An Giang:
Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ món khô "vũ nữ chân dài" trứ danh
(Dân trí) - Tên mỹ miều, hương vị hấp dẫn, khô "vũ nữ chân dài" (khô nhái) giờ là đặc sản tại nhà hàng, quán nhậu. Nhiều người An Giang có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày với nghề làm món khô trứ danh này.
Khô nhái hay còn gọi là "vũ nữ chân dài", đây đặc sản của tỉnh An Giang được nhiều người ưa chuộng, được nhà hàng, quán nhậu săn lùng.
Theo những thợ làm khô nhái lâu năm, đây vốn là món ăn dân dã của người Campuchia sau đó được người dân ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên học hỏi, biến tấu lại cho hợp khẩu vị người Việt.
Lâu dần, khô nhái trở thành đồ nhắm khoái khẩu của nhiều người, thấy thế bà con địa phương chỉ nhau cách làm khô và hình thành làng nghề truyền thống như hiện tại, tính đến nay cũng đã chục năm.
Bà Trương Thị Mái (ấp Vĩnh Lập, xã Vĩnh Trung), người đầu tiên "mở lối" cho nghề làm khô nhái cho biết, cách làm khô nhái khá đơn giản. Nhái hơi (nhái sống) đem về lột da, làm sạch sau đó ướp gia vị như đường, nước mắm, ớt khoảng 10-15 phút rồi đem phơi khoảng 2 nắng thì thành phẩm.
Nếu trời mưa, nhái đã chế biến cần phải trữ đông, đợi nắng gắt lên thì đem ra phơi tiếp.
"Công thức thì giống nhau nhưng quan trọng ở cách ướp và chọn con nhái. Nhái có 3 cỡ gồm nhỏ, trung và lớn. Nhái nhỏ nhất gọi là nhái cơm, loại này phơi khô ngon nhất vì nhai được cả xương nên đây là loại đắt nhất. Tiếp đến là nhái trung, còn nhái lớn, cỡ càng lớn thì giá thành càng thấp", bà Mái cho hay.
Còn hộ bà Lại Thị Diễm ngụ cùng ấp cho biết, trước đây bà đi lột nhái, phơi nhái thuê cho các vựa khô trong xóm, thấy nghề làm khô lợi nhuận hơn, bà tìm cách móc nối với khách hàng để tự sản xuất khô nhái. Theo bà Diễm, nhái hơi khi phơi khô khá ngót, tầm 5-6kg nhái tươi phơi xong chỉ còn 1kg nhái khô.
"Mùa này là mùa mưa, đa số thợ bắt được nhái trứng mà khô nhái phải bỏ trứng, bỏ da nên khi lột sạch là nguyên liệu đã bị hao hụt nhiều.
Mỗi ngày tôi thu mua khoảng 50kg nhái tươi, ước tính phơi được 8-9kg khô. Giá khô nhái dao động từ 450.000 đến 480.000 đồng/kg, tính ra thu nhập bình quân cũng từ vài trăm thậm chí cả triệu đồng/ngày", bà Diễm nói thêm.
Được biết, nhái có quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào mùa mưa vì đây là thời điểm nhái bắt cặp sinh sản. Ở làng nghề làm khô nhái, đàn ông và phụ nữ thường phân chia công việc, đàn ông ra ruộng soi nhái còn phụ nữ làm khô.
Ông Võ Bé Hoàng (ngụ tại ấp Vĩnh Lập) có kinh nghiệm 5 năm đi soi nhái cho biết, nam giới trong xóm sẽ tụ họp thành nhóm cùng nhau đi soi nhái. Cứ chạng vạng tối họ xách giỏ, đội đèn len lỏi vào những con đường ruộng đã cắt lúa săn "vũ nữ chân dài".
"Ngày nắng, nhái ít, bắt được chừng vài kg hoặc hơn chục kg đã là nhiều nhưng đến mùa mưa nhái nhiều như mở hội, lúc đó tha hồ bắt. Một đêm như vậy tôi soi được 50kg nhái hơi. Cực nhất là đi soi vào mấy đêm mưa giông, mỗi người trùm áo mưa, trú góc riêng vì nếu tụm sát lại dễ bị sét đánh, đợi khi qua mưa mới về được", ông Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, do nhái ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm, họ phải sang tận Kiên Giang săn lùng nên loại nguyên liệu đặc sản này được thu mua giá cao. Thuận mùa, giá nhái hơi khoảng 55.000 đồng/kg, nghịch mùa lên đến 80.000 đồng/kg. Chịu khó đi soi nhái, mỗi đêm ông có thể kiếm vài trăm đến cả triệu đồng.