Bài 1: Người lao động VN bị hành hung tại Algeria

(Dân trí) - “Chúng tôi muốn về nước càng nhanh càng tốt, chủ sử dụng người Trung Quốc dọa nếu không đi làm sẽ bị đánh. Vừa qua, họ còn không cho chúng tôi ăn mấy ngày. Mong các cơ quan chức năng vào cuộc để giúp đỡ kịp thời”.

Thân nhân lao động tại trụ sở Cty Simco Sông Đà
Thân nhân lao động tại trụ sở Cty Simco Sông Đà

Anh Lê Tuấn Anh, 32 tuổi - công nhân xuất khẩu lao động đang làm việc tại Algeria - trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại, hôm 6/10.

Hành hung công nhân VN

Anh Lê Tuấn Anh cùng nhóm 54 lao động VN được Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đưa sang làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại thành phố Khenchela (Algeria) từ tháng 6/2015.

Gọi điện thoại từ Algeria về VN, anh Lê Tuấn Anh cho biết: Chủ sử dụng lao động - Cty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô - đã không thực hiện đúng thực tế. Cụ thể, hợp đồng lao động ghi là làm việc theo công nhật, nhưng sau đó lại bắt lao động làm khoán với giá thấp.

Chưa hết, chủ sử dụng còn đánh lao động VN. “Sự việc xảy ra hôm 16/9, chủ sử dụng đã bố trí công nhân của họ đánh công nhân VN. Lý do vì anh em nghỉ việc để phản đối. Họ bảo không đi làm thì đánh. Sau khi bị đánh, chúng tôi chạy vào phòng để cố thủ. Bên ngoài, họ dùng cuốc xẻng đập cửa kính” - anh Lê Anh Tuấn kể.


Anh Đậu Hoàng Anh (ảnh do lao động tại Algeria cung cấp)

Anh Đậu Hoàng Anh (ảnh do lao động tại Algeria cung cấp)

Theo Lê Tuấn Anh, chủ sử dụng còn hành hung anh Đậu Hoàng Anh - người đại diện Công ty SIMCO Sông Đà tại Algeria.

“Chúng tôi rất hoang mang và mong được về nước. Bây giờ làm theo m2 mà giá rẻ hơn VN thì khó sống. Để được đi XKLĐ, gia đình tôi đã vay mượn 50 triệu đồng...” - người đàn ông quê Thanh Hóa này tâm sự.

“7 lao động bị chủ sử dụng lao động chuyển công trường ngay sau hôm 16/9. Họ không bị đánh đập. Khi tách ra, chủ sử dụng có thu sim điện thoại của họ để hạn chế liên lạc với đồng nghiệp. Cty đấu tranh và chủ sử dụng lao động đã mua sim mới để cấp cho họ” - đại diện công ty Simco Sông Đà nói.

Không chỉ riêng anh Lê Anh Tuấn, một công nhân trong nhóm 55 lao động trên là anh Đào Ngọc Cường (quê Lý Nhân, Hà Nam), cho biết: “Hôm 16/9, công nhân Trung Quốc đánh đại diện của Công ty ngay trước mặt anh em công nhân. Do đông công nhân Trung Quốc quá nên chúng tôi chạy vào trong nhà để trốn…”.

Vì chạy chậm, anh Đào Ngọc Cường bị vụt vào chân bầm tím. Ngày hôm sau sự việc, anh Cường còn bị chủ sử dụng dùng gậy đánh nhiều lần vào tay, chân.

Chia sẻ với PV Dân trí, chị M - thân nhân của một lao động đang làm việc ở Algeria, đề nghị giấu tên - rất lo lắng. Chị đã gửi đơn tới cơ quan chức năng để nhờ sự can thiệp.


Một lao động với vết tím do bị đánh (ảnh do lao động VN tại Algeria cung cấp)

Một lao động với vết tím do bị đánh (ảnh do lao động VN tại Algeria cung cấp)

Chị M cho biết: “Công ty đã cử người sang để giải quyết nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Một số anh em còn bị cách ly ra nơi khác. Ngoài ra, từ ngày 2-4/10 công nhân bị bỏ đói, cắt điện. Chúng tôi thực sự hoang mang không biết tính mạng của người thân ra sao bên Algeria”.

Được biết, sáng 5/10 tại Hà Nội, gần 50 thân nhân của nhóm lao động trên đã tới trụ sở của SIMCO Sông Đà để yêu cầu thông tin cũng như có biện pháp bảo vệ quyền lợi của người thân.

Đại diện công ty nói gì?

Ngày 6/10, ông Đỗ Văn Hải - Phó giám đốc Trung tâm XKLĐ số 3 (SIMCO Sông Đà) đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.

Ông Đỗ Văn Hải xác nhận sự việc một số công nhân Trung Quốc đã hành hung công nhân VN hôm 16/9 tại thành phố Khenchela (Algeria). Hậu quả khiến 3 công nhân VN bị thương.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới xô xát và việc công nhân VN đình công. Ông Đỗ Văn Hải cho biết: Căn nguyên của sự việc từ chuyện chi trả tiền ăn liên quan tới lương khoán cho công nhân VN.


Tin nhắn của lao động VN tại Algeria gửi cho người thân tại VN (ảnh do người nhà lao động cũng cấp)

Tin nhắn của lao động VN tại Algeria gửi cho người thân tại VN (ảnh do người nhà lao động cũng cấp)

Theo đó, chủ sử dụng đã thay đổi cách tính lương từ làm công nhật (450 USD - 650 USD/tháng) sang cách tính lương theo khoán.

“Theo tìm hiểu của đại diện Cty cử sang Algeria hôm 24/9: Chủ sử dụng lao động phát hiện một số lao động VN làm việc đối phó. Chủ sử dụng yêu cầu người lao động phải thực hiện công việc khoán, mới có thể lĩnh lương công nhật. Cụ thể: Phải hoàn thành trong ngày định mức 21m2 trát/thợ trát và 14 m2/thợ ốp lát”.

Nhưng khi áp dụng mức này, nhiều lao động VN có thể làm tới 30-40 m2 trát/người/ngày. Thấy vậy, chủ sử dụng đã thỏa thuận với người lao động chuyển hẳn mức lương công nhật sang mức khoán 1,9 USD/m2. Nếu thực hiện mức này, lương của người lao động có thể tăng lên tới 2.000 USD/tháng.

Tuy nhiên, mức khoán 1,9 USD/m2 không bao gồm việc chủ sử dụng lao động bao ăn. Nếu bao ăn, mức lương sẽ chỉ còn 1,6 USD/m2. Sau khi nhận được thông tin trên, người lao động cho rằng chủ sử dụng đã tự ý thay đổi mức lương. Họ đã không đi làm 3 ngày”.

Về nguyên nhân chính để xảy ra xô xát từ phía VN, ông Đỗ Văn Hải nói: “Chúng tôi thừa nhận sai sót của anh Hoàng Anh - đại diện Cty ở Algeria - không quyết liệt và không giải thích rõ với lao động VN về việc thực hiện mức khoán. Dù lương khoán có thể đạt 2.000 USD/tháng, công ty kiên quyết không đồng ý. Lý do mức khoán này là do chủ sử dụng tự ý đàm phán với người lao động, chưa có sự đồng ý của Cty. Đồng thời không phải ai cũng làm được mức này”.

Ông Đỗ Văn Hải cũng cho biết thêm, do lao động không đi làm nên chủ sử dụng muốn gặp để trao đổi với ông Đậu Hoàng Anh - đại diện Cty. Nhưng nhiều lần ông Đậu Hoàng Anh không tới gặp. Thậm chí, chủ sử dụng còn nhìn thấy lao động VN cầm thanh sắt để ngăn cản ông Đậu Hoàng Anh tới gặp chủ sử dụng.

Do không hiểu sự việc, chủ sử dụng đã hô hào công nhân Trung Quốc hành hung công nhân VN. Đây cũng chính là tình tiết dẫn tới vụ xô xát hôm 16/9.

Cũng theo đại diện SIMCO Sông Đà, ngày 24/9, công ty đã cử đại diện sang Algeria để năm tình hình và hỗ trợ công nhân VN. “Cán bộ báo cáo về, sau buổi xô xát đó, người lao động không bị uy hiếp tinh thần. Chủ sử dụng lao động cam kết không uy hiếp tinh thần và đánh đập. Bước đầu, chủ sử dụng đảm bảo 3 người lao động bị thương nếu có nhu cầu về nước sẽ được bao chi phí”.

Ông Đỗ Văn Hải cho biết: Một số lao động trong nhóm 55 lao động trên đã được chuyển sang công trình khác để làm việc. Một số còn lại vẫn chưa đi làm.

“Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể lại với từng người. Nếu ai có nhu cầu ở lại làm việc thì sẽ bố trí chỗ làm việc mới. Còn những lao động có nhu cầu về nước, Cty sẽ đàm phán với chủ sử dụng và xác định cụ thể lỗi của 2 bên”.

Cty sẽ đứng ra giải quyết mọi người. Nếu lao động không bị uy hiếp và đánh đập mà đòi về thì phải chịu một phần trách nhiệm.

Đại diện SIMCO Sông Đà đã có cuộc làm việc với gần 50 thân nhân của nhóm lao động đang làm việc tại Algeria hôm 5/10 tại Hà Nội. Công ty cho biết: Trong thời gian xác minh sự việc, công ty đảm bảo sẽ không xảy ra sự việc người lao động bị đánh đập, bỏ đói từ chủ sử dụng lao động. Nếu chủ sử dụng lao động cắt cơm thì đại diện công ty sẽ đảm bảo cung cấp thức ăn cho người lao động.

Công ty sẽ giải quyết mọi tồn tại và nếu công nhân nào có nhu cầu về nước sẽ được đáp ứng trước ngày 30/11/2015.

Hoàng Mạnh