1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vì sao nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đóng cửa "né" thanh tra?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Doanh nghiệp sử dụng nhiều cách để trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Khi bị khiếu nại, cơ quan chức năng đến thanh tra thì doanh nghiệp đóng cửa, "né" thanh tra.

Hơn 340.000 doanh nghiệp không có người đóng BHXH

Ngày 30/7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM phối hợp cùng Liên đoàn Lao động và BHXH Thành phố tổ chức Hội nghị chuyên đề "Giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia BHXH ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn thành phố".

Vì sao nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đóng cửa né thanh tra? - 1

Đại diện gần 50 cơ quan ngành lao động, BHXH và địa phương tham dự hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).

Tại hội nghị, bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết, hiện toàn thành phố có tỷ lệ số người tham gia BHXH đạt tỷ lệ 56% so với lực lượng lao động. Tuy nhiên, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH đặt ra là đến năm 2030, cả nước phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Do đó, TPHCM cần nhiều giải pháp đột phá để phát triển, mở rộng hơn độ bao phủ của BHXH, phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc và cả BHXH tự nguyện.

Vì sao nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đóng cửa né thanh tra? - 2

Bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Góp ý tại hội nghị, đại diện Liên đoàn Lao động và BHXH Thành phố đều đánh giá, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH là một khó khăn kéo dài nhiều năm mà chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết. Từ đó, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, thiếu niềm tin vào BHXH, khó mở rộng mạng lưới an sinh.

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, hiện số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) là gần 6.872 tỷ đồng. Sau khi trừ số tiền chậm đóng dưới 1 tháng và số chậm đóng khó thu thì tổng số tiền chậm đóng còn lại là gần 4.477 tỷ đồng.

Ngoài ra, hiện số doanh nghiệp đã đăng ký mã số tham gia BHXH là 461.654 doanh nghiệp với 2.539.971 lao động tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong số trên có đến 348.249 doanh nghiệp có số lao động bằng 0, tức là không có người đóng BHXH bắt buộc.

Sau khi rà soát, BHXH Thành phố phát hiện có đến 7.912 doanh nghiệp có đăng ký thuế nhưng chưa tham gia BHXH và có 49.433 doanh nghiệp đã tham gia BHXH nhưng tham gia chưa đầy đủ cho người lao động.

Vì sao nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đóng cửa né thanh tra? - 3

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Thanh cho biết: "Căn cứ dữ liệu thuế năm 2023 do BHXH Việt Nam cung cấp, toàn thành phố có 57.345 đơn vị với 1.473.939 lao động cần phải rà soát. Lý do là những đơn vị này có sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng thường lách luật BHXH để không tham gia BHXH cho người lao động".

Sớm xử lý hình sự để răn đe

Thời gian qua, các cơ quan quản lý lao động, BHXH liên tục tổ chức thanh tra các đơn vị trốn đóng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, kết quả chưa khả quan vì doanh nghiệp tìm mọi cách để né tránh.

"Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ở ngoài khu công nghiệp thường lách luật cố tình không tham gia BHXH cho người lao động. Khi cơ quan BHXH xuống kiểm tra các đơn vị này chỉ thấy treo biển hiệu.

Nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp cố tình né tránh tiếp đoàn thanh tra nhưng hiện nay chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc xử lý đơn vị cố tình vi phạm", ông Nguyễn Quốc Thanh chia sẻ.

Vì sao nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đóng cửa né thanh tra? - 4

Đại diện địa phương góp ý tại hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).

Bà Lượng Thị Tới cũng đề cập đến tình hình tương tự ở ngành lao động. Khi Thanh tra Sở LĐ-TB&XH xử lý đơn thư khiếu nại, thanh tra mời mà doanh nghiệp không đến dự họp để giải quyết.

Khi thanh tra đến tận nơi thì doanh nghiệp đóng cửa, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh… Thậm chí, khi đã thanh tra xong, ban hành quyết định xử phạt mà doanh nghiệp không chấp hành.

Theo bà Tới, hiện chưa có chế tài mang tính răn đe, yêu cầu người sử dụng lao động chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã được ban hành để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Đại diện Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM thì đề nghị xem xét áp dụng các chế tài đảm bảo chấp hành quy định pháp luật về BHXH như ở ngành thuế.

Vị này lấy ví dụ như chế tài cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp nợ thuế. Chế tài này rất hiệu quả, nếu áp dụng cho ngành BHXH thì sẽ hạn chế được doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, đề nghị áp dụng các chế tài mạnh mẽ hơn, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm răn đe, kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật BHXH, chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Ông cho biết, Liên đoàn đã nhiều lần hỗ trợ người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, về xử lý hình sự thì tính đến nay chưa có trường hợp nào.

Vì sao nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đóng cửa né thanh tra? - 5

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Tại hội nghị, Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM, cho biết: "Từ năm 2020 đến nay, Công an Thành phố tiếp nhận rất nhiều nguồn tin từ Cơ quan BHXH chuyển đến nhưng chưa khởi tố được vụ án nào, cũng chưa khởi tố bị can có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH".

Theo Công an TPHCM, nguyên nhân là do các quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa có hướng dẫn cụ thể, khó thu thập chứng cứ nên chưa thể xử lý hình sự hành vi này.

Công an TPHCM đề xuất các cơ quan tố tụng sớm có hướng dẫn cụ thể về hành vi gian dối và thủ đoạn khác để cấu thành hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN để có cơ sở xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Từ đó, cơ quan điều tra có thể xử lý hình sự khi doanh nghiệp tái phạm.

Vì sao nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đóng cửa né thanh tra? - 6

Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thượng tá Ngô Thuận Lăng đề nghị sớm thực hiện để đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nhân văn nhưng cũng đồng thời răn đe, cảnh tỉnh các đơn vị sử dụng lao động trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và với người lao động.