1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vụ nông dân điêu đứng vì “lúa ma”: Tích cực tìm nguyên nhân để xử lý

(Dân trí) - Liên quan đến hiện tượng “lúa ma” xuất hiện trên nhiều diện tích sản xuất của người nông dân xã Quảng Long, huyện Quảng Xương suốt những năm qua, sau khi báo chí phản ánh, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới có báo cáo nhanh gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, sau khi báo chí phản ánh về hiện tượng xuất hiện lúa lạ tại xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cử lãnh đạo Sở và cán bộ chuyên môn phối hợp cùng UBND huyện Quảng Xương xác minh thực tế và đã có báo cáo nhanh gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Sở NN&PTNT đã có báo cáo nhanh gửi Chủ tịch UBND tỉnh về hiện tượng lúa ma
Sở NN&PTNT đã có báo cáo nhanh gửi Chủ tịch UBND tỉnh về hiện tượng "lúa ma"

Cụ thể, theo Sở NN&PTNT, vụ Xuân năm 2018, xã Quảng Long gieo cấy gần 300 ha lúa, chủ yếu sử dụng các giống lúa thuần chất lượng cao như: LT2, Bắc thơm số 7, Thái Xuyên 111, ... (trong đó các giống lúa LT2, Bắc thơm số 7, Sở NN&PTNT không khuyến cáo trong cơ cấu giống của tỉnh vụ Xuân năm 2018).

Qua kiểm tra của ngành nông nghiệp cho thấy, hiện nay, hầu hết các trà lúa của xã Quảng Long đang ở giai đoạn làm đòng và trổ bông, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến cuối tháng 5/2018 bắt đầu thu hoạch.

Tuy nhiên, trên cánh đồng lúa thuộc các thôn Bái Đông và Thổ Ngõa xuất hiện những cây lúa khác dạng, mọc cao hơn so với lúa thường, nhân dân gọi là “lúa ma”, lúa cỏ (sau đây gọi là lúa dại), với diện tích khoảng 23 ha (trong đó 15ha có tỷ lệ cây lúa dại từ 5-10% và 8ha có tỷ lệ cây lúa dại dưới 5%).

Theo UBND xã Quảng Long và UBND huyện Quảng Xương, lúa dại xuất hiện lần đầu tiên trên một vài ruộng lúa từ vụ Xuân năm 2013. Lúa dại có hình dạng cây tương đối giống cây lúa trồng nhưng khác biệt là mọc cao hơn; hạt có râu dài, chín đến đâu tự rụng đến đó; hạt lúa dại thường có sức sống cao và có thể trôi nổi theo dòng nước để phát tán.

Trong quá trình chỉ đạo điều hành sản xuất, hàng vụ, hàng năm, UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo UBND xã Quảng Long, đồng thời cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật như làm đất kỹ, phun thuốc trừ cỏ, cấy thẳng hàng theo băng để dễ dàng khử lẫn.

Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho rằng, do tập quán gieo sạ của bà con nông dân nên không thể khử lúa lẫn triệt để, lúa dại ngày càng phát tán rộng ra nhiều ruộng lúa trên cánh đồng của 2 thôn nêu trên.

Sau khi kiểm tra thực tế mới đây, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn UBND huyện Quảng Xương chỉ đạo nông dân thực hiện một số biện pháp như: Đối với diện tích có lẫn lúa dại, hướng dẫn và chỉ đạo hộ nông dân tích cực khử lẫn để loại bỏ tối đa lúa dại, đồng thời tập trung chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để cho thu hoạch đảm bảo năng suất.

Đối với các vụ sản xuất tiếp theo cần khuyến cáo các hộ nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị như ngô đường, ngô nếp, rau, ... ít nhất 2 năm trở lên để hạn chế và diệt trừ lúa dại tồn tại trong đất.

Nếu các hộ vẫn quyết tâm trồng lúa thì cần thực hiện tổng hợp các biện pháp kỹ thuật như làm đất sớm, nhử cho lúa dại và nhiều loại cỏ dại khác mọc lên rồi tiêu diệt bằng cách cày, bừa hoặc phun các loại thuốc trừ cỏ không chọn lọc; làm đất kỹ và san bằng mặt ruộng lần cuối trước khi cấy, phun thuốc trừ cỏ chọn lọc, rồi tiến hành cấy; cấy lúa theo băng, cấy thẳng hàng, cấy một dảnh để sau này lúa dại mọc có thể dễ dàng phân biệt và loại bỏ.

Nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Quảng Long điêu đứng vì hiện tượng lúa ma suốt nhiều năm qua
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Quảng Long điêu đứng vì hiện tượng "lúa ma" suốt nhiều năm qua

Đồng thời, thường xuyên làm cỏ bằng tay, trước khi hạt lúa dại rụng, đem ra khỏi ruộng và tiêu hủy.

Về việc xác minh cụ thể nguyên nhân tại sao có lúa cỏ xuất hiện, Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện Quảng Xương cử cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND xã ghi hình ảnh, tổng hợp chính xác diện tích lúa có lúa dại mọc, lấy mẫu hạt, thân lúa theo các thời kỳ bắt đầu từ trổ, đồng thời sau thu hoạch lấy mẫu đất để phân tích và xác định số lượng hạt lúa dại trong đất, phân tích xác định độ phân ly của loại giống làm cơ sở xác định nguyên nhân lúa cỏ xuất hiện trên đồng ruộng.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, nhiều năm nay, người trồng lúa trên địa bàn xã Quảng Long, huyện Quảng Xương rất hoang mang, lo lắng trước thực trạng “lúa ma” xuất hiện ngày một nhiều, khiến năng suất lúa giảm mạnh. Nhiều hộ dân thu hoạch lúa không đủ tiền giống, tiền cày bừa...

Người dân cũng đã tự nghĩ ra nhiều cách để loại bỏ hiện tượng này nhưng bất thành. Người dân địa phương mong muốn các ngành chức năng nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ bà con nông dân vượt qua nạn “lúa ma”, nhằm giảm bớt khó khăn.

Duy Tuyên