Vì sao 6.200 cán bộ, công chức, viên chức TPHCM nghỉ việc trong 6 tháng?

Xuân Hinh

(Dân trí) - Chỉ 6 tháng đầu năm, gần 6.200 cán bộ, công chức, viên chức ở TPHCM thôi việc, mức cao nhất trong 7 năm qua. Trung bình mỗi tháng có 1.000 cán bộ nghỉ việc.

Vì sao 6.200 cán bộ, công chức, viên chức TPHCM nghỉ việc trong 6 tháng? - 1

Theo đánh giá của UBND TPHCM, có 3 nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bao gồm chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc (Ảnh minh họa).

Ngày 12/8, UBND TPHCM đã có công văn khẩn báo cáo Bộ Nội vụ về việc 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức thôi việc chỉ trong 6 tháng đầu năm. Số cán bộ, công chức thôi việc trong 6 tháng gấp 2,4 lần năm 2021; số viên chức gấp gần 2,9 lần.

Trong 676 cán bộ, công chức thôi việc theo nguyện vọng, ở cấp tỉnh, Sở Xây dựng có số người nghỉ việc nhiều nhất là 23, trong đó có 5 thạc sĩ, 17 người trình độ cử nhân. Ở cấp huyện, TP Thủ Đức có nhiều người nghỉ nhất với 40 người.

Ở khối sự nghiệp, trong hơn 5.500 viên chức thôi việc, có hơn 2.430 người thuộc khối giáo dục, 2.145 người khối y tế, còn lại thuộc các lĩnh vực khác. Trong số này có 6 tiến sĩ.

Theo đánh giá của UBND TPHCM, có 3 nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bao gồm chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc.

Về chế độ tiền lương, mặc dù TP đã có chính sách đãi ngộ, cải thiện thu nhập nhưng vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống cũng như chưa đủ sức để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến. Nhất là trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương rất hấp dẫn và do đó có sự cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.

Về cơ hội thăng tiến, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay vẫn còn một số hạn chế, một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng về bệnh "kinh nghiệm", việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ rèn luyện, phấn đấu; cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế, chưa phát hiện, trọng dụng hết người có tài năng.

Đối với áp lực công việc, UBND TPHCM nhận định, áp lực công việc là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn nhân sự khu vực công thôi việc. Căng thẳng, áp lực chủ yếu đến từ việc quá tải công việc, đặc biệt với cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục và cán bộ, công chức, viên chức công tác ở phường, xã, thị trấn trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, khối lượng công việc tăng cao gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý và xã hội với nhóm này nói riêng và nhân sự khu vực công nói chung.

Để giảm tỷ lệ nghỉ việc trong lĩnh vực công, TPHCM đề nghị Bộ Nội vụ đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo; thường xuyên luân chuyển, đưa lãnh đạo về cơ sở và ngược lại để nâng cao năng lực; có chính sách trợ cấp thôi việc. Thành phố cũng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng với người không thuộc nhóm tinh giản biên chế nhưng năng lực thấp hoặc sức khỏe không đảm bảo. Đề xuất Trung ương tăng biên chế cho thành phố để giảm áp lực cho công chức, viên chức.