'Bình minh' làng nghề Ông Hảo: Giá trị đồ chơi trung thu truyền thống
Sự trở lại của các món đồ chơi truyền thống mỗi mùa Trung thu gần đây đã khiến những người thợ thủ công lành nghề tại làng Ông Hảo ngày càng làm ăn phát đạt.
Nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống của làng Ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) đã có từ rất lâu. Không chỉ tập trung chủ yếu làm trống như trước, hiện nay làng còn phát triển làm nhiều loại đồ chơi khác như: Mặt nạ, đầu lân,... đa dạng kiểu dáng, mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt, những món đồ chơi hoàn toàn được làm thủ công từ các nguyên liệu thân thiện như tre, nứa,...
Nghề làm mặt nạ, đầu sư tử bằng giấy bồi dần xuất hiện ở làng truyền thống Ông Hảo để đáp ứng nhu cầu thị trường trong những năm gần đây.
Mặt nạ giấy bồi Ông Hảo được làm từ giấy, hồ dán bột sắn, sơn màu tổng hợp vẽ lên phơi khô. Nhiều mẫu mã đa dạng, những con vật ngộ nghĩnh đầy màu sắc, Tôn Ngộ Không, đầu sư tử, ... nổi bật trên từng nét vẽ của người nghệ nhân.
Trung bình một ngày, một nghệ nhân có thể vẽ được khoảng tám mươi chiếc mặt nạ, mỗi một chiếc mặt nạ được làm từ một chiếc khuôn xi măng khác nhau. Những nét vẽ “có hồn” được họa trên từng chiếc mặt nạ giấy bồi đầy sự sáng tạo của người thợ.
Nghề bưng trống, thuộc da từ bao giờ đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Người làng Ông Hảo nhập da trâu, bò từ các địa phương để làm nên một chiếc trống trung thu.
Da khi mua về, người thợ sẽ xẻ từng mảnh sao cho thật đều rồi tẩy màu trong lúc ngâm với nước vôi, ngâm khoảng năm đến bảy ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất. Khoảng thời gian đó, người thợ sẽ phải trở mặt da để nước vôi được ngấm đều. C
ăn chỉnh thời gian là yếu tố quan trọng, nếu vớt da ra non quá thì màu sẽ không đều, ngược lại, khi da quá “chín” sẽ bị hỏng. Da đạt đủ độ, người thợ vớt ra, phơi khô. Tang trống được làm bằng gỗ mỡ từ rừng, còn để xốp hơn, dễ làm hơn có thể thay thế bằng gỗ bồ đề.
Trong những năm gần đây, mọi người dân Việt Nam cũng như du khách nước ngoài ưa chuộng sản phẩm truyền thống hơn bởi sự đa dạng trong sản phẩm. Đặc biệt là đồ chơi làm bằng giấy bồi, hồ dán từ bột sắn nên không độc hại, thân thiện với môi trường. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Một trong những người thợ lành nghề ở làng nghề truyến Ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên), ông Vũ Huy Đông chia sẻ: “Tôi làm nghề được hai mươi, ba mươi năm nay, nhà tôi thường làm trống và các đồ chơi khác. Thời điểm này cũng nhiều người bỏ nghề, nhưng gia đình tôi vẫn muốn lưu giữ công việc truyền thống. Niềm đam mê với nghề ăn sâu trong người rồi, không muốn bỏ”. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Sản xuất đồ chơi trung thu tại làng nghề diễn ra quanh năm, sau đó sẽ dồn các sản phẩm vào khoảng thời gian gần tháng Tám để có thể kịp sản xuất ra thị trường. Hàng ngày, công việc bồi khô sẽ được thuê thợ từ các gia đình, công đoạn sơn vẽ hoàn thiện sẽ do chính tay vợ chồng ông Đông làm nên, ông nói thêm. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
So với thời gian cách đây 2-3 năm, khi mà các sản phẩm đồ chơi trung thu truyến thống gần như có nguy cơ mai một, thì hiện nay chúng ngày càng lấy lại được chỗ đứng cho mình. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Theo ông Linh, người thợ làm trống chia sẻ “Tôi làm nghề cũng hơn hai mươi năm nay, nghề này sẽ không vất vả với những người có đam mê, ngược lại không có tâm huyết sẽ thấy công việc nhàm chán nên dễ bỏ nghề.
Để làm trống, phải chọn gỗ mít, nhưng chủ yếu dùng gỗ bồ đề, gỗ trám hoặc mỡ, bởi sự giòn của gỗ sẽ dễ làm hơn, trung bình một ngày tôi làm được vài chục thớ là ít”. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Hiện nay, tại làng nghề đồ chơi truyền thống Ông Hảo không còn nhiều nhà làm nghề, chỉ còn số ít trong làng, chủ yếu là những người thợ trên năm mươi tuổi. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Khi chưa có máy móc để làm thân trống, các công đoạn phải làm tay, mất nhiều thời gian. Hiện nay có máy cắt, tiết kiệm nguyên vật liệu cũng như thời gian gia công và hiệu quả công việc cao. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Thân trống sau khi trải qua nhiều công đoạn sẽ được mang đi bưng, mặt trống được làm từ da trâu. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Tại làng Ông Hảo, mỗi sản phẩm được làm ra là sự hăng say, lòng nhiệt huyết của những người thợ lành nghề trong lao động. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo vị thế trong các hoạt động văn hóa dân gian dân tộc, những món đồ chơi dân gian này đang dần để lại dấu ấn riêng. Trong bối cảnh hội nhập, những nghệ nhân của làng nghề làm đồ chơi trung thu Ông Hảo vẫn giữ hồn bản sắc dân tộc, vẹn nguyên một ý nghĩa. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Theo Như Dung (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/binh-minh-lang-nghe-ong-hao-gia-tri-do-choi-trung-thu-truyen-thong/650988.vnp