1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vi phạm xuất khẩu lao động: Xử phạt nhẹ, doanh nghiệp “lờn thuốc”

Việc xử lý chưa nghiêm minh và chưa đầy đủ là nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm kéo dài, phổ biến ở các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Vi phạm xuất khẩu lao động: Xử phạt nhẹ, doanh nghiệp “lờn thuốc” - 1
Nhu cầu ra nước ngoài làm việc gia tăng là cơ hội để cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tìm cách "lách" luật. (Ảnh: minh họa)
 
Cuối tháng 10 vừa qua, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động –Thương binh-Xã hội) đã xử phạt Công ty TNHH một thành viên Seaprodex vì tổ chức đưa 11 người đi làm việc tại Liên bang Nga mà không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động. Tuy nhiên, Seaprodex chỉ bị phạt tiền ở mức thấp nhất: 10 triệu đồng!

Phạt cho có

Giải thích cho việc chỉ phạt nhẹ Seaprodex, quyết định nêu trên cho rằng vì “Seaprodex đã tự nguyện khắc phục hậu quả, tích cực giải quyết, bảo đảm kịp thời sau khi vụ việc phát sinh”.

Các báo cáo giám sát thực hiện chính sách, pháp luật xuất khẩu lao động của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, một phần nguyên nhân dẫn đến vi phạm xuất khẩu lao động trong thời gian qua là do việc xử lý chưa nghiêm minh và chưa đầy đủ các vi phạm của doanh nghiệp ở lĩnh vực này.

Thực chất, việc khắc phục hậu quả là một hình thức phạt bổ sung mà doanh nghiệp phải thực hiện chứ không thể xem là “tình tiết giảm nhẹ”.

Cụ thể, theo quy định tại điều 7 Nghị định 144/CP ban hành ngày 10/9/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trường hợp đưa người lao động ra nước ngoài làm việc mà không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động với Cục Quản lý Lao động ngoài nước thì ngoài bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng, doanh nghiệp còn bị đình chỉ hoạt động từ 6 đến 12 tháng hoặc thu hồi giấy phép, buộc bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh nếu gây rủi ro cho người lao động.

Thực tế, thời gian qua, Cục Quản lý Lao động ngoài nước chưa xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm tương tự Seaprodex.

Trước đó, ngày 26/5/2010, Cục Quản lý Lao động ngoài nước ra quyết định xử phạt Công ty Hợp tác Đào tạo và xuất khẩu lao động Letco vì tổ chức đưa 102 lao động đi làm việc ở Libya khi hợp đồng đăng ký chưa được chấp nhận và không trực tiếp tuyển chọn 67 lao động đi làm việc tại nước này.

Chỉ riêng vi phạm không tuyển chọn trực tiếp lao động, doanh nghiệp có thể bị xử phạt bổ sung bằng hình thức tạm đình chỉ hoạt động 1-3 tháng. Nhưng tổng hợp hai lỗi vi phạm nói trên, Letco chỉ bị phạt tiền 25 triệu đồng.

Công ty CP XNK 3/2 Hòa Bình cũng từng tổ chức đưa 499 lao động đi làm việc ở nước ngoài mà không đăng ký hợp đồng nhưng mức phạt nặng nhất mà Cục Quản lý Lao động ngoài nước áp dụng (theo quyết định xử phạt ngày 4/9/2009) cũng chỉ 15 triệu đồng.

Lỗi nặng thành nhẹ

Bên cạnh việc xử lý nhẹ tay, một số quy định về xử phạt vi phạm tại Nghị định 144/CP chưa phản ánh đúng bản chất và hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra.

Một số hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng nhưng lại quy định mức phạt khá nhẹ. Chẳng hạn, quy định xử lý việc đưa lao động ra nước ngoài vượt quá số lượng đăng ký theo hợp đồng (điểm b, khoản 1, điều 7 Nghị định 144/CP). Vi phạm này không thể coi là nhẹ hơn vi phạm không đăng ký hợp đồng bởi đưa vượt số lượng lao động đăng ký hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc cung ứng lao động “chui”. Nếu có rủi ro phát sinh, người lao động bị xâm hại quyền lợi, cơ quan chức năng không thể biết để can thiệp.

Thế nhưng, với vi phạm này, Nghị định 144/CP chỉ quy định phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng, không áp dụng các biện pháp xử phạt khác.

Theo các quyết định xử phạt của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Công ty CP Traenco tổ chức đưa lao động sang Malaysia vượt quá số lượng (870 người) và chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo nhưng chỉ bị xử phạt 5 triệu đồng. Công ty CP Cung ứng và XNK Hàng không đưa lao động sang Malaysia vượt số lượng đăng ký cũng chỉ bị phạt 3,5 triệu đồng.

Tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm

Việc xử lý thiếu nghiêm minh, mức quy định xử phạt quá nhẹ đối với những vi phạm nghiêm trọng đã vô tình tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm.

Một doanh nghiệp chưa được chấp thuận hợp đồng đưa lao động sang Israel làm việc đã “cầm đèn chạy trước ô tô”, cho xuất ngoại trước 12 người. Thay vì bị “thổi còi”, doanh nghiệp này sau đó lại được chọn cho phép triển khai hợp đồng đưa lao động sang thị trường Israel.

Trong khi chờ thẩm định hợp đồng, một doanh nghiệp đã tuyển trước và đưa trên 30 lao động sang một quốc gia châu Âu, sau đó cũng được cho phép thí điểm cung ứng lao động.

Sự việc gây tai tiếng nhất gần đây là vụ hai chi nhánh của một doanh nghiệp xuất khẩu lao động làm bậy, gian lận trong việc làm thủ tục hồ sơ vay vốn để chiếm dụng tiền chênh lệch của người lao động vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn. Kể từ khi Nghị định 144/CP ban hành đến nay, chưa có doanh nghiệp nào vi phạm bị rút giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động.

Theo Mai Nguyễn
NLĐ