Việc nâng lương với lao động hợp đồng trong đơn vị sự nghiệp

Người làm việc theo chế độ HĐLĐ quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao của đơn vị sự nghiệp công lập được xếp lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

Ông Lê Long Hồ ( longhobhxh@... ) đề nghị hướng dẫn việc nâng lương đối với trường hợp sau:

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong đơn vị sự nghiệp công lập từ tháng 10/2004 đến tháng 12/2010, được xếp bậc 1; hệ số 2,10 thang lương viên chức A0, Bảng lương số 3 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP .

Đến tháng 12/2010, lao động này có thời gian giữ bậc 1 là 6 năm 2 tháng, không được nâng bậc lương.

Đơn vị cho rằng việc ký HĐLĐ nói trên căn cứ theo Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007) và pháp luật lao động giai đoạn này chưa có quy định việc nâng lương đối với lao động hợp đồng.

Ông Hồ hỏi, đơn vị trên thực hiện như vậy có đúng quy định không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Lê Long Hồ như sau:

Theo quy định hiện hành, người làm việc theo chế độ HĐLĐ quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp và người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao của đơn vị sự nghiệp công lập được xếp lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, được nâng lương thường xuyên, được tham gia đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN và các chế độ chính sách khác như công chức, viên chức có cùng trình độ đào tạo hoặc có cùng vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp đó.

Nâng bậc lương đối với người lao động giai đoạn 2005 - 2013

Theo Điểm 2, Điểm 3 Mục V, Thông tư số 03/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ, kể từ ngày 1/10/2004, chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức được áp dụng quy định tại Thông tư này.

Đối với người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong các cơ quan Nhà nước và trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước đã được thỏa thuận trong HĐLĐ xếp lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hiện giữ thì được áp dụng chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Những người làm việc theo chế độ HĐLĐ được xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc, được tính chung trong số không quá 5% tổng số người trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị (gồm cả số trong biên chế và số lao động hợp đồng).

Theo đó, thời gian nâng bậc lương thường xuyên lần sau, áp dụng Tiết b, Điểm 1.1, Mục II Thông tư số 03/2005/TT-BNV, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức từ loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3 quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/2/2004 của Chính phủ, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng lên một bậc lương.

Kể từ ngày 15/9/2013, Thông tư số 03/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/3/2013 của Bộ Nội vụ. Chế độ bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với người lao động hợp đồng trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp Nhà nước vẫn tiếp tục được áp dụng như đối với cán bộ, công chức, viên chức

Trường hợp ông Lê Long Hồ phản ánh, từ tháng 10/2004 đến tháng 12/2010 người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong đơn vị sự nghiệp, được xếp lương bậc 1, hệ số 2,10 tháng lương viên chức loại A0 (trình độ cao đẳng) có thời gian giữ bậc là 6 năm 2 tháng nhưng không được nâng bậc lương.

Đơn vị cho rằng, việc ký HĐLĐ áp dụng Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007) và pháp luật lao động giai đoạn này chưa có quy định việc nâng lương đối với lao động hợp đồng trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, nên không có cơ sở nâng bậc lương thường xuyên cho người lao động. Quan điểm đó của đơn vị không phù hợp với quy định của pháp luật thời điểm đó, đã được viện dẫn nêu trên.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.