1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vui buồn nghề kiếm bạc triệu từ thứ quả “xanh chua, chín ngọt”

(Dân trí) - Từng được cho là “thủ phủ” của quả sấu với hàng ngàn cây sấu cổ thụ. Nhưng vài năm trở lại đây nghề trồng sấu ở thôn Tuấn Dị (Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên) trở nên ảm đạm.

Vui buồn nghề kiếm bạc triệu từ thứ quả “xanh chua, chín ngọt”

Hết thời kiếm bạc triệu mùa sấu?

Đến với thôn Tuấn Dị, người lạ sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những con đường xanh mát rợp bóng cây sấu, mùi thơm dịu của lá sấu lan tỏa. Hầu như nhà nào trong thôn cũng trồng một vài cây sấu. Có nhà trồng tới cả chục cây.

Nghề trồng, buôn bán sấu từng làm nên thương hiệu của làng quê Tuấn Dị. Có năm cao điểm, sấu chín vừa được hái xuống khỏi cây đã được thương lái mua với giá 70.000 đồng/kg.

Vui buồn nghề kiếm bạc triệu từ thứ quả “xanh chua, chín ngọt” - 1

Quả sấu trồng tại thôn Tuấn Di (Văn Lâm, Hưng Yên)

Mỗi năm, quả sấu Tuấn Dị theo chân thương lái đi khắp nơi từ Hà Nội, Hải Phòng rồi Quảng Ninh. Thậm chí, những quả sấu ở đây còn được chuyển sang Trung Quốc với lượng không nhỏ. Cây sấu đã giúp nhiều gia đình ổn định kinh tế.

Bà Chu Thị Vân, người dân trồng sấu tại thôn Tuấn Dị cho biết: “Sấu ở đây có 2 loại sấu trắng và sấu tía. Sấu tía quả nhỏ, giòn vỏ, thường cho thu hoạch sớm. Ngược lại, sấu trắng quả to, cùi dày, thường cho thu hoạch muộn nên người dân thường trồng kết hợp cả 2 loại để cả vụ thu hoạch đều có sấu bán”.

Nhà bà Chu Thị Vân có 5 cây Sấu. Có năm được giá, bà Chu Thị Vân bán cho tư thương thu hoạch quả với giá hơn 2 triệu đồng/cây. Mỗi mùa sấu, gia đình bà Chu Thị Vân kiếm cả chục triệu đồng.

Vui buồn nghề kiếm bạc triệu từ thứ quả “xanh chua, chín ngọt” - 2

Người dân xót xa trước cảnh không ít cây sấu nhiều năm tuổi bị chặt bỏ

Gần 500 hộ dân Tuấn Dị sở hữu hơn 2.000 cây sấu. Cây đang mùa thu hoạch của năm 2020 nhưng thị trường tiêu thụ bỗng nhiên chững lại. Quả sấu không còn đắt hàng như trước nữa.

Khác với vẻ tấp nập của nhiều năm trước, “thủ phủ” của quả sấu giờ đây yên ắng. Hình ảnh những cây sấu sai lúc lỉu nhưng không ai thu hái đã dần quen thuộc với người dân nơi đây.

Trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội, đất trồng sấu dần dần được thay thế cho nhà ở, nhà máy. Theo người dân ở đây, khoảng 2 năm trở lại đây, thôn Tuấn Dị chặt đi khoảng 40% -50% cây sấu.

Vui buồn nghề kiếm bạc triệu từ thứ quả “xanh chua, chín ngọt” - 3

Nhiều gia đình còn huy động con trẻ trong nhà thu hoạch sấu.

Giá sấu sụt tới ...50 %

Bà Chu Thị Loan (thôn Tuấn Dị) năm nay đã ngoài 80 tuổi. Suốt nhiều thập kỷ gắn bó với cây sấu, chưa bao giờ bà thấy người dân bỏ bê cây sấu như hiện nay. Khi trước, cây sấu mới ra quả non đã có nhiều người đến trả giá rất cao để đặt trước.

“Nhà tôi có 3 cây sấu, mấy năm về trước tôi bán “vo” cả 3 cây cho thương lái cũng được chục triệu đồng. Bỗng dưng ít dần người tới mua sấu. Hai năm qua, tôi chỉ bán được một cây sấu sai quả nhất với giá 700.000 đồng”.

Vui buồn nghề kiếm bạc triệu từ thứ quả “xanh chua, chín ngọt” - 4

Nghề leo trèo hái sấu cần các kỹ năng cơ bản

Theo bà Loan, mấy năm nay, phần vì do thời tiết khiến cho quả sấu bị rám, hình thức xấu. Chưa kể đa số cây sấu ở Tuấn Dị đều có tuổi thọ vài chục năm đến ngót trăm năm, chất lượng quả không cao.

Từ hàng chục thương lái trong thôn, Tuấn Dị chỉ còn duy nhất thương lái buôn sấu là anh Chu Văn Cường. Hàng ngày, anh Chu Văn Cường vẫn thu hái sấu từ các hộ dân trong thôn rồi đem sang chợ Gia Lâm (Hà Nội) để bán buôn.

Anh Chu Văn Cường chia sẻ: “Trước đây mỗi ngày vợ chồng tôi đổ buôn khoảng 5 tạ sấu cho các tỉnh lân cận, trừ chi phí đi tôi bỏ túi khoảng 1 triệu đồng/ngày. Thế nhưng khoảng 3 đến 4 năm trở lại đây vào giữa vụ gia đình tôi chỉ bán được khoảng hơn 1 tạ sấu”.

Vui buồn nghề kiếm bạc triệu từ thứ quả “xanh chua, chín ngọt” - 5

Giá sấu sụt giảm tới 50 % so với thời kỳ đắt giá

Thay vì mức giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, giá quả sấu giờ chỉ được từ 15.000 đến 20.000/kg. Bởi chưa biết chuyển sang làm gì nên anh Chu Văn Cường vẫn cố gắng bám trụ vào nghề này.

Cũng từng là một thương lái có tiếng về nghề buôn sấu, chị Nguyễn Lệ Thu (thông Tuấn Dị), kể: “Trước đây, ngày cao điểm, tôi đổ buôn hàng tấn sấu cho các hộ gia đình làm ô mai và các hộ buôn bán nhỏ lẻ ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. Hai vợ chồng tôi hái không kịp, phải thuê thêm người để thu hái”.

Vui buồn nghề kiếm bạc triệu từ thứ quả “xanh chua, chín ngọt” - 6

Quả sấu Tuấn Dị đã đi vào ký ức mỗi dịp hè về của trẻ nhỏ nơi đây.

Giờ đây chị Thu chuyển sang nghề chăn nuôi. Chồng chị đi làm thợ xây. Đến mùa sấu chị tập trung tiêu thụ mấy cây sấu của nhà. Chị bán tại nhà cho khách quen cũng không còn đem sấu đi giao cho khách ở khắp nơi như trước nữa.

Nguồn cung dồi dào hơn 

Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Tuân - Phó Chủ tịch xã Trưng Trắc (Văn Lâm, Hưng Yên) - thừa nhận, mấy năm gần đây thị trường sấu không còn bán chạy nữa.

“Trước đây, gia đình tôi có 10 cây sấu trồng trên diện tích 1000m vuông mỗi năm cho thu nhập trung bình 20 triệu đồng. Vài mấy năm gần đây không bán được, hoặc bán với giá rẻ. Vừa rồi gia đình tôi tiến hành chặt bỏ, sắp tới sẽ thay thế bằng loại cây khác” - ông Lê Ngọc Tuân kể.

Ông Lê Ngọc Tuân cho rằng, nhu cầu tiêu thụ không giảm nhưng trước đây trong khu vực chỉ có thôn Tuấn Dị trồng sấu. Nhưng vài năm gần đây, nhiều nơi cũng trồng dẫn đến nguồn cung sấu dồi dào. Những năm về trước, nhiều chủ vườn ươm lân cận đã về đây để mua sấu chín số lượng lớn để nhân giống. Fiờ đây cây sấu có ở khắp mọi nơi không riêng gì Tuấn Dị nữa.

“Trước đây thấy sự “phất lên” từ cây sấu của thôn Tuấn Dị. Xã Trưng Trắc hiện có 7 đều đã trồng rất nhiều cây sấu. Trước sự bão hòa của cây sấu, chúng tôi không có đề án phát triển nào dành cho loại cây này mà chỉ định hướng người dân duy trì cây hoặc thay thế bằng loại cây khác cho thu nhập cao hơn” - ông Tuân cho biết thêm.

Phạm Công