Vô tình đến với nghề sửa ô tô nhưng rồi trở thành... đam mê

(Dân trí) - Nghề sửa ôtô luôn làm người mới vào nghề mệt nhoài, lấm lem dầu mỡ, thậm chí làm việc không lương. Nhưng là kết quả tất yếu của sự mẫn tiệp và chuyên cần, “trái ngọt” đã đến với người yêu nghề.

Vô tình đến với nghề sửa ô tô nhưng rồi trở thành... đam mê - 1

Chọn nghề “ngẫu hứng”

Câu chuyện của Nguyễn Đình Tiến (Quốc Oai, Hà Nội), kỹ thuật viên máy - gầm - điện tại một đại lý sửa chữa ô tô ở đầu đại lộ Thăng Long là một tham khảo về câu chuyện chọn nghề.

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Tiến đã chọn ngẫu hứng ngành sửa chữa ô tô tại một trường cao đẳng ở Hà Nội.

Nghề thuôc nhóm cơ khí, khô khan, nặng nhọc và tỉ mẩn. Nhưng lạ thay, càng học Tiến lại càng “nghiện” những vết dầu mỡ, mùi xăng, con ốc vít và hệ thống phần mềm điều kiển phức tạp của nhiều loại xe ô tô.

Đi xin việc làm thêm từ năm thứ nhất cao đẳng, Tiến học lý thuyết vào buổi sáng, chiều thực hành trực tiếp ở xưởng sửa chữa giúp bạn tích lũy nhiều kinh nghiệm.

Vô tình đến với nghề sửa ô tô nhưng rồi trở thành... đam mê - 2

Một thợ sửa xe ô tô đang làm việc

Vì vậy, sau tốt nghiệp, Tiến không mất khoảng thời gian học việc mà được tuyển dụng vào làm kỹ thuật viên tại đại lý chính hãng. So với nhiều bạn mới trường, mức lương trên 10 triệu đồng của Tiến là một điều mơ ước.

“Đến bây giờ, mình vẫn không hối hận khi chọn nghề sửa ô tô”, Tiến vui vẻ chia sẻ.

Đến với nghề là duyên nhưng để sống với nghề thì những người thợ cần phải có niềm đam mê thực sự. Nếu mỗi người không chịu khó tìm tòi, học hỏi, lăn lộn thì sau nhiều năm cũng chỉ loanh quanh với việc rửa xe, thay lốp, bị “chỉ đâu đánh đấy” tại các xưởng sửa chữa.

Vì vậy, nhiều sinh viên, học viên học nghề sửa chữa ô tô đã xin đi làm thêm ngay từ năm thứ nhất.

Càng học nhiều càng tốt

Theo anh Trần Trung Hậu, kỹ thuật viên phần mềm chuẩn đoán, Công ty OBD Việt Nam (trụ sở tại Hà Nội), nghề sửa chữa ô tô càng học hỏi thêm nhiều càng tốt.

Chính vì vậy, ngay từ khi mới vào trường, anh đã xin làm thêm tại các xưởng sửa chữa xung quanh.

Vô tình đến với nghề sửa ô tô nhưng rồi trở thành... đam mê - 3

Ngoài phần lý thuyết trên lớp và thực hành tại xưởng, anh Hậu còn tận dụng mạng xã hội Facebook để tìm hiểu kiến thức. Anh Hậu tiết lộ, anh luôn nhiệt tình tham gia vào các hội nhóm sửa chữa ô tô để giao lưu học hỏi kinh nghiệm.

Suốt 3 năm học nghề, anh Hậu đều nhận học bổng và từng đạt giải Nhì cuộc thi tay nghề Thành phố. Sau 6 tháng thử việc và gần 1 năm ra trường, anh Hậu đã giờ trở thành kỹ thuật viên bậc 3 - mức kỹ thuật viên cao nhất ở công ty.

Theo Tiến sĩ Kỹ thuật Cơ khí Động lực Lê Danh Quang, trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, sinh viên chuyên ngành công nghệ ô tô khi ra trường có thể làm được ở nhiều nơi.

Đơn cử như thiết kế mẫu xe, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa ô tô của các hãng và gara; quản lý hệ thống xe cho các doanh nghiệp.

Thậm chí, mảng việc làm của nghề có thể mở rộng với các công việc liên quan tới máy móc, kỹ thuật ô tô tại các lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.

Thầy Quang chia sẻ, sau khi ra trường cũng có giai đoạn khó khăn về tài chính khi phải vừa đi học, vừa đi làm. Tuy nhiên, niềm đam mê với nghề đã giúp thầy vượt qua mọi thách thức.

Theo nhiều chuyên gia nhân lực tại Hà Nội, nghề sửa chữa ô tô đang rất cần lao động có tay nghề giỏi bởi nhu cầu sử dụng ô tô đang tăng nhanh.

Để giải quyết bài toán thiếu nhân lực lúc này, nhiều đại lý và gara ô tô còn chấp nhận cho sinh viên năm đầu các trường trung cấp, cao đẳng làm việc. Sau khi tốt nghiệp thì nhận về làm việc.

Thậm chí, tình trạng “câu kéo” thợ có tay nghề giỏi giữa các gara đôi khi cũng xảy ra với tiêu chí mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt. Đứng ở góc độ nào đó, đây cũng là cơ hội để nhiều thợ nghề tự tin hơn khi gắn bó lâu dài với nghề sửa chữa ô tô.

Nga Tào