Việc làm cho NKT: Hơn 30 % người khuyết tật có nhu cầu học nghề và việc làm
(Dân trí) - “Trong số hơn 7 triệu người khuyết tật tại Việt Nam, khoảng 30 % có nhu cầu tìm việc làm và học nghề. Tuy nhiên, người khuyết tật còn vướng phải nhiều khó khăn trong tìm việc làm, tiếp cận giao thông và sự hỗ trợ của doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với PV Dân trí tại Phiên Giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật (NKT). Chương trình do Trung tâm DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 14/4.
Mong muốn tìm việc là nguyện vọng của nhiều NKT. “Thu nhập có được dù chỉ ở mức rất nhỏ nhưng thể sự hiện sự tự lập, vươn lên của NKT. Đó là điều đáng trân trọng” - ông Nguyễn Văn Hồi cho biết.
Tuy nhiên, đại diện Cục Bảo trợ xã hội cũng thừa nhận nhiều rào cản trong việc tiếp cận của NKT với việc làm, dạy nghề. Muốn khắc phục cần giải pháp đồng bộ.
“Cơ quan Nhà nước cần tạo thêm cơ chế tín dụng, đất đai cho doanh nghiệp có sử dụng NKT vào làm việc. Chúng tôi cũng kêu gọi doanh nghiệp tăng cường trách nhiệm xã hội, tạo việc làm cho NKT, cải tạo môi trường làm việc, công trình vệ sinh, vị trí làm việc, đường đi lối lại cho NKT” - ông Nguyễn Văn Hồi nói.
Ngay tại Phiên GDVL, những khó khăn tiếp cận việc làm đã được NKT cho biết. Đó có thể là trăn trở khi làm thế nào để giữ công việc lâu dài.
“Doanh nghiệp tiếp nhận tôi rồi nhưng chỗ làm việc liệu có đường lên cho xe lăn hay không? NKT có chỗ đi vệ sinh riêng hay không? Liệu tôi có nhận được sự thiện cảm từ các đồng nghiệp hay không…” - Nguyễn Anh Tuấn, một NKT tâm sự tại Phiên GDVL.
Được nhận vào làm việc, nhưng môi trường doanh nghiệp liệu có hợp với NKT?
Ngoài ra, nỗi trăn trở còn xuất phát từ sự tự ti - điểm yếu cố hữu của nhiều NKT.
Bà Nguyễn Thị Châu Loan - PCT Hội NKT Thanh Trì - cho biết: “Có những NKT trí tuệ minh mẫn, đôi tay hoạt động được nhưng việc đi lại phụ thuộc vào người thân trong nhà. Lâu dần, họ mặc cảm và ngại tiếp cận thực tế”.
Theo bà Nguyễn Thị Châu Loan, NKT kể trên cần những bạn đồng hành biết chia sẻ và cảm thông, khích lệ từ những cố gắng nhỏ nhất để hòa nhập.
Tại Phiên GDVL, một hướng đi khác trong tạo việc làm cũng được Hội NKT Hà Nội chia sẻ.
Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội, chia sẻ kết quả về công tác vay vốn và phát triển sản xuất của NKT.
Theo ông Dũng, cách làm này có tính bền vững vì NKT ít phải đi lại, gắn bó với thành viên gia đình. Tất nhiên, đối tượng tham gia phải là những NKT có điều kiện vận động và tỉnh táo trí tuệ.
“Đến nay, 18 Hội NKT quận, huyện đã được giải ngân hơn 8 tỉ đồng cho 425 hội viên vay phát triển sản xuất kinh doanh nhỏ, trồng trọt và chăn nuôi. Người có số tiền vay nhiều nhất là hơn 1.000.000 đồng. Các hội viên đều trả đúng kỳ hạn theo quy định của Ngân hàng” - ông Trịnh Xuân Dũng nói.
Nhờ có việc làm, đa số NKT được vay vốn đã không còn mặc cảm, tự ti. Nhiều người mở rộng mối quan hệ khách hàng. Đặc biệt, họ được hòa nhập bình đẳng với người không khuyết tật trên thị trường lao động.
Dù đã định hình hướng đi nhưng ông Trịnh Xuân Dũng cho rằng con số NKT được hỗ trợ còn rất nhỏ so với thực tế. “Hội NKT Hà Nôi có hơn 9.000 hội viên. Trong đó, gần 30% có nhu cầu học nghề và tìm việc làm. Việc hỗ trợ vẫn còn khiếm tốn”.
Quy định khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận NKT vào làm việc. Theo ông Nguyễn Văn Hồi: “Trước đây, Pháp lệnh về Người khuyết tật có đưa ra tỉ lệ tính bắt buộc doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc. Công tác thực hiện cho thấy quy định cứng nhắc và không phù hợp. Nhiều doanh nghiệp không thể tuyển được NKT vào làm việc. Nhiều vị trí không thể tuyển được NKT. Thực tế đó, Luật về NKT mới ban hành có nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp tuyển NKT vào làm việc với nhiều ưu đãi, tạo cơ chế linh hoạt và có lợi ích cho doanh nghiệp, phù hợp với cơ chế thị trường”. |
Hoàng Mạnh