"Không thể khó khăn tí xíu là rút BHXH một lần"

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Lấy ý kiến phương án hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tại TPHCM, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có quỹ để người lao động vay khi khó khăn nhằm hạn chế tối đa việc rút BHXH một lần.

 Làm sao giữ người lao động trong quỹ hưu trí?

Ngày 11/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Liên đoàn Lao động TPHCM đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đối với Dự án Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).

Không thể khó khăn tí xíu là rút BHXH một lần - 1

Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, chủ trì hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho công đoàn những doanh nghiệp lớn, có đông công nhân trên địa bàn TPHCM góp ý nhiều về 2 phương án quy định hưởng BHXH một lần.

Không thể khó khăn tí xíu là rút BHXH một lần - 2

Ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, cho biết: "Thực tế là công nhân trên 50 tuổi rất ít. Hầu như ở tuổi này thì họ đều nghỉ việc rút BHXH một lần rồi về quê tìm kế sinh nhai khác nên chúng tôi rất quan tâm đến điều kiện rút BHXH một lần. Nguyện vọng của anh em công nhân là giữ nguyên điều kiện như hiện nay, sau 1 năm nghỉ việc là được rút".

Theo ông Cường, nguyên nhân người lao động rút BHXH một lần nhiều là vì công nhân đang làm việc tại TPHCM chủ yếu là người dân các tỉnh. Hầu hết họ xem BHXH như một khoản tiết kiệm, khi hết làm công nhân được nữa là rút một lần làm vốn về quê làm ăn. 

Không thể khó khăn tí xíu là rút BHXH một lần - 3

Ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (Ảnh: Tùng Nguyên).

Do đó, với 2 phương án về quy định hưởng BHXH một lần, Công đoàn công ty Pouyuen Việt Nam đã lấy ý kiến công nhân nhiều lần, công nhân đồng tình theo phương án 1. Tức là ai đã tham gia BHXH trước khi luật sửa đổi thì được rút BHXH một lần như cũ.

Phương án này sẽ không gây ra xáo trộn trong công nhân hiện hữu. Còn công nhân tham gia BHXH sau khi luật mới thi hành thì chấp nhận không được rút BHXH một lần.

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn công ty Intel Product, cũng chung ý kiến như trên.

Bà Yến phát biểu: "Bài toán mà chúng ta giải mãi không được là làm sao giữ người lao động trong quỹ hưu trí để đảm bảo an sinh về già? Lao động hiện nay đi làm từ rất trẻ, 18 tuổi đã đi làm, họ đóng BHXH đến mức tối đa từ năm 48-50 tuổi nên phải chờ hơn 10 năm nữa được lãnh lương hưu. Vì chờ quá lâu nên công nhân ngắm nghía đến việc hưởng BHXH một lần".

Không thể khó khăn tí xíu là rút BHXH một lần - 4

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn công ty Intel Product (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Phạm Quốc Tiến, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty Nệm Liên Á, chia sẻ: "Nhiều công nhân gặp tôi nhờ tư vấn làm sao cho họ rút BHXH một lần. Những người làm trên 15 năm chấp nhận nghỉ 1 năm rồi chờ lãnh BHXH một lần rồi mới đi làm lại, công ty gặp rất nhiều trường hợp này".

Theo ông Tiến, bản thân ông giải thích rất nhiều nhưng người lao động không quan tâm, họ chỉ muốn rút BHXH một lần. Cách mà người lao động tính toán là họ rút BHXH một lần rồi đi làm lại, thời gian còn lại vẫn đủ đóng 15 năm BHXH để hưởng lương hưu theo quy định mới.

Thà đau một lần

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn lao động TPHCM, cho rằng, cần tuyên truyền mạnh mẽ để người lao động hiểu và hạn chế rút BHXH một lần. 

Ông Triều đồng ý với phương án 1 và giải thích: "Tham gia BHXH là để hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Không có chế độ nào gọi là BHXH một lần".

Không thể khó khăn tí xíu là rút BHXH một lần - 5

Đại biểu tham gia góp ý là lãnh đạo công đoàn các doanh nghiệp đông lao động và công đoàn các quận, huyện... (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Trần Văn Triều, trước khi có quỹ hưu trí thì TPHCM đã thực hiện chính sách BHXH tuổi già, tức là đóng góp để sau này về già lãnh lương hưu, không ai đóng để lãnh một lần. Sau này, khi luật BHXH ra đời mới cho phép rút BHXH một lần, xuất hiện tình trạng rút BHXH một lần như hiện nay.

Ông Trần Văn Triều nhấn mạnh: "Thà chịu đau một lần, chịu rát một lần để thế hệ lao động sau này không còn cảnh có người không có lương hưu khi đến tuổi hưu trí".

"Trong quá trình đi tư vấn cho người lao động, tôi gặp rất nhiều trường hợp khó khăn quá, khổ quá, không biết làm sao mới quyết định rút BHXH một lần. Trường hợp đó là có. Do đó, chúng ta nên có những quỹ để họ được vay mượn ưu đãi khi gặp khó khăn. Không thể khó khăn tí xíu là rút BHXH một lần", ông Triều bổ sung thêm.

Không thể khó khăn tí xíu là rút BHXH một lần - 6

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn lao động TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn công ty May mặc Song Ngọc, góp ý: "Khi chúng ta về già, được nhận một chút lương hưu thôi cũng là rất quý nhưng vì sao công nhân lại rút BHXH một lần? Vì tôi ít thấy tuyên truyền về BHXH quá".

Ông Sơn đánh giá: "Công tác tuyên truyền là rất quan trọng, nên đưa ngay vào các trang đầu của luật BHXH. Hay chúng ta nghĩ BHXH bắt buộc rồi thì không cần tuyên truyền?".

Theo ông Trần Thanh Sơn, bản chất người Việt Nam là trách nhiệm và tương thân tương ái. Điều này thể hiện rõ trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 vừa qua. Do đó, cần tuyên truyền cho người lao động hiểu việc đóng BHXH là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với bản thân, gia đình và xã hội để tăng tính tích cực hưởng ứng.

Không thể khó khăn tí xíu là rút BHXH một lần - 7

Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn công ty May mặc Song Ngọc (Ảnh: Tùng Nguyên).

Phát biểu kết thúc hội nghị, Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đánh giá cao các ý kiến đóng góp nhằm cải thiện quyền lợi cho người lao động của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến về việc bổ sung công tác tuyên truyền vào dự án luật BHXH.

Ông Hà Phước Thắng cho biết Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ tiếp thu, tiếp tục có ý kiến trước Quốc hội về những ý kiến mà đoàn đã phát biểu trong các kỳ họp trước mà chưa được ban soạn thảo dự án luật tiếp thu, sửa đổi.