Vợ chồng cùng khởi nghiệp
Hôn nhân và kinh doanh là hai phạm trù quan trọng và không kém phần phức tạp.
Giả thử một ngày nào đó, bạn và bạn đời cùng đi trên một chuyến tàu khởi nghiệp, phải vừa làm tốt công việc kinh doanh vừa giữ được mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp, thì liệu cả hai có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ? Thế nhưng, đã làm kinh doanh thì rủi ro là điều không thể tránh khỏi, và một khi có rủi ro thì quan hệ vợ chồng cũng ảnh hưởng theo.
Tuy vậy, vẫn có nhiều công ty mà trong đó cả hai vợ chồng cùng khởi nghiệp, chẳng hạn như Evenbrite, SlideShare, Houstrip và Knok, đã thành công rực rỡ. Đó là nhờ họ có những bí quyết riêng, muốn chia sẻ với những cặp vợ chồng khác có cùng chí hướng.
Luôn có quỹ dự trữ trong trường hợp khẩn cấp
Không ít cặp vợ chồng khởi nghiệp có suy nghĩ chủ quan rằng họ sẽ không gặp bất cứ rào cản nào khi “xuất quân”. Chính điều này vô tình tạo ra những mâu thuẫn vợ chồng không đáng có trên chặng đường khởi nghiệp. Do đó, cách phòng xa là cùng hợp sức tổ chức một quỹ dự trữ trong những trường hợp khẩn cấp và một kế hoạch hỗ trợ, để sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Quỹ dự trữ có thể được dùng trong các trường hợp, chẳng hạn như thay đổi chiến lược kinh doanh, hỗ trợ chiến dịch quảng bá sản phẩm, thương hiệu… Và dù trong bất cứ trường hợp nào, vợ chồng nên cùng bàn bạc để có một phương án B dự phòng, nhằm giảm càng ít càng tốt các yếu tố nguy cơ.
Cần xác định rõ các nhiệm vụ, trách nhiệm khi làm việc
Trong công ty khởi nghiệp do vợ chồng đồng sáng lập, việc phân chia quyền hạn, trách nhiệm công việc của mỗi người là rất quan trọng, như bao công ty khác. Chuyên gia nghiên cứu tài chính, doanh nhân người Mỹ, Steve Blank, có chia sẻ: “Mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp cần có người chịu trách nhiệm về những ý tưởng khởi nghiệp, người thiết kế hoạt động khởi nghiệp và các hoạt động trong ngày, và một người điều hành công ty”.
Do đó, ngay từ buổi đầu, vợ chồng cần phân rõ trách nhiệm cụ thể, để người này không giẫm chân lên chuyên môn của người kia, cũng là cách thể hiện tác phong làm việc chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, một khi đã xác định việc của ai người nấy làm, thì phải hoàn toàn tin vào năng lực của nhau.
Tách biệt giữa công việc và cuộc sống vợ chồng
Các cặp vợ chồng có bạn đời cùng khởi nghiệp thừa nhận rằng họ phải cố gắng hết sức để không đem công việc về nhà, nhưng vì vợ chồng thường xuyên gặp gỡ nhau, khiến vấn đề càng trở nên khó khăn gấp bội. Giáo sư chuyên ngành quản lý Laura Huang, Trường ĐH Wharton, Hoa Kỳ, gọi điều này là “Hiện tượng gần gũi gây đau đớn”, hay nói theo cách đơn giản là các cặp vợ chồng có thể cảm nhận một cảm giác khó chịu khi gần gũi bên nhau. Từ đó, có xu hướng làm giảm cơ hội để tách biệt công việc – cuộc sống cá nhân và sức ép giữa đôi bên.
Vậy nên, việc thiết lập các quy tắc và dành thời gian cho những cuộc hẹn hò buổi tối và thời gian cho gia đình, nơi mà công việc không được đem ra để bàn luận, cũng giống như ở nơi làm việc, là điều rất cần thiết. Ở một chừng mực nào đó, sẽ giúp ngăn chặn các vấn đề ở nơi làm việc trở thành vấn đề mang tính cá nhân.
Và, một điều quan trọng khi vợ chồng cùng khởi nghiệp là hãy luôn tôn trọng và giao tiếp cởi mở với bạn đời.
Theo Doanh nhân Sài gòn/Your Story