1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vĩnh Long: Bỏ làm giám đốc về quê nuôi lươn kiếm tiền tỷ

(Dân trí) - Đang là giám đốc cho một công ty nước ngoài với lương gần 30 triệu/ tháng nhưng anh Nguyễn Thanh Tân (37 tuổi), ngụ ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đã từ bỏ công việc về vườn nuôi lươn giống cho thu nhập tiền tỷ.

Khởi nghiệp từ 200m2 đất mướn

Đang là Giám đốc sản xuất với mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. Vừa làm việc, anh Tân vừa xem trên mạng internet thấy có nhiều mô hình và hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn. Qua nghiên cứu rồi đam mê nghề nuôi lươn, anh Tân quyết định về nhà bạn ở Bến Tre thuê 200m² đất nuôi thử nghiệm lươn thịt.

Anh Tân đang ươm trứng lươn trong nhà.
Anh Tân đang ươm trứng lươn trong nhà.

Sau 10 tháng nuôi “mẻ” lươn đầu tiên của anh đã cho lợi nhuận. Nhận thấy được nghề nuôi lươn có tiềm năng anh Tân quyết định xin nghỉ việc, về quê quyết chí lập nghiệp bằng nghề nuôi lươn và sản xuất lươn giống.

Năm 2012, năm đầu tiên, do mua thu gom ngoài chợ, chất lượng con giống không đảm bảo, cộng với kinh nghiệm chưa nhiều nên lươn chết hàng loạt, anh Tân lỗ khoảng 70 triệu đồng. Nhưng gian nan, không nản, anh Tân bắt đầu làm lại. Lần này để tránh thất bại như lần trước, anh Tân tìm đến Trung tâm giống ở tỉnh An Giang để tham quan và học quy trình sản xuất và nhân giống lươn.

Anh Tân giới thiệu lươn giống nở đồng đều và sạch bệnh
Anh Tân giới thiệu lươn giống nở đồng đều và sạch bệnh

Năm 2013 Anh Tân mua 3.000 con giống về tiếp tục nuôi trong bể, sau 10 tháng bán lươn thịt, anh Tân thu về hơn 20 triệu đồng tiền lời. Sau đó, anh Tân tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật cho lươn sinh sản và tạo lươn bột.

Năm 2014, kinh nghiệm đã có anh Tân lại tiếp tục thực nghiệm quy trình cho lươn đẻ. Năm 2015 tỷ lệ trứng nở đạt đến trên 70%. Và các năm tiếp theo đều đạt tỉ lệ càng tăng dần. Năm 2017, anh Tân mở rộng cơ sở sản xuất diện tích 2.000m2, với 5.000 con lươn “bố mẹ”, cho ra lò hơn 1 triệu con giống và bán ra thị trường trong nước, với giá trung bình khoảng 3.000đ/con, anh lãi hơn 1 tỷ đồng.

Cuối năm 2017, anh Tân tiếp tục thuê đất mở rộng thêm cơ sở sản xuất lươn giống lên hơn 4.000m2, với 10.000 con bố mẹ. Mỗi tháng cơ sở của anh Tân sản xuất và bán được khoảng 200.000 con giống.

Trang trại nuôi lươn bố mẹ để lấy trứng ấp của anh Tân
Trang trại nuôi lươn bố mẹ để lấy trứng ấp của anh Tân

Không dừng lại ở đó, hiện tại Anh Tân cùng với người anh họ ra ngoại thành Thủ đô Hà Nội thuê đất mở chi nhánh tại miền Bắc với diện tích 2.000m2 vừa nuôi lươn thương phẩm, vừa vận chuyển bán lươn giống cho khu vực phía bắc.

Anh Tân cho biết thêm: “Sau khi mở chi nhánh lươn ở phía Bắc hoạt động ổn định tôi sẽ mở thêm các chi nhánh ở khắp cả nước và xa hơn nữa tôi sẽ cho con lươn giống “Thanh Tân” bay sang nước ngoài nữa.”

Lập wedsite bán lươn

Để quảng bá thương hiệu và để người dân dễ tiếp cận với con lươn của mình anh Tân còn lập wedsite: luongiongvinhlong.com để trao đổi kinh nghiệm và bán lươn giống cảu mình đi khắp cả nước.

Anh Tân dùng vải bạt làm bể bán kiên cố nuôi lươn thịt để giới thiệu, hướng dẫn cách nuôi lươn cho người dân
Anh Tân dùng vải bạt làm bể bán kiên cố nuôi lươn thịt để giới thiệu, hướng dẫn cách nuôi lươn cho người dân

Anh Tân cho biết: “Tôi bán khoảng 70% lươn giống nhờ wedsite, thời gian tới tôi sẽ thành lập công ty sản xuất cung cấp lươn giống và nuôi lươn thương phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, tôi cũng nghiên cứu chế biến thịt lươn đông lạnh và các sản phẩm chế biến từ thịt lươn xuất khẩu, chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm cho người muốn nuôi lươn”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước cho biết, cơ sở của anh Nguyễn Thanh Tân là mô hình sản xuất lươn giống rất có hiệu quả. Bên cạnh việc sản xuất và bán con giống, anh Tân còn chuyển giao công nghệ nuôi lươn thương phẩm cho bà con. Những hộ trong xã chưa có vốn anh Tân vừa hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cũng vừa hỗ trợ con giống. Cơ sở sản xuất lươn giống của anh Tân với quy mô và kỹ thuật có thể nói là nhất tỉnh hiện nay.

Lan Anh