1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

5000 công nhân ngừng việc tập thể: Không coi là nghỉ việc không lý do!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Vụ hàng nghìn công nhân một công ty tại Nghệ An ngừng việc đã sang ngày thứ 6, đại diện Liên đoàn lao động tỉnh cho biết, luật quy định về lý do đình công khi không thống nhất về lợi ích...

Chỉ bổ sung phụ cấp thâm niên, công nhân chưa đi làm lại

Ngày 7/2, 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory, đóng trên địa bàn xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu (Nghệ An) ngừng việc tập thể, yêu cầu tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp thâm niên, cải thiện điều kiện làm việc và xử lý những vấn đề liên quan đến thái độ ứng xử giữa cán bộ quản lý và người lao động.

5000 công nhân ngừng việc tập thể: Không coi là nghỉ việc không lý do! - 1

Cuộc đình công của 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đã bước sang ngày thứ 6 khi yêu cầu tăng lương cơ bản không được đáp ứng (Ảnh: Hoàng Lam).

Nhiều nhóm ý kiến, kiến nghị của người lao động đã được công ty xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản là tăng lương, bổ sung phụ cấp thâm niên không được đáp ứng. Chính vì vậy, người lao động chưa đồng ý quay trở lại làm việc. Cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo công ty và người lao động vào sáng 10/2 cũng chưa đi đến thống nhất hướng giải quyết vấn đề này.

Chiều 11/2, khi cuộc ngừng việc bước sang ngày thứ 5, phía Công ty TNHH Viet Glory đã có động thái mới, trong đó quyết định bổ sung khoản phụ cấp thâm niên cho người lao động với mức mỗi tháng 30.000 đồng đối với người lao động làm việc từ một năm trở lên. Lao động có thâm niên từ 7 năm làm việc trở lên hưởng mức 210.000 đồng/tháng.

Riêng kiến nghị tăng lương cơ bản, Công ty cho biết sẽ xem xét trong thời gian tới.

Hiện mức lương cơ bản mà doanh nghiệp này trả cho người lao động là 3.670.000 đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng 3.070.000 đồng/tháng đối với vùng IV được quy định tại Nghị định 90/2019.

5000 công nhân ngừng việc tập thể: Không coi là nghỉ việc không lý do! - 2

Công ty TNHH Viet Glory đồng ý bổ sung phụ cấp thâm niên và ban hành phương pháp tính phụ cấp thâm niên đối với người lao động (Ảnh: Đ.C).

Trong thông báo trả lời kiến nghị của người lao động, Công ty TNHH Viet Glory cho biết, từ ngày 12/2, nếu không nhân không quay trở lại làm việc, phía công ty sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật và nội quy của công ty.

Thực tế, ngày 12/2, các công nhân vẫn chưa đi làm trở lại.

Đình công chưa đúng trình tự nhưng lý do phù hợp quy định pháp luật

Trao đổi về quy định pháp luật áp dụng trong trường hợp này, luật sư Lê Thị Kim Soa - Văn phòng Luật sư Lê Trần (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, đối với vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Viet Glory, theo thông tin phản ánh, hàng nghìn người lao động đã ngừng việc sang ngày thứ 6. Lúc này, cần phải xem xét, việc người lao động tự ý ngừng việc có đúng quy định của pháp luật hay không, tức là cuộc đình công này có thực hiện có đúng quy định không, có sự tham gia lãnh đạo, tổ chức của tổ chức công đoàn hay không?.

Thông tin về những vấn đề đặt ra, chiều 12/2, bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An, người trực tiếp có mặt tại Công ty TNHH Viet Glory, cho biết, đến thời điểm này, tổ chức công đoàn đang nỗ lực để đi đến thống nhất một biên bản cam kết chung nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên, tránh sự việc đi xa hơn.

5000 công nhân ngừng việc tập thể: Không coi là nghỉ việc không lý do! - 3

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An trao đổi với người lao động (Ảnh: Trần Vân).

Đoàn đã gặp gỡ công nhân, lắng nghe thêm các kiến nghị, vướng mắc tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động, đồng thời trực tiếp làm việc với ban lãnh đạo công ty, công đoàn công ty.

Đối với doanh nghiệp, Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An tư vấn về kỹ năng đối thoại với tập thể lao động; định hướng cho người sử dụng lao động về phương hướng giải quyết các nội dung còn vướng mắc giữa 2 bên, đặc biệt là vấn đề tiền lương cơ bản và phụ cấp thâm niên dành cho người lao động, trên cơ sở nghiên cứu tham khảo mức lương tối thiểu vùng của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Diễn Châu và toàn tỉnh để đưa ra quyết định hợp lý, đáp ứng nhu cầu thu hút lao động của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh về lao động.

"Vụ đình công này chưa đúng trình tự quy định của pháp luật, không có sự tham gia của tổ chức công đoàn trong việc tổ chức, lãnh đạo. Còn đình công có được xác định là trái pháp luật hay không thì phải có phán quyết của tòa án hoặc của hội đồng trọng tài.

Người lao động đang ngừng việc để đình công vì lợi ích, lý do này có trong quy định pháp luật, không phải là nghỉ việc không lý do. Thời điểm này doanh nghiệp chưa thể áp dụng điểm e, khoản 1, Điều 36 Luật Lao động để đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người lao động", bà Hương cho hay.