Nhận tiền nghỉ việc kiểu "trả góp", công nhân viết di chúc... nhờ nhận hộ

Hoàng Lam

(Dân trí) - Theo tính toán của anh Thiện, khi bị thôi việc, anh sẽ nhận chế độ hơn 100 triệu đồng. Nhưng khoản tiền này được "trả góp" nên tính ra, anh sẽ phải... viết di chúc để con nhận hộ.

Sáng 17/2, nhiều công nhân Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan (đóng tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An) cùng kéo đến trụ sở công ty để yêu cầu giải quyết chế độ thôi việc.

Đây là số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động theo phương án công ty ban hành ngày 11/12/2024.

Anh Thiện vào làm việc tại nhà máy sợi thuộc Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan từ năm 1994, có quyết định cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 15/1.

Nhận tiền nghỉ việc kiểu trả góp, công nhân viết di chúc... nhờ nhận hộ - 1

Anh Ngô Văn Thiện lo lắng sẽ phải viết di chúc nhờ con nhận chế độ thôi việc nếu công ty chốt hình thức "trả góp" hiện nay (Ảnh: Hoàng Lam).

Theo tính toán của nam công nhân, với 30 năm làm việc và đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng các quy định hiện hành, anh sẽ được nhận 108 triệu đồng, bao gồm chế độ trợ cấp ngừng việc, tiền lương tháng 13 của năm 2024, lương tháng 1, tiền đền bù hợp đồng thôi việc...

"Theo thông báo của công ty, hàng tháng công ty sẽ trả chế độ dôi dư với người lao động phải thôi việc từ 1 đến 3 triệu đồng. Hướng chi trả này không có sự bàn bạc, thống nhất với người lao động đã bị cho thôi việc. Ngày 14/2, tôi nhận 2 triệu đồng của công ty chuyển vào tài khoản với nội dung "trả lương dôi dư công nhân thôi việc".

Nếu cứ mỗi tháng công ty trả cho tôi 1-3 triệu đồng thế này thì khoảng 5-9 năm mới đủ số tiền 108 triệu đồng, sợ rằng tôi không đợi được đến lúc được nhận hết tiền chế độ nghỉ việc mà phải viết di chúc cho con nhận thay", anh Thiện nói.

Chị Nguyễn Thị Lệ, vào làm việc tại nhà máy sợi từ năm 2003, cũng nằm trong nhóm nhân sự bị cho thôi việc từ ngày 15/1.

Nhận tiền nghỉ việc kiểu trả góp, công nhân viết di chúc... nhờ nhận hộ - 2

Đoàn công tác liên ngành UBND thành phố Vinh ghi nhận kiến nghị của người lao động (Ảnh: Nguyễn Thanh).

"Bị mất việc ở thời điểm này chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về nguồn thu nhập, tìm kiếm việc làm. Các chế độ, quyền lợi mà chúng tôi được hưởng là theo đúng quy định của pháp luật nhưng thực tế, chúng tôi phải nhận tiền kiểu... trả góp từ công ty", chị Lệ nhận định.

Không đồng tình với cách chi trả này, các công nhân đã tập trung trước cổng công ty, yêu cầu lãnh đạo có trả lời cụ thể. Các lao động kiến nghị phía công ty giải quyết các chế độ cho lao động bị thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết trong năm 2023.

Theo các lao động, những kiến nghị, đề xuất về chi trả chế độ cho người lao động thuộc diện dôi dư này đã được chuyển đến lãnh đạo công ty nhiều lần trước đó nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Nhận tiền nghỉ việc kiểu trả góp, công nhân viết di chúc... nhờ nhận hộ - 3

Theo phương án sắp xếp, Công ty cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan có 119 lao động thuộc diện dôi dư, phải chấm dứt hợp đồng (Ảnh: Hoàng Lam).

Sáng cùng ngày, sau khi nắm bắt thông tin, đại diện chính quyền địa phương và Liên đoàn lao động thành phố Vinh đã có mặt, ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của người lao động.

Đoàn công tác liên ngành đề nghị các công nhân lập danh sách từng nội dung kiến nghị, đồng thời yêu cầu lãnh đạo công ty bố trí nhân sự và sắp xếp thời gian để tổ chức đối thoại, giải quyết thỏa đáng, tháo gỡ vấn đề cho người lao động. Cuộc đối thoại dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này, với sự tham gia đầy đủ các cơ quan chức năng liên quan.

Theo phương án sử dụng lao động của Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan, có 119/387 lao động tại doanh nghiệp bị chấm dứt hợp đồng do công ty không thể giải quyết được việc làm.

Công ty dự kiến chi hơn 2,8 tỷ đồng kinh phí chi trả trợ cấp mất việc làm và hơn 72 triệu đồng trợ cấp thôi việc cho số lao động kể trên.

Phía công ty cam kết chi trả các chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định; đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ và hoàn tất thủ tục chốt bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Các chế độ hỗ trợ khác (nếu có) công ty sẽ căn cứ trên tình hình tài chính thực tế và có thông báo cụ thể cho người lao động.