Vụ lao động Việt Nam ở Algeria bị đánh: Sứ quán làm việc với nhà thầu
Ngày 7/10, Đại sứ quán Việt Nam đã cử cán bộ đến làm việc với đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) ở thủ đô Alger về vụ hai công nhân Việt Nam là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường bị chủ Trung Quốc cho công nhân hành hung trong các ngày 16-17/9 vừa qua tại thành phố Khenchela, cách thủ đô Alger hơn 460km về phía Đông Nam.
Về phía Việt Nam có ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria; ông Cao Quang Tú và ông Đàm Tuấn Anh, đại diện của Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà-bên đưa công nhân Việt Nam sang lao động tại Algeria; anh Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường, nạn nhân của vụ hành hung nêu trên. Phía Trung Quốc có ông Lưu Khải, Giám đốc phụ trách bộ phận công trình của Công ty Đông Nhất Giang Tô.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã nhận được tố cáo của lao động Việt Nam bị công nhân Trung Quốc hành hung tại công trường Khenchela; nhấn mạnh rằng vụ việc đang gây nhiều bức xúc đối với dư luận cả trong và ngoài nước, cơ quan chức năng nước sở tại đang theo dõi sát vụ việc; yêu cầu phía Công ty Đông Nhất Giang Tô phải giải thích rõ vụ việc, có trách nhiệm cụ thể, có biện pháp bảo vệ, tránh xung đột và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, không để vụ việc diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ giữa công nhân lao động Việt Nam và công nhân lao động Trung Quốc cũng như mối quan hệ hữu nghị hai nước.
Đại diện phía Việt Nam khẳng định rằng trước mắt cần tạo điều kiện sớm nhất đưa anh Đậu Hoàng Anh và anh Đào Ngọc Cường trở về Việt Nam theo nguyện vọng, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng vụ việc sẽ được giải quyết hợp tình hợp lý, giải tỏa tâm lý bất an cho số lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Algeria.
Ông Lưu Khải xác nhận đã xảy ra vụ công nhân Trung Quốc hành hung anh Đậu Hoàng Anh và anh Đào Ngọc Cường; tỏ ý đáng tiếc vụ việc xảy ra ngoài ý muốn của cả đôi bên vì đây là vụ đầu tiên xảy ra; cho biết rằng trước khi 55 công nhân Việt Nam sang Algeria làm việc đợt này đã có hàng nghìn lao động Việt Nam từng làm việc ở nhiều công trường khác nhau tại quốc gia Bắc Phi này nhưng không hề có va chạm, xung đột.
Ông Lưu cho biết vụ việc đã được báo cáo lên Tổng giám đốc của Công ty Đông Nhất Giang Tô để có thể giải quyết đưa anh Đậu Hoàng Anh và anh Đào Ngọc Cường trở về Việt Nam sớm nhất có thể. Tuy nhiên, hiện nay anh Đậu Hoàng Anh và anh Đào Ngọc Cường mới có thẻ lao động nhưng chưa có thẻ cư trú, do vậy hai anh phải tới cơ quan cảnh sát để hoàn tất thủ tục về nước và cần một khoảng thời gian nhất định.
Ông Lưu Khải cam kết đảm bảo tuyệt đối an toàn cho anh Đậu Hoàng Anh và anh Đào Ngọc Cường trong thời gian tạm lưu trú ở trụ sở Công ty Đông Nhất Giang Tô tại Alger để chờ về Việt Nam. Về nguyên nhân xảy vụ việc, ông Lưu Khải cho biết mâu thuẫn xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có bất đồng ngôn ngữ.
Ông Lưu Khải cho biết thêm phía Công ty Đông Nhất Giang Tô không muốn lao động Việt Nam phá vỡ hợp đồng, nếu hợp đồng bị phá vỡ, thiếu nhân công sẽ không đảm bảo tiến độ công trình, gây tổn thất to lớn về kinh tế cho công ty này.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Đàm Tuấn Anh cho biết hiện trạng thái tâm lý của anh Đậu Hoàng Anh đã dần ổn định, không còn bị hoảng loạn; khẳng định đã phản đối việc chủ Trung Quốc tại Khenchela cắt cơm của lao động Việt Nam; cho biết SIMCO Sông Đà tại Algeria sẽ đảm bảo cơm ăn cho lao động Việt Nam trong trường hợp tình trạng này tiếp diễn.
Về phần mình, anh Đậu Hoàng Anh và anh Đào Ngọc Cường đều thể hiện mong muốn sớm trở về Việt Nam với gia đình và để được điều trị.
Trao đổi thêm với phóng viên TTXVN tại Alger, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cho biết đến giờ phút này tình hình đã tạm thời ổn định, không còn tái diễn tình trạng bạo lực nhằm vào lao động Việt Nam. Các công nhân Việt Nam đã quay trở lại làm việc bình thường.
Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria luôn duy trì liên lạc thường xuyên 24/24h với các lao động Việt Nam nhằm nắm vững tình hình của anh em lao động đồng thời có những biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cũng đã nhiều lần cử cán bộ đến hiện trường để làm rõ các thông , thăm hỏi các lao động Việt Nam đang gặp khó khăn, cũng như phối hợp với đại diện công ty SIMCO Sông Đà làm việc cụ thể với đối tác sử dụng lao động Việt Nam là Công ty Đông Nhất Giang Tô yêu cầu phía đối tác giải quyết dứt điểm vụ việc, tôn trọng các cam kết giữa hai bên, đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đối xử nhân đạo với các lao động Việt Nam.
Nhằm tránh những sự việc đáng tiếc như vừa qua, Đại sứ quán cũng đưa ra các khuyến nghị như hợp đồng lao động giữa các bên phải rành mạch hơn, chặt chẽ hơn, quy định chi tiết chế độ lương thưởng; các công ty cử tuyển lao động ở trong nước cần phải tuyển lao động với một quy trình chặt chẽ hơn nhằm tránh đưa đi nước ngoài những lao động có trình độ tay nghề thấp.
Theo Vietnamplus.vn
http://www.vietnamplus.vn/vu-lao-dong-viet-nam-o-algeria-bi-danh-su-quan-lam-viec-voi-nha-thau/348042.vnp