Viên chức xin thôi việc có được hưởng trợ cấp không?
Bà Trần Thị Thiện Mỹ (Tiền Giang) sinh năm 1969, đóng BHXH từ ngày 1/1/1990. Từ tháng 1/1990 đến tháng 10/2009, bà hưởng lương công chức và từ tháng 11/2009 đến nay, hưởng lương viên chức. Bà Mỹ hỏi, nếu bà xin nghỉ việc thì có được trợ cấp thôi việc không? Nếu có thì đơn vị nào chi trả?
Chế độ trợ cấp đối với viên chức mắc bệnh... Trợ cấp thôi việc trường hợp viên chức chết Đơn phương chấm dứt hợp đồng có được trợ cấp... Đã nhận trợ cấp thôi việc, có được tính hưởng... Trợ cấp thôi việc trường hợp làm việc tại nhiều...
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 38 và Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, các trường hợp giải quyết thôi việc, thủ tục giải quyết thôi việc, trợ cấp thôi việc thực hiện như sau:
Viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp:
- Viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.
- Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5, Điều 29 Luật Viên chức , gồm:
Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc (HĐLV) không xác định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 3 ngày.
Viên chức làm việc theo HĐLV xác định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp: Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc; Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo HĐLV; Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động; Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh; Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 3 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
- Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt HĐLV với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d và Điểm đ, Khoản 1, Điều 29 Luật Viên chức, gồm:
Viên chức làm việc theo HĐLV không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo HĐLV xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 6 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn.
Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Thủ tục giải quyết thôi việc
Viên chức có nguyện vọng thôi việc có văn bản gửi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định chấm dứt HĐLV; nếu không đồng ý cho viên chức thôi việc thì trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt HĐLV với viên chức, đồng thời giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức.
Cách tính trợ cấp thôi việc
Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31/12/2008 trở về trước được tính như sau:
Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng.
Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.
Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo HĐLV (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.
Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 1/1/2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp bà Trần Thị Thiện Mỹ, được tuyển dụng và đóng BHXH từ ngày 1/1/1990 đến nay. Từ tháng 1/1990 đến tháng 10/2009 hưởng lương theo chế độ công chức; từ tháng 11/2009 đến nay hưởng lương theo chế độ viên chức. Bà Mỹ sinh ngày 23/9/1969, đến thời điểm này (tháng 12/2016) đã đủ 47 tuổi, nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Nay bà Mỹ muốn xin thôi việc.
Nếu toàn bộ thời gian từ khi được tuyển dụng vào tháng 1/1990 cho đến nay (bao gồm cả giai đoạn được gọi là công chức và giai đoạn được xác định là viên chức) bà Mỹ đều làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập này và nay bà Mỹ thôi việc theo một trong các trường hợp được giải quyết thôi việc (nêu trên), thì được hưởng trợ cấp thôi việc.
Theo đó, thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc đối với bà Mỹ là từ ngày 1/1/1990 đến ngày 31/12/2008 bằng 18 năm. Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Khi được giải quyết thôi việc, bà Mỹ được hưởng trợ cấp thôi việc và được xác nhận thời gian có đóng BHXH.
Theo Chinhphu.vn
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.