia đình. Bắt được nhiều quá, dùng không hết, nhiều người bán bớt cho người dân trong vùng. 

Vượt đồng, xuyên đêm soi đèn săn vũ nữ chân dài kiếm tiền triệu - 3

Dụng cụ bắt nhái rất đơn giản gồm đèn soi đội đầu, rổ đựng nhái và không thể thiếu cây chụp nhái do "thợ săn" đặc chế (Ảnh: Bảo Kỳ).

Vượt đồng, xuyên đêm soi đèn săn vũ nữ chân dài kiếm tiền triệu - 4

Cây chụp dài khoảng 2m, phần đầu làm cái hom, khi thấy nhái thì chụp lại, con nhái chui vào rồi không thể thoát ra. Trên thân cây chụp có bao lưới để giữ nhái. Cứ bắt được khoảng 1 kg thì bao đầy, thợ săn trút nhái ra rổ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Từ lúc món khô nhái được nhiều người biết tới, nghề soi nhái trở thành công việc tay trái được nam giới theo đuổi. Ban ngày làm việc đồng áng, tối đến, những người soi nhái kéo nhau ra đồng tìm "vũ nữ chân dài". Đội "thợ săn" quả quyết làm việc quanh năm, khi xóm còn làm khô nhái thì còn người soi nhái.

"Ngày trước nhái nhiều lắm, ra ruộng vài tiếng bắt được mấy chục kg là chuyện thường, còn giờ bắt riết, nhái hết sạch nên chúng tôi phải lùng sục tại các đồng lúa ở Kiên Giang, ấy vậy mà cũng bữa có bữa không. Con nhái này không nuôi được nên chỉ có thể khai thác ngoài tự nhiên", anh Hoàng cho hay. 

Vượt đồng, xuyên đêm soi đèn săn vũ nữ chân dài kiếm tiền triệu - 5

Con nhái di chuyển rất nhanh ngoài ruộng nhưng khi ánh đèn chiếu vào mắt, bị lóa sáng, chúng sẽ đứng im (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trong không khí lành lạnh, trên những đám ruộng loang lổ vết cày ải, vừa trục đất xong, anh Hoàng cùng 2 "đồng đội" chia nhau mỗi người mỗi hướng đi chụp bắt. Màn đêm tối đen thẫm, trời vẫn còn mưa lất phất, ngoài tiếng nhái kêu râm ran chỉ thấy mỗi ánh đèn pin thoắt ẩn, thoắt hiện soi tìm những con nhái ẩn nấp dưới mặt ruộng.

Theo người thợ soi nhái đã ngoài 50 tuổi, tập tính của loài nhái là kiếm ăn vào ban đêm nên cần đợi trời sập tối, người bắt mới ra đồng tìm sản vật trời ban. Dụng cụ bắt nhái rất đơn giản, gồm đèn soi đội đầu, rổ đựng nhái và không thể thiếu cây chụp nhái do các thợ săn đặc chế. Ban đêm nhái nhảy kiếm ăn nhưng khi đèn rọi vào mắt là con vật bị chói, phải đứng im, người thợ sẽ nhanh tay dùng cây chụp lấy. 

"Cây chụp dài khoảng 2m, phần đầu làm cái hom, khi thấy nhái thì chụp lại, con nhái chui vào không thể thoát ra. Trên thân cây chụp có bao lưới để giữ nhái, cứ bắt khoảng một kg, khi bao đầy thì trút ra rổ" - anh Hoàng hướng dẫn.

Anh cười hiền: "Tôi giờ lớn tuổi rồi, không còn nhanh nhẹn như xưa nên mỗi đêm bắt được chừng chục kg nhái trở lại thôi, trừ hết chi phí cũng được 500.000 đồng, còn người bắt nhái giỏi có thể kiếm cả triệu đồng mỗi ngày". 

Vượt đồng, xuyên đêm soi đèn săn vũ nữ chân dài kiếm tiền triệu - 6

Anh Võ Bé Hoàng có 20 năm kinh nghiệm trong nghề soi nhái đêm (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lâu năm trong nghề, anh Hoàng nhìn sơ là biết con nhái nào ngon, con nào dở. Theo anh, nhái ngon nhất là nhái cơm nhỏ cỡ 2 ngón tay, còn nhái lai chân dài, đầu to hơn nhưng thịt không ngon bằng. Anh bảo, làm khô ngon nhất là nhái cơm. Hiện nhái đang vô mùa nên giá khá rẻ, khoảng 55.000 đồng/kg, những tháng hạn, giá lên đến 80.000-90.000 đồng/kg nhưng không có nhái để bắt. 

Vượt đồng, xuyên đêm soi đèn săn vũ nữ chân dài kiếm tiền triệu - 7

Nhái cơm nhỏ cỡ 2 ngón tay là loại làm khô ngon nhất, thịt mềm, khi ăn nhai được luôn xương (Ảnh: Bảo Kỳ).

Sinh nghề, tử nghiệp

Đi cùng anh Hoàng còn có anh Nguyễn Tuấn Phương (40 tuổi, ngụ tại ấp Vĩnh Hạ) - một người có thâm niên soi nhái kể, nghề này có muôn vàn cực nhọc. Mỗi chuyến đi, người soi phải băng qua nhiều cánh đồng, di chuyển liên tục trong nhiều giờ, phải đối mặt với những cơn mưa bất chợt, rủi ro gặp sấm chớp. 

"Tháng hạn nhái ít, chúng thường tập trung tại những đồng có vũng nước, còn tháng mưa nhái di chuyển tứ tán, người bắt phải lặn lội nhiều hơn, đi soi vòng vòng, tính ra một đêm lội ruộng cả mười mấy hai mươi cây số, khi về đến nhà ai nấy đều mỏi nhừ cả người", anh Phương bộc bạch. 

Vượt đồng, xuyên đêm soi đèn săn vũ nữ chân dài kiếm tiền triệu - 8

Anh Nguyễn Tuấn Phương tranh thủ trời chưa tối hẳn ăn miếng bánh mì lót dạ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Chưa dừng lại ở đó, đêm tối, đường xa chưa đáng sợ bằng chuyện dính bẫy chuột hoặc côn trùng, rắn độc. 

"Đồng ruộng ở Kiên Giang hay có bẫy chuột. Năm trước, có người soi nhái đạp trúng bẫy, bị điện giật chết. Còn những cánh đồng ở An Giang tuy không có bẫy nhưng hay gặp rắn độc như hổ bướm, hổ chuối, hổ sơn... Người đi bắt phải quan sát kỹ và hỏi trước người dân địa phương xem đồng nào không đặt bẫy mới vào", anh Phương kể về những hiểm nguy khi làm nghề. 

Sau hàng giờ "lăn lộn" ngoài đồng, những người soi nhái trở về nhà sau mang theo giỏ chiến lợi phẩm để cân bán cho các vựa chế biến khô nhái. Đằng sau món khô "vũ nữ" trứ danh là giọt mồ hôi đầy gian khổ của những người làm nghề soi nhái.