Phú Yên: Cần ưu tiên dạy nghề và tạo việc làm cho lao động ở địa bàn nghèo

(Dân trí) - Ngày 13-14/7, đoàn công tác Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thực hiện chương trình giám sát tại Phú Yên về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo và hỗ trợ người dân gặp khó do dịch Covid-19.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2016 - 2020 địa phương đã đạt mục tiêu giảm nghèo và hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.

Kết quả điều tra vào năm 2016, toàn tỉnh có 30.803 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo 12,62 %. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 10.271 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,93%. Dự đoán, đến cuối năm 2020, tỷ lệ này còn 2,54%.

Phú Yên: Cần ưu tiên dạy nghề và tạo việc làm cho lao động ở địa bàn nghèo - 1

Nhiều chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi để giúp người nghèo thoát nghèo

Trong 5 năm qua, các cấp, các ngành ở tỉnh Phú Yên đã xây dựng hàng ngàn ngôi nhà cho người nghèo với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế, địa phương đã duy trì và đẩy mạnh thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn.

Nguồn vốn này dùng để phát triển sản xuất, chăn nuôi một số giống cây, con có giá trị kinh tế cao kết hợp với sản xuất hàng hóa, bảo vệ môi tường.

Tỉnh cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ về y tế cho hộ nghèo, cận nghèo.

Trong 5 năm qua, tỉnh Phú Yên đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và hộ nghèo. Tỉnh đã tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với sản xuất hàng hóa.

Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ học sinh con hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Phú Yên: Cần ưu tiên dạy nghề và tạo việc làm cho lao động ở địa bàn nghèo - 2

Ông Võ Văn Binh đề nghị các địa phương phải xem công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện các chính sách giảm nghèo có hiệu quả, ông Võ Văn Binh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên đề nghị: “Các địa phương phải xem công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm".

Theo ông Binh, người nghèo cần phải tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài.

Đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tính đến thời hiện nay, tỉnh Phú Yên có tổng số đối tượng được hỗ trợ là 161.032 người với số tiền là 162,660 tỷ đồng.

Phú Yên: Cần ưu tiên dạy nghề và tạo việc làm cho lao động ở địa bàn nghèo - 3

Đến nay Phú Yên đã chi hỗ trợ cho 161.032 người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền hơn 162 tỷ đồng

Trong đó, chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo là 143.633 người, với số tiền hơn 145 tỷ đồng; Nhóm người lao động (bao gồm hộ kinh doanh) là 17.399 người, với số tiền hỗ trợ là hơn 17 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Phú Yên trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững trong thời gian qua.

Đồng thời ông Nguyễn Hoàng Mai đề nghị với địa phương phải thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển.

Phú Yên: Cần ưu tiên dạy nghề và tạo việc làm cho lao động ở địa bàn nghèo - 4

Ông Nguyễn Hoàng Mai yêu cầu Phú Yên cần ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại các địa bàn nghèo

“Trong thời gian tới, Phú Yên cần ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại các địa bàn nghèo, địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số để khuyến khích sự tích cực, chủ động người nghèo vươn lên phát triển kinh tế…", ông Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh.

Trung Thi