Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp với giáo viên

Bà Trần Thị Ngọc Duyên (tỉnh Hải Dương) là viên chức của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, hiện đang hưởng lương ngạch cán sự hệ số 4,06. Năm 2013, bà tốt nghiệp đại học chính trị, có chứng chỉ cao cấp chính trị, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Quy định về thay đổi chức danh nghề nghiệp với... Thay đổi chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị... Điều kiện đặc cách chuyển chức danh nghề nghiệp Căn cứ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp với...

Bà Duyên tham gia giảng dạy từ năm 2014 đến tháng 3/2016 hưởng 30% phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy. Nhưng, đến nay bà Duyên vẫn không được chuyển xếp ngạch lương giảng viên. Bà Duyên hỏi, cách xếp lương của bà như vậy có đúng quy định không? Muốn chuyển xếp ngạch lương thì phải làm thế nào?

Về vấn đề này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương trả lời như sau:

Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại Điều 29 quy định về việc thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức như sau: Khi chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng phải thực hiện thông qua việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp; Khi thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng ngành, lĩnh vực phải thực hiện thông qua việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức tại Điều 6 quy định: Việc xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng đối với viên chức phải bảo đảm các điều kiện sau: Viên chức được bố trí sang vị trí việc làm mới có yêu cầu chức danh nghề nghệp chuyên ngành khác cùng hạng với chức danh nghề nghiệp đang đảm nhiệm; Viên chức đáp ứng đúng tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp mới.

Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV, ngày 28/11/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập tại Điều 6 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03, trong đó tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng như sau: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên; Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT- BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Đối với giảng viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT- BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Theo quy định nêu trên thì trường hợp bà Trần Thị Ngọc Duyên là viên chức của Trung tâm Bồi Dưỡng chính trị huyện (thuộc khối Đảng, đoàn thể), hiện đang giữ chức danh cán sự (chức danh cũ), hệ số lương 4,06 nếu đáp ứng đúng tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp mới thì được xét chuyển từ chức danh cán sự sang chức danh nghề nghiệp (chức danh mới). Việc thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Giảng viên hạng III (cao hơn chức danh hiện giữ) phải thực hiện thông qua việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Hiện nay đối với viên chức thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương chưa quy định cụ thể về việc chuyển xếp lương từ chức danh cán sự (chức danh cũ) sang chức danh nghề nghiệp (chức danh mới); chưa hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III.

Do vậy chưa có cơ sở để hướng dẫn cụ thể về việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp Giảng viên (hạng III) đối với bà Trần Thị Ngọc Duyên.

Theo Chinhphu.vn