1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vụ 5.000 công nhân ngừng việc tập thể: Không tăng lương, chưa đi làm!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Cuộc đối thoại không đi đến thống nhất giải quyết các kiến nghị của người lao động. Các công nhân cho biết, nếu không tăng lương sẽ không quay lại làm việc.

Sau 3 ngày diễn ra cuộc ngừng việc tập thể của 5.000 công nhân, sáng 10/2, Công ty TNHH Viet Glory (đóng tại xã Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An) đã tổ chức đối thoại với người lao động dưới sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương, Liên đoàn lao động huyện.

Vụ 5.000 công nhân ngừng việc tập thể: Không tăng lương, chưa đi làm! - 1

Sau 3 ngày ngừng việc, sáng 10/2, gần 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory chưa đồng ý quay trở lại làm việc do các kiến nghị tăng lương, bổ sung phụ cấp thâm niên không được đáp ứng (Ảnh: Hoàng Lam).

Trước đó, ngày 7/2, công nhân Công ty TNHH Viet Glory đồng loạt ngừng việc và đưa ra 11 kiến nghị, yêu cầu lãnh đạo công giải quyết. Trong đó, yêu cầu cơ bản là tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp thâm niên, đảm bảo các chế độ hỗ trợ, tôn trọng người lao động.

Ngày 8/2, sau buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu, Liên đoàn lao động huyện (LĐLĐ) và các đơn vị liên quan, phía công ty đã ra thông báo giải quyết kiến nghị, giải quyết hoặc sẽ xem xét giải quyết một số kiến nghị về chế độ phụ cấp, văn hóa ứng xử...

Tổ chức đối thoại với 5.000 lao động ngừng việc tập thể

Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm là tăng lương và bổ sung phụ cấp thâm niên thì công ty khẳng định không thể đáp ứng trong thời điểm này. Tại thời điểm này, mức lương cơ bản cho người lao động mà công ty trả là 3.670.000 đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng 4 theo quy định (3.070.000 đồng).

Không đồng ý với thông báo này, người lao động chưa quay trở lại làm việc nên công ty quyết định đối thoại với đại diện công nhân để giải quyết vướng mắc giữa hai bên. Tuy nhiên kế hoạch này không thực hiện được do đại diện công nhân không vào đối thoại. Lãnh đạo công ty và đại diện LĐLĐ huyện Diễn Châu thực hiện đối thoại trực tiếp với người lao động.

Vụ 5.000 công nhân ngừng việc tập thể: Không tăng lương, chưa đi làm! - 2

Ông Zhang Shih Yueh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Viet Glory (khoanh đỏ) trực tiếp đối thoại với người lao động sáng 10/2 (Ảnh: Hoàng Lam).

"Hiện mức lương công ty chi trả cho người lao động cao hơn lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Trong năm nay, Nhà nước cũng không thực hiện tăng lương. Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không có kế hoạch tăng lương hay bổ sung phụ cấp thâm niên. Rất mong người lao động hiểu và đồng hành với công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Hồ Trọng Lưu - trợ lý kiêm phiên dịch lại ý kiến của ông Zhang Shih Yueh (Phó Giám đốc Công ty TNHH Viet Glory).

Ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu - khẳng định, kiến nghị tăng lương, bổ sung phụ cấp thâm niên của người lao động là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, cần phải xét vào bối cảnh hiện nay của công ty và quy định của pháp luật để có thể đi đến thống nhất cách giải quyết, đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên. Còn các kiến nghị khác liên quan đến chế độ chính sách của người lao động, tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng sẽ làm việc cụ thể với đại diện công ty.

Vụ 5.000 công nhân ngừng việc tập thể: Không tăng lương, chưa đi làm! - 3

Ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu - thuyết phục, vận động công nhân xem xét bối cảnh hiện nay của công ty và quy định của pháp luật để có thể đi đến thống nhất cách giải quyết, đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên (Ảnh: Hoàng Lam).

Tuy nhiên, người lao động khẳng định khi yêu cầu tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp thâm niên không được giải quyết thì họ chưa quay trở lại làm việc. Sau khi không thống nhất được vấn đề cốt lõi này, các công nhân đã giải tán, không tập trung trước cổng công ty.

Ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu - cho biết, tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền cho công nhân chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Chính sách sẽ có từng bước tháo gỡ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục có những cuộc làm việc, đàm phán, thương lượng với lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory. Với tinh thần thiện chí, chia sẻ với người lao động, vì người lao động và để người lao động gắn bó lâu dài với công ty để tính toán có chính sách phù hợp cùng với mặt bằng chung trong toàn huyện", ông Cường cho hay.

Vụ 5.000 công nhân ngừng việc tập thể: Không tăng lương, chưa đi làm! - 4

Người lao động phản ánh các nội dung kiến nghị với các phóng viên (Ảnh: Hoàng Lam).

Trao đổi với báo chí sau buổi đối thoại không thành, ông Zhang Shih Yueh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Viet Glory cho biết, việc công nhân tự ý ngừng việc tập thể đã gây thiệt hại lớn cho công ty, các đơn hàng phải chuyển cho đơn vị khác thực hiện. Ông không thể kết luận được ai đúng, ai sai trong sự việc này nhưng thời điểm hiện tại, công ty không thể đáp ứng yêu cầu tăng lương, bổ sung phụ cấp thâm niên cho người lao động.

"Chúng tôi thực hiện các chế độ cho người lao động theo đúng pháp luật của Việt Nam. Nếu người lao động không quay trở lại làm việc thì công ty cũng sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam", ông Zhang cho hay.

Theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.