1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vì sao giáo viên mầm non không thuộc 1.748 công việc được nghỉ hưu sớm?

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương soạn thảo Thông tư hợp nhất 1.748 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đây là một căn cứ để xem xét việc nghỉ hưu sớm trước tuổi.

Vì sao giáo viên mầm non không thuộc 1.748 công việc được nghỉ hưu sớm? - 1

Cô giáo mầm non là công việc có tuổi nghề không cao (Ảnh: Hoài Nam)

Theo ông Hà Tất Thắng, quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động đã được nêu tại Điều 187 của Luật Lao động năm 2012, cụ thể: Nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi sẽ nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường.

Điều 187 Luật Lao động cũng quy định: Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định hiện hành.

Vấn đề tuổi nghỉ hưu cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri trong thời gian tổ chức Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 vừa qua.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, đề xuất tăng tuổi hưu được nhiều đại biểu đồng thuận. Các ý kiến còn lại chủ yếu yêu cầu làm rõ danh mục các nghề, công việc có thể nghỉ hưu sớm theo quy định của Luật Lao động.

May công nghiệp cũng thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm

May công nghiệp được quy định là nghề, công việc thuộc nhóm nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm theo Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ của Bộ LĐ-TB&XH ban hành năm 1996.

Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ cũng bổ sung 19 nghề, công việc thuộc nhóm dệt may có thuộc nhóm nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Sau đó 7 năm, Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH ban hành năm 2003 cũng bổ sung thêm 32 nghề, công việc trong lĩnh vực dệt may thuộc nhóm nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Liên quan tới nội dung trên, ông Hà Tất Thắng cho biết: Từ năm 1995 tới nay, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành 8 quyết định và thông tư kèm danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Việc ban hành danh mục nghề, công việc trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ và quản lý.

“Để giúp thuận tiện trong việc theo dõi và tra cứu, Cục đang khẩn trương rà soát và tổng hợp, trình lãnh đạo Bộ ký ban hành Thông tư mới tích hợp 1.748 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong tháng 8/2019, Thông tư trên sẽ được hoàn thành” - ông Hà Tất Thắng cho biết.

Cũng theo ông Hà Tất Thắng, điểm đáng lưu ý của thông tư mới là việc bảo lưu quy định về các nghề, công việc được nêu trong danh mục ban hành từ năm 1995. Dù tới thời điểm này, các nghề, công việc này có thể không còn tồn tại trên thị trường lao động.

“Điều này nhằm làm căn cứ và đảm bảo quyền lợi của người lao động từng làm những nghề, công việc từ năm 1995 và tới nay mới đến giai đoạn nghỉ hưu. Họ sẽ được giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm nếu đáp ứng đủ quy định” - ông Hà Tất Thắng giải thích thêm.

Cũng theo lãnh đạo Cục An toàn lao động, tổng thời gian làm việc ở các nhóm nghề, công việc trên phải tối thiểu từ 15 năm trở lên mới có thể làm căn cứ tính chế độ hưu trí, trợ cấp và tiền lương.

Được biết, danh mục tích hợp 1.748 nghề, công việc nêu trên sẽ là căn cứ để làm rõ hơn nội dung đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012, sẽ được Quốc hội xem xét và bỏ phiếu thông qua tại Kỳ họp tháng 10/2019.

Tại sao giáo viên mầm non không thuộc danh mục 1.748 nghề, công việc nêu trên?

Trước thềm kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng các cô giáo mầm non khó có thể làm nghề ở tuổi 45-50. Do sức yếu và tuổi cao, họ không thể nhảy và hát múa cho trẻ như những cô giáo trẻ tuổi được. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012 nên đưa nghề giáo viên mầm non vào danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và được nghỉ hưu sớm hơn quy định.

Trao đổi vấn đề này với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Bình - Vụ Phó, phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Về nguyên tắc, danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ký ban hành. Tuy nhiên, mỗi nghề cụ thể trong danh mục sẽ phải dựa trên đề xuất từ các bộ, ngành tương ứng. Đơn cử như nghề giáo viên mầm non thuộc lĩnh vực của Bộ Giáo dục và đào tạo. Tới nay, Bộ Giáo dục và đào tạo chưa đề xuất về nghề này…”.

Hoàng Mạnh